Gò Dầu: Hội thảo “Quy trình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP”

Thứ năm - 29/09/2022 14:10 553 0

Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2022, tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo "Quy trình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP".

Đến dự hội thảo có Ông Trần Văn Hận - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Ông Huỳnh Văn Chừng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, đại diện các cơ quan nông nghiệp địa phương cùng 50 nông dân sản xuất cây ăn trái trên địa bàn các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu và thị xã Hòa Thành.

Trong những năm qua sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã có những bước tăng trưởng đáng kể và tích cực về cơ cấu cây trồng, diện tích năng suất và sản lượng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái thay thế nhiều diện tích cây trồng truyền thống có hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, do nhu cầu của con người ngày càng nâng cao nên không những đòi hỏi về chủng loại, số lượng mà còn phải bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tạo cơ hội cho sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh tham gia vào các thị trường khó tính có yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, việc định hướng và đưa ra các giải pháp xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với phát triển cây ăn trái trong tình hình hiện nay là phù hợp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông cùng Hội Nông dân tỉnh đã trình bày các yêu cầu, điều kiện thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; lợi thế của sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Để nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGap, trước hết, người nông dân phải tập làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đây là là điều kiện bắt buộc để có những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Và đây cũng chính là việc người nông dân góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm mà họ là người trực tiếp sản xuất ra. Mặt khác, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác còn tạo được ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm với sản phẩm mình sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Huỳnh Văn Chừng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đề nghị hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh nên mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, duy trì và phát triển diện tích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, từng bước liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng tầm trái cây Tây Ninh trên thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập./.

Tác giả: Khuyen nong

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây