BÁO CÁO
Kết quả kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG
Xây dựng nông thôn mới năm 2012 của 25 xã điểm
Thực hiện Kế hoạch số 2526/KH-BCĐ ngày 19/11/2012 của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh; từ ngày 22-23/12/2012, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo (gồm các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách 25 xã điểm, Văn phòng Điều phối, Văn phòng UBND tỉnh) đã tổ chức kiểm tra tại 19 xã theo Kế hoạch và đề nghị 6 xã: Ninh Thạnh (Thị xã); Thạnh Bình (Tân Biên); Chà Là, Phước Ninh, Bến Củi (Dương Minh Châu); Long Khánh (Bến Cầu) gửi văn bản báo cáo.
Văn phòng Điều phối báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2012 của 25 xã điểm như sau:
I. KẾT QUẢ KIỂM TRA
1. Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện
Theo chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo các huyện, các xã đã hoàn chỉnh hệ thống chỉ đạo, điều hành chương trình (gồm Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, Ban phát triển các ấp); ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, thành lập các tiểu ban; các xã Trà Vong, An Bình, Tân Hưng, Thạnh Đông, Tân Hòa, Long Thành Trung, Bình Minh, Thạnh Tân đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới.
Hầu hết các xã đã ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã nhưng chưa rõ ràng, quy định chế độ hội họp từ 2 tháng đến 6 tháng/lần (riêng xã An Tịnh có quy chế hoạt động hoàn chỉnh nhất, họp Ban chỉ đạo 2 lần/tháng), chưa phân công nhiệm vụ cụ thể dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền chưa sâu sát, thiếu hiệu quả.
Qua các buổi làm việc tại 19 xã, chỉ có 03 huyện: Tân Biên, Hòa Thành, Gò Dầu cử lãnh đạo UBND huyện tham dự các buổi kiểm tra (Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành tham dự xuyên suốt ở 3 xã điểm được kiểm tra); Ban chỉ đạo các huyện: Châu Thành, Tân Châu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Thị xã chỉ giao cho Thường trực Ban chỉ đạo huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế) tham dự.
2. Về công tác tuyên truyền, vận động
Đến nay 25 xã triển khai tuyên truyền lồng ghép với các hội nghị, các buổi tiếp xúc cử tri tổng cộng 2.477 cuộc với trên 65.000 lượt người tham dự, tiếp âm đài tuyền thanh huyện và truyền thanh cụm xã được 3.698 giờ, phát thanh trên xe lưu động được 14 cuộc với 24 giờ.
- Xã Trà Vong, Tân Hòa, Thạnh Đông, Tân Hưng đã thành lập tiểu ban tuyên truyền, các tổ tuyên truyền triển khai tại các ấp. Hầu hết các xã sử dụng tài liệu tuyên truyền được do Ban chỉ đạo tỉnh biên soạn, riêng BQL các xã: Trà Vong, Long Thành Bắc, Phước Trạch đã biên soạn tài liệu để tổ chức tuyên truyền đến các tổ tự quản.
- Nhìn chung, nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước nhưng hiệu quả công tác tuyên truyền của các xã đến nay chưa cao, một số cán bộ và nhân dân chỉ được tiếp cận các thông tin về xây dựng nông thôn mới nhưng không hiểu sâu về nội dung của chương trình.
- Nguyên nhân do tài liệu tuyên truyền cũng như đội ngũ tuyên truyền viên còn thiếu, và chưa có phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù của từng xã, các hoạt động thực tiễn xây dựng nông thôn mới không đồng bộ với công tác tuyên truyền. Riêng đối với xã Tân Hòa là xã biên giới đang thụ hưởng Chương trình 135, đa số người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên việc vận động người dân tham gia còn gặp nhiều khó khăn.
3. Về công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án
- Hiện còn 03 xã: Tân Hưng, Thạnh Đông, Tân Hòa (huyện Tân Châu) chưa được phê duyệt đồ án quy hoạch, nguyên nhân do vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, đồ án của các xã do cùng một đơn vị tư vấn thực hiện có sai sót về biểu mẫu dẫn đến việc thẩm định, chỉnh sửa đồ án kéo dài, không đúng tiến độ.
- Công tác lập đề án đối với các xã vẫn còn khó khăn do trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế, còn thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Xã Trà Vong và xã An Tịnh đã chỉnh sửa đề án theo góp ý của các cơ quan chuyên môn, dự kiến trình UBND huyện phê duyệt trong tháng 12/2012
4. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng (Phụ lục 3)
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã triển khai trong năm 2012 gồm: 213 công trình giao thông nông thôn, trong đó có 02 cầu: cầu Bà Mai, xã Trường Hòa; cầu kênh TN0, xã Phước Ninh; sữa chữa, nạo vét 10 tuyến kênh nội đồng, bê tông hóa 4 tuyến kênh cấp 3; nâng cấp, kiên cố hóa cơ sở vật chất cho 33 trường học các cấp; xây mới 5 trạm Y tế xã; hỗ trợ xây dựng 02 nhà sinh hoạt cộng đồng ấp tại xã Thạnh Đông và Tân Hưng, sữa chữa 01 Trung tâm Văn hóa xã Bình Minh, xây mới sân bóng đá xã Long Khánh; xây mới 08 công trình phụ trợ của trụ sở xã, 02 trụ sở UBND xã (Bàu Đồn và Phước Đông); hỗ trợ xây dựng 75 nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; 02 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư, hoàn thành 02 hệ thống cấp nước tại xã Trà Vong và Tiên Thuận, sữa chữa 02 hệ thống cấp nước tại xã Chà Là và Thạnh Bình
Qua việc vận động của chính quyền xã, có 103 công trình giao thông, 05 công trình thủy lợi, 02 công trình điện nông thôn; 02 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư có vận động nhân dân đóng góp, ước tính giá trị khoảng 2,846 tỷ đồng. Xã Phước Đông vận động 5 doanh nghiệp lán nhựa đường tổ 25 ấp Suối Cao với kinh phí 740 triệu đồng. Xã Phước Ninh vận động nhân dân và doanh nghiệp xây dựng cầu kênh TN-0 110 triệu đồng. Xã Long Thành Bắc vận động nhân dân cùng chính quyền thực hiện 19 tuyến giao thông nông thôn, đây là công tác được thực hiện hàng năm của xã.
Trong năm 2012, các huyện, thị đã tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng CSHT cho 25 xã điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân ở một số công trình do nhà nước đầu tư rất chậm gây bức xúc trong nhân dân: 04 tuyến đường ấp tại xã Thái Bình do ngân sách huyện đầu tư khởi công đến nay chỉ được giải ngân 5%; cầu Bà Mai (xã Trường Hòa) tiến độ thi công quá chậm, không kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012. Ngoài ra, 02 xã: An Bình và Tiên Thuận đã lấy ý kiến thống nhất với người dân về mức đóng góp nâng cấp 03 tuyến: đường Gò Giáng Hương, đường Quốc phòng, đường Tiên Thuận 10 nhưng chưa được phân bổ vốn để thực hiện.
5. Công tác phát triển sản xuất
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2012, 05 xã gồm: Ninh Thạnh, Thạnh Đông, Bến Củi, Long Thành Trung, Phước Đông đã được hỗ trợ thực hiện 05 dự án phát triển sản xuất, xã Tiên Thuận tiếp tục thực hiện dự án trồng hành lá từ nguồn vốn 2011 chuyển sang; mức hỗ trợ: 105 triệu đồng/dự án. Kết hợp với các chương trình lồng ghép khác: mô hình liên kết 4 nhà được Công ty phân bón Bình Điền hỗ trợ triển khai trên diện tích 350,7 ha thuộc 5 xã (Phước Trạch, Bàu Đồn, Thanh Điền, Chà Là, Long Thành Trung), 347 hộ tham gia. Chương trình Khuyến nông hỗ trợ 174 triệu đồng thực hiện 4 mô hình (trồng khổ qua, nuôi cá thát lát, sản xuất lúa giống, mô hình 3 giảm 3 tăng). Chương trình 135 hỗ trợ tại xã Tân Hòa và Long Khánh cho 26 hộ nuôi gà, 42 hộ nuôi heo, 8 máy phun thuốc, bò sinh sản tổng kinh phí 647 triệu đồng. Quỹ giải quyết việc làm hỗ trợ tại xã Bến Củi mô hình nuôi dong đất 400 triệu đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo hỗ trợ 9 xã điểm 110 máy phun thuốc cho hộ nghèo.
Về phát triển kinh tế tập thể trong năm 2012: đã thành lập tổ hợp tác (THT) se nhang xã Bến Củi, THT nuôi trồng thủy sản xã Phước Ninh, THT trồng hành lá xã Tiên Thuận, HTX cao su tiểu điền xã Trường Hòa, HTX dịch vụ giống cây trồng xã Bàu Đồn.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của 25 xã điểm đến nay đã tổ chức 36 lớp, 1051 học viên được cấp chứng nhận học 8 nghề: cạo mủ cao su, lái xe hạng B2, nuôi cá lồng bè, trồng rau nhút, trồng rau mầm, trồng gừng, trồng ớt, may công nghiệp.
Qua kiểm tra, nhận thức về xây dựng nông thôn mới của chính quyền và nhân dân của các xã vẫn còn quá nặng về phát triển hạ tầng giao thông, chưa có định hướng phát triển các mô hình phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn bền vững để phát huy thế mạnh về nông nghiệp của từng xã; các mô hình tổ hợp tác nông nghiệp còn mang tính tự phát, các tổ hợp tác và hợp tác xã mới thành lập còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa nhận được chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Mặt khác, ngân sách đầu tư của nhà nước và sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất hạn chế, việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch vẫn còn rất chậm.
8. Huy động nguồn lực (Phụ lục 2)
Tổng hợp kết quả huy động nguồn lực của 25 xã điểm năm 2012 như sau:
a) Nguồn lực xây dựng cơ bản: 227,701 tỷ đồng. Trong đó:
- Ngân sách nhà nước: 213,627 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 94%. Bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ 34,87 tỷ đồng (8,2 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp); ngân sách tỉnh 126,624 tỷ đồng (61,250 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp); ngân sách huyện 50,510 tỷ đồng (huyện Tân Châu bố trí hỗ trợ trực tiếp 8,4 tỷ đồng); ngân sách xã 1,623 tỷ đồng.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ được lồng ghép từ các nguồn: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình MTQG văn hóa, Chương trình MTQG giảm nghèo.
- Vốn nhân dân đóng góp: 2,846 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1%. Hình thức đóng góp chủ yếu bằng tiền, hiến đất và ngày công lao động tập trung ở các công trình giao thông nông thôn.
- Vốn doanh nghiệp: 8,425 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4%. Trong đó ngành điện lực đã đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện xã Phước Đông với kinh phí 7,6 tỷ đồng.
- Vốn khác: 2,188 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1%. Bao gồm vốn huy động các mạnh thường quân, đoàn thể và nhân dân hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc Chương trình 167 và các hộ gia đình chính sách.
b) Nguồn lực sự nghiệp kinh tế: 6,625 tỷ đồng. Trong đó:
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 1,099 tỷ đồng, hỗ trợ tuyên truyền cấp xã 574 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất 525 triệu đồng.
- Chương trình MTQG giảm nghèo: 353 triệu đồng.
- Chương trình MTQG Việc làm: 400 triệu đồng.
- Chương trình 135: 647 triệu đồng.
- Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường: 3,592 tỷ đồng (vay hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình)
- Chương trình Khuyến nông: 174 triệu đồng.
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN 19 TIÊU CHÍ CẬP NHẬT ĐẾN THÁNG 11/2012 (Phụ lục 1)
- 01 xã đạt 14 tiêu chí: Bến Củi (đạt 29/39 chỉ tiêu);
- 01 xã đạt 12 tiêu chí: Long Thành Trung (đạt 26/39 chỉ tiêu);
- 01 xã đạt 11 tiêu chí: Long Thành Bắc (đạt 26/39 chỉ tiêu);
- 03 xã đạt 9 tiêu chí: Bình Minh (đạt 20/39 chỉ tiêu), Phước Đông (đạt 22/39 chỉ tiêu); Bàu Đồn (đạt 22/39 chỉ tiêu);
- 03 xã đạt 8 tiêu chí: Phước Ninh (23/39 chỉ tiêu); Chà Là (đạt 20/39 chỉ tiêu); Phước Trạch (đạt 23/39 chỉ tiêu);
- 04 xã đạt 7 tiêu chí: Thanh Điền (đạt 19/39 chỉ tiêu); An Tịnh (đạt 21/39 chỉ tiêu); Lộc Hưng (đạt 21/39 chỉ tiêu); Ninh Thạnh (đạt 20/39 chỉ tiêu);
- 05 xã đạt 6 tiêu chí: Tân Hưng (đạt 17/39 chỉ tiêu); Thạnh Đông (đạt 14/39 chỉ tiêu); Trường Hòa (đạt 19/39 chỉ tiêu); An Hòa (đạt 18/39 chỉ tiêu); Trà Vong (đạt 16/39 chỉ tiêu);
- 02 xã đạt 5 tiêu chí: Thạnh Tân (đạt 14/39 chỉ tiêu); Thái Bình (đạt 21/39 chỉ tiêu);
- 03 xã đạt 4 tiêu chí: Thạnh Bình (đạt 14/39 chỉ tiêu); An Bình (đạt 20/39 chỉ tiêu); Tiên Thuận (đạt 15/39 chỉ tiêu);
- 02 xã đạt 3 tiêu chí: Tân Hòa (đạt 9/39 chỉ tiêu); Long Khánh (đạt 12/39 chỉ tiêu).
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI
1. Những mặt làm được
- Cấp ủy và chính quyền các xã nhận thức rất rõ công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; tổ chức triển khai chương trình đúng trình tự các bước theo quy định và chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên đồng thời được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của huyện, tỉnh.
- Xây dựng nông thôn mới đã sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, người dân từng bước nhận thức chủ trương xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thay đổi tích cực đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.
- Công tác tuyên truyền đã được triển khai đến các tổ dân cư tự quản và từng hộ nông dân với nhiều hình thức: pano, hội nghị, truyền thanh. Các xã: Trà Vong, Long Thành Bắc, Phước Trạch đã xây dựng tài liệu tuyên truyền của xã. Việc huy động vốn nhân dân để thực hiện các công trình, dự án bước đầu đã xuất hiện những điểm sáng trong công tác tuyên truyền, vận động như: xã Trà Vong, xã Phước Ninh, xã Phước Đông, xã Long Thành Bắc.
- Hạ tầng nông thôn bước đầu được cải thiện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân các xã. Văn hóa ngày càng được đổi mới, số lượng các gia đình văn hóa, ấp văn hóa tăng lên (25 xã điểm đều đạt tiêu chí 16-Văn hóa), người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ công.
2. Những tồn tại, hạn chế
- Hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý một số xã còn chưa bám sát quy chế, phân công phân nhiệm chưa rõ ràng công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều mặt thiếu kiên quyết.
- Hoạt động tuyên truyền của các xã chủ yếu là triển khai các chủ trương, chính sách bằng đọc văn bản, chưa cụ thể được những nội dung thực hiện của địa phương; tổ chức tuyên truyền chuyên đề chưa nhiều, thiếu trực quan nên nhận thức của người dân vẫn chưa đầy đủ và chưa thật sự chủ động tham gia chương trình.
- Hiện vẫn còn 3 xã điểm của huyện Tân Châu chưa phê duyệt đồ án quy hoạch; công tác lập đề án vẫn còn chậm do trình độ cán bộ xã còn hạn chế, chưa có xã nào được phê duyệt đề án.
- Các xã có xuất phát điểm thấp (An Bình, Thạnh Bình) và những xã biên giới (Tân Hòa, Long Khánh, Tiên Thuận) cuộc sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, dù có nhiều nỗ lực nhưng số tiêu chí đạt thấp so với các xã dẫn đầu. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, một số xã đã thực hiện tốt công tác huy động, vận động như: Trà Vong, Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Phước Đông, An Tịnh, Lộc Hưng nhưng nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp đóng góp vẫn còn tỷ lệ rất thấp so với mức đầu tư từ ngân sách.
- Nhu cầu nguồn lực xây dựng cơ bản cho các xã để đạt chuẩn tiêu chí 2-Giao thông và tiêu chí 3-Thủy lợi vào năm 2015 quá lớn trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách và nguồn lực vận động còn rất hạn chế, là khó khăn chung của các xã hiện nay.
- Việc phát triển sản xuất của người dân phần lớn vẫn còn dựa vào sự hỗ trợ của các chương trình, dự án; các tổ chức kinh tế hợp tác lĩnh vực nông nghiệp ở các xã cơ bản vẫn hoạt động khó khăn trừ một số HTX làm dịch vụ thủy lợi và các tổ hợp tác thủy nông.
- Việc thực hiện tiêu chí số 17-Môi trường và số 19-An ninh TTXH khó đạt được bền vững ở những xã có nhiều doanh nghiệp như: Thanh Điền, An Hòa, An Tịnh; chưa có giải pháp xử lý triệt để các vấn đề về môi trường cũng như công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Riêng xã An Tịnh được đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” nhưng không đạt được yêu cầu của tiêu chí 19.
- Sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo, UBND một số huyện, thị chưa thường xuyên, chưa tập trung chỉ đạo, nhiều nơi cho rằng chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
III. NHỮNG KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT CỦA CÁC XÃ
1. Cung cấp thêm tài liệu tuyên truyền, văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của từng ngành để tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân.
2. Sớm giải ngân nguồn vốn để các công trình được thực hiện đúng tiến độ.
3. Tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp xã.
4. Có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã và kinh phí lập đề án.
5. Tăng thêm kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền cho các xã điểm.
IV. KẾT LUẬN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện nhiệm vụ chương trình năm 2013. Đoàn kiểm tra đề nghị các xã tập trung và tổ chức thực hiện những nội dung sau:
1. Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã phải rà soát, chỉnh sửa quy chế hoạt động; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo xã phụ trách các tiêu chí và phụ trách các ấp; chỉ đạo các tiểu ban xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức họp Ban chỉ đạo và Ban quản lý ít nhất 1 lần/tháng để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng cho tháng tiếp theo; tổ chức sơ kết thực hiện năm 2012 và kế hoạch thực hiện năm 2013.
2. Phân công cán bộ nòng cốt phụ trách tổng hợp chương trình do hiện nay chưa có chủ trương bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với nhiều hình thức đổi mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế xã hội của xã, đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác tuyên truyền.
4. Các xã Tân Hưng, Tân Hòa, Thạnh Đông gấp rút đôn đốc đơn vị tư vấn để hoàn thành công tác quy hoạch ngay trong năm 2012 để có cơ sơ xây dựng đề án, lập các dự án đầu tư. Các xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch tiếp tục xây dựng quy chế quản lý quy hoạch theo đồ án và tổ chức công bố quy hoạch theo hướng dẫn của phòng Kinh tế - Hạ tầng.
Đối với công tác lập đề án, Ban quản lý xã chỉ đạo các thành viên xây dựng đề án (không thuê tư vấn thực hiện vì chưa có phí hỗ trợ) đồng thời kiểm tra sâu sát tiến độ lập và chất lượng đề án. Hoàn thành công tác lập đề án chậm nhất ngày 31/12/2012.
5. Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng năm 2013 và đến năm 2015 cần lựa chọn những công trình cần thiết, trọng điểm để triển khai; kiến nghị UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ và giải ngân các công trình đang thực hiện, tránh gây lãng phí và mất niềm tin trong nhân dân.
6. Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng, công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã cần quan tâm tập trung đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập cho người dân.
7. Kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cho Ban chỉ đạo huyện để có hướng xử lý, giải quyết, không để kéo dài làm chậm tiến độ thực hiện chương trình. Những vấn đề vướng mắc vượt quá thẩm quyền cấp huyện đề nghị UBND các huyện, thị đề xuất với các sở, ngành có liên quan giải quyết đồng thời báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối) biết để phối hợp giải quyết.
Văn phòng Điều phối báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của 25 xã điểm, xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc