Khi giá mủ cao su lao dốc

Thứ ba - 10/06/2014 20:45 386 0
Tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước, câu chuyện thời sự hàng đầu hiện nay là giá mủ cao su. Anh Hải Văn, Giám đốc Cty Trường Phát (xã An Điền, huyện Bến Cát, Bình Dương), một DN chuyên mua mủ cao su tiểu điền về chế biến thành mủ cốm bán cho thị trường Trung Quốcbuồn bã cho biết, các DN chế biến mủ như đang ngồi trên chảo lửa vì thua lỗ.

Trao đổi với PV NNVN, anh Văn cho biết: “Chỉ có 2 tháng nay mà chúng tôi lỗ mất 5 tỷ đồng, giờ không còn vốn để mua mủ trong dân nữa”. Thời điểm mua mủ nước là 420 đồng/độ (tương ứng với 57 triệu/tấn) mang về chế biến chưa tới nửa tháng thì giá mủ nước rớt chỉ còn 351 đồng/độ (tương ứng khoảng 45 triệu/tấn). Bán qua Trung Quốc lỗ  5 triệu đ/tấn. Bán 1.000 tấn mủ cao su chế biến, cầm chắc mất đứt 5 tỷ đồng! “Không chỉ giảm giá, khách hàng bên Trung Quốc còn siết chặt chất lượng. Chế biến kiểu gì cũng bị họ ép giá”, anh Văn than vãn.

Tháng tư vừa qua, chị Hoa, một thương lái chuyên kinh doanh mủ khá nổi tiếng ở Bình Dương mua 100 tấn mủ của một Cty cao su với giá 50 triệu đ/tấn để bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng khi ra đến nơi thì giá tụt, buộc chị phải găm hàng lại. Cho đến nay, cứ mỗi tấn chị lỗ ít nhất 20 triệu đồng. Chị thở dài: “Bây giờ, buôn bán mủ cao su rủi ro quá!”. Anh Thanh, Trưởng đại diện Văn phòng giao dịch của một Cty cao su (xin không nêu tên) ở Móng Cái (Quảng Ninh) cho hay, đơn vị hiện vẫn còn tồn 3.000 tấn mủ ở cửa khẩu. “Mình hợp đồng bán mủ theo thị trường. Bán tháng này thì lấy giá của tháng trước nhưng không chốt giá cả năm. Bên Trung Quốc, mủ cao su hiện đang vượt cầu. Sản lượng cao su dự trữ tại nước này đã 300 ngàn tấn mủ nên họ mua kiểu nhỏ giọt, cầm chừng. Hiện họ mua mủ với giá 39 triệu đồng/tấn nhưng tiến độ giao nhận chậm lắm”.

Theo tìm hiểu của PV, thông thường cao su bắt đầu khai thác giữa tháng 4 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Ngay từ tháng 01/2014, giá cao su vẫn còn ở mức 56 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 2 trở đi thì giá xuống liên tục và lúc này tuy cao su đã bước vào khai thác chính vụ nhưng giá thu mua ở các đại lý mủ nước vào các ngày 25, 26, 27/5 dao động ở mức 296 – 310 đồng/độ (khoảng 39 – 40 triệu đồng/tấn), so cùng kỳ năm ngoái giảm đến 100 đồng/độ. Ông Nguyễn Hoàng, một đại gia trồng đến 45 ha cao su ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhăn nhó: “Tui mới cho mở miệng cạo ngày 17/5 theo chế độ D3, tức một ngày cạo có 15 ha, thuê 15 công lao động cạo mủ, giảm tiền công từ 170 ngàn xuống còn 140 ngàn đồng/công cạo. Sản phẩm thu được bình quân khoảng 170 kg mủ nước và bán chỉ được 1,7 triệu đồng (310 đồng/độ, tức 10 ngàn đồng/kg). Vậy là lỗ chỏng gọng. Thôi thì mình cố gắng “gồng” thêm 1 tháng nữa rồi bơm thuốc kích thích, đặc biệt từ tháng 9 trở đi là lúc cây cao su cho mủ nhiều, 30 – 40 kg mủ nước/ha thì may ra có lãi chút ít”.
Trường hợp của một Cty CP ĐTXD thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) còn thê thảm hơn. Trong năm 2011, thời điểm cao su được giá 90 triệu đồng/tấn, Cty này mạnh dạn vay ngân hàng 700 tỷ đồng (lãi suất không dưới 4 – 5 tỷ đồng/tháng) để mua 4.000 ha cao su đang khai thác ở một tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ. Nay cao su tụt giá, sản lượng mủ khai thác hàng ngày chỉ có 1.000 – 2.000 tấn mủ nước, dù có bán ra vẫn không đủ trả lãi “nuôi” ngân hàng, chứ chưa tính đến việc trả nợ. Những đại gia trồng cao su với diện tích khủng đang lao đao thì các nhà vườn trồng từ 1 – 2 ha chỉ có “gác kiếm”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐND xã An Điền, huyện Bến Cát cho biết: “Nông dân trồng nhỏ lẻ 1 – 2 ha cao su, thu về 20 kg mủ/ha/ngày và bán ra được 200 ngàn đồng đủ trả tiền công cạo. Thôi thì ngưng cạo để dưỡng cây lúc nào giá lên mới tính”. Tại xã này, có khoảng 50% số hộ ngưng cạo trên tổng diện tích cao su khai thác là 1.216 ha.

Còn ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch HĐND xã An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) cho biết, địa phương có gần 2.000 ha cao su tiểu điền, trong đó có hơn 1.400 ha cao su khai thác, hầu hết đều mở miệng cạo vào trung tuần tháng 5 này. Tuy nhiên do  giá tụt còn 300 đồng/độ nên có nhiều hộ trồng nhỏ lẻ đã ngưng cạo, ngưng đầu tư. Riêng số hộ trồng cao su với diện tích từ 5 – 10 ha trở lên thì chuyển qua cạo chế độ D3, cũng không đầu tư. “Thông thường, đến thời điểm này, nông dân đã đầu tư 7 – 10 triệu đồng/ha tiền phân bón cho cây cao su nhưng hiện rất ít người thực hiện. Đặc biệt, có một số chủ vườn cao su có diện tích nhỏ vài công (sào) hoặc 1 ha thì họ ngưng cạo mà chuyển qua làm mướn, đi cạo thuê hoặc ai thuê gì làm nấy. Tiền công 150 ngàn đồng/ngày nhưng thu nhập lại ổn định hơn”.

Theo VTV Cần Thơ

    

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây