UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ năm - 06/08/2020 00:00 689 0

Ngày 06/7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1391/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Quyết định này quy định một số nội dung cụ thể như sau:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

1. Tên Đề án: Thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án OCOP).

2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh.

4. Đối tượng thực hiện

a) Sản phẩm:

Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa và công nghệ địa phương, tập trung 6 nhóm/ngành hàng: Nhóm ngành thực phẩm; Nhóm ngành đồ uống; Nhóm sản phẩm thảo dược; Ngành thủ công mỹ nghệ; Nhóm ngành vải, may mặc; Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

b) Chủ thể thực hiện:

Chủ thể sản xuất sản phẩm địa phương, tập trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

5. Quan điểm, cách thức triển khai Đề án

- Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

- Cộng đồng dân cư (các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh) chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

6. Mục tiêu Đề án

a) Mục tiêu tổng quát

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân; thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Thông qua phát triển sản xuất địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố, các khu công nghiệp), tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.

- Đưa Chương trình OCOP trở thành Chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, khu vực đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của Tỉnh.

- Phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các Hiệp định thương mại khu vực và quốc tế. Xây dựng, quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của Tỉnh trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, Nhân dân nông thôn.

b) Mục tiêu cụ thể

b1) Giai đoạn 2020 – 2025

- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã với 100% số xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình; có từ 10 - 15 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 - 5 sản phẩm đạt 04 sao, 05 - 10 sản phẩm đạt 03 sao; mỗi huyện (thị xã, thành phố) có ít nhất 10 chủ thể phát triển được sản phẩm.

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền Chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp.

- Trong năm 2020, chủ yếu tập trung thực hiện thí điểm một số sản phẩm tại Phụ lục 5 của Đề án. Sau đó, tổng kết đánh, giá rút kinh nghiệm để thực hiện cho các năm tiếp theo.

b2) Giai đoạn 2026 - 2030

- Mỗi huyện (thị xã, thành phố) có ít nhất 20 chủ thể phát triển được sản phẩm; toàn tỉnh có từ 02 - 03 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia (05 sao), có từ 20 - 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó 05 - 10 sản phẩm đạt mức 04 sao, từ 15 - 20 sản phẩm đạt mức 03 sao;

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh gắn các sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập người dân. Xây dựng chiến lược phát triển đối với từng loại sản phẩm OCOP, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP đối với từng cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương).

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP các cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP thông qua đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.

7. Nội dung Đề án

a) Xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Đề án

- Bộ máy cấp tỉnh: Lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh. Cơ quan thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

- Bộ máy cấp huyện: Lồng ghép nhiệm vụ Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện. Cơ quan thường trực phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế cấp huyện. Thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

- Bộ máy cấp xã: Cơ quan chỉ đạo là UBND cấp xã. Cán bộ thường trực là 01 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách Chương trình OCOP, được lồng nghép trong nhiệm vụ nông thôn mới tại xã.

b) Triển khai Chu trình OCOP toàn tỉnh: 

Chu trình phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Tây Ninh được thực hiện 06 bước (theo Quyết định số 490/QĐ-TTg), gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; Đánh giá, xếp hạng sản phẩm; Xúc tiến thương mại.

c) Định hướng và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP

c1) Sản phẩm hạng 04 sao trở lên

- Tập trung phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ chủ lực đạt chất lượng cao (tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP); hỗ trợ phát triển thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia lựa chọn sản phẩm OCOP quốc gia.

- Hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời kết hợp xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu.

c2) Sản phẩm hạng 03 sao

- Phát triển nội lực, phát huy tối đa điểm mạnh, lợi thế của các địa phương để củng cố lại tổ chức sản xuất cộng đồng (HTX, THT) nhằm hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dần dần áp dụng các công nghệ mới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

- Hỗ trợ đào tạo các chủ cơ sở nâng cao năng lực quản lý, kiến thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh, nghiệp vụ kế toán và thị trường.

- Hỗ trợ nâng cấp/hoàn thiện sản phẩm (thiết kế nhãn mác, bao bì, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; xây dựng và công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm,...), cải tiến công nghệ, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh thông qua các Hội chợ OCOP của tỉnh và các tỉnh vùng lân cận.

- Hỗ trợ kêu gọi đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

c3) Sản phẩm hạng 01 - 02 sao

- Tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở nhỏ lẻ liên kết phát triển thành các tổ chức kinh tế tập thể như HTX, THT để phát huy sức mạnh cộng đồng, đặc biệt là đối với sản phẩm nghề truyền thống.

- Lồng ghép các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút nguồn nhân lực trẻ đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương.

- Tập trung hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất.

8. Giải pháp thực hiện Đề án

a) Nhóm giải pháp tuyên truyền vận động

Thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền vận động với nhiều hình thức khác nhau từ Tỉnh đến cơ sở (các phương tiện thông tin đại chúng, trang web, bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn hình ảnh, hội nghị, hội thảo, tập huấn...) với các đối tượng cần tuyên truyền như: Đảng ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng, đặc biệt các chủ thể OCOP.

b) Xây dựng hệ thống tư vấn và đối tác hỗ trợ thực hiện

- Tư vấn OCOP: Các tổ chức/cá nhân (doanh nghiệp, viện, trường đại học) có kinh nghiệm, năng lực tư vấn toàn diện (hoặc lĩnh vực cụ thể) các hoạt động Chương trình OCOP.

- Hệ thống đối tác OCOP: Các tổ chức/cá nhân có quan hệ với chủ thể OCOP theo cách hợp tác cùng có lợi ích, gồm: Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP; Các viện, trường đại học, nhà khoa học trong lĩnh vực ngành hàng OCOP ở các tổ chức Khoa học công nghệ Trung ương, vùng và địa phương; Các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương; Các ngân hàng, các quỹ đầu tư; Các tổ chức quốc tế; Các nhà báo.

c) Đào tạo nhân lực

Tập huấn xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh; phát triển sản phẩm; kỹ năng bán hàng (phân phối, xúc tiến thương mại,...); tập huấn cán bộ tham gia quản lý, điều hành Đề án OCOP; đào tạo nghề cho lao động. Nội dung đào tạo theo khung đào tạo Chương trình OCOP quy định tại Quyết định 490/QĐ - TTg, các nội dung cần thiết khác.

d) Nhóm giải pháp phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Đề án OCOP

Phát triển tổ chức cho các đối tượng đã tham gia Đề án OCOP để nâng cấp về tổ chức sản xuất và kinh doanh. Hỗ trợ các tổ chức OCOP nâng cao chất lượng: Quản trị và sản phẩm.

đ) Nhóm giải pháp khoa học - công nghệ

Xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP và các đề tài/dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP (ưu tiên các HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể).

g) Nhóm giải pháp cơ chế, chính sách

Rà soát các chính sách hiện hành, ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình khởi nghiệp,... cho sản phẩm tham gia Đề án OCOP. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2030.

h) Nhóm giải pháp các dự án ưu tiên đầu tư

Các dự án: Nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Xây dựng Trung tâm OCOP cấp tỉnh; Đầu tư gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong các chợ, siêu thị; Đầu tư 06 điểm (mô hình mẫu) ở các chợ, siêu thị để nhân ra diện rộng; Đầu tư thí điểm hạ tầng nông nghiệp kết hợp du lịch; Đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản cây ăn quả; Đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng phơi sương; Phát triển chế biến các sản phẩm hàng lưu niệm (gỗ, tre, nón lá…). Các dự án sẽ được nghiên cứu đề xuất, có kế hoạch triển khai cụ thể tùy theo điều kiện, nguồn lực của các địa phương.

9. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2020 - 2025 là 110.414.260.000 đồng, trong đó:

a) Vốn ngân sách: 62.508.550.000 đồng, chiếm 56,6%, gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, các nguồn vốn lồng ghép trung ương, địa phương khác. Cụ thể:

Vốn sự nghiệp: 19.866.550.000 đồng, gồm:          

- Ngân sách cấp tỉnh: 12.402.490.000 đồng.

- Ngân sách cấp huyện: 7.464.060.000 đồng.

Vốn đầu tư: 42.642.000.000 đồng, gồm:

- Ngân sách cấp tỉnh: 34.608.000.000 đồng.

- Ngân sách cấp huyện: 8.034.000.000 đồng.

b) Vốn ngoài ngân sách: 47.905.710.000 đồng, chiếm 43,4%, gồm: Vốn tự có của các Doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất tự huy động; nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ Đề án OCOP...

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây