Phát triển bền vững nghề nuôi yến

Thứ sáu - 16/02/2024 15:21 769 0
Nhandan.vn - Nếu như năm 2017, cả nước có hơn 8,3 nghìn nhà yến thì đến năm 2022 cả nước có hơn 23,6 nghìn nhà yến, tăng gần 2,8 lần. Ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long còn tăng từ 6-10 lần.

3 1

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, nêu kiến nghị tại Hội nghị yến sào Tây Ninh, hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Để nghề nuôi yến phát triển bền vững, rất cần các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (cấp quốc gia) trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành nhà nuôi chim yến, đồng thời có hướng dẫn về cấp mã số cơ sở nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu.

Tốc độ phát triển nhanh

Hiện nay, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở các nước Đông Nam Á gồm: Indonesia với 150.000 nhà yến, sản lượng tổ yến chiếm 60%; Thái Lan chiếm 20%, Malaysia chiếm 7%, 4 nước là Việt Nam, Philippines, Campuchia và Myanmar chiếm 13%. Mặc dù sản phẩm yến sào của nhiều nước đã được thương mại hóa, nhưng những thông tin về quy mô, sản lượng, quy trình nuôi và phương thức quản lý dường như vẫn chưa được các nước công khai vì nhiều lý do khác nhau.

Một số nước đã có tiêu chuẩn về chất lượng tổ yến như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Một số nước đã sản xuất theo chuỗi liên kết truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ước tính, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam khoảng 150-200 tấn/năm (tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 sản lượng tổ yến đạt từ 200 đến 250 tấn vào năm 2025 và từ 350 đến 400 tấn vào năm 2030).

Hơn 10 năm trở lại đây, nghề này phát triển khá mạnh và với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nếu như năm 2017, cả nước có hơn 8,3 nghìn nhà yến thì đến năm 2022 cả nước có hơn 23,6 nghìn nhà yến, tăng gần 2,8 lần. Trong đó, các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và Khánh Hòa tăng từ 6-10 lần. Và tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với khoảng 3 nghìn nhà yến; tiếp theo là Bình Định, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận và Bình Phước: Có từ 1,4-1,7 nghìn nhà yến.

Tại Tây Ninh, nhờ lợi thế tự nhiên về đất đai, địa hình đồng bằng kết hợp sông nước cho nên việc nuôi yến có hiệu quả kinh tế cao nhờ giá bán tổ yến bình quân 30-35 triệu đồng/kg (thành phẩm), do đó số nhà yến liên tục phát triển. Vào năm 2019, toàn tỉnh có 190 nhà yến, năm 2020 có 486 nhà yến, năm 2021 có 607 nhà yến, năm 2022 có 683 nhà yến đang hoạt động.

Thống kê cho thấy, nghề nuôi yến phát triển nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 10,5 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng tổ yến chiếm 44,7%; còn khu vực Nam Trung Bộ với hơn 4,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng tổ yến chiếm gần 21%; vùng Đông Nam Bộ hơn 5,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng tổ yến chiếm hơn 25%; Tây Nguyên hơn 1,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng tổ yến chiếm 8,4%; các tỉnh phía bắc với khoảng 240 nhà yến, dự kiến sản lượng tổ yến chiếm 0,9%. Các tỉnh phía bắc do khí hậu lạnh về mùa đông, cho nên không phù hợp cho yến sinh sống.

Cần hỗ trợ để phát triển bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh Tây Ninh có hơn 1.000 nhà yến với khoảng 800 nhà yến đang hoạt động và 200 nhà yến đang xây dựng. Đây cũng là địa phương có số lượng nhà yến xếp thứ 9/42 tỉnh, thành phố có nuôi chim yến và xếp thứ 4/6 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Về sản lượng tổ yến năm 2022 đạt 4.600 kg (tăng xấp xỉ 1,5 lần so với năm 2021 là 3.075 kg). Sản lượng tổ yến trong năm 2023, ước đạt 13.080 kg.

Việc quản lý xây dựng mới nhà yến đã dần đi vào nền nếp, người dân có nhu cầu xây mới nộp hồ sơ để được sở và chính quyền địa phương thẩm định, xem xét sự phù hợp của vị trí đề nghị xây dựng nhà yến cũng như thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng theo đúng quy định.

Trong 11 cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 4 doanh nghiệp; Tổ chức ISOCERT cấp chứng nhận HACCP cho 1 doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp cho 6 hộ kinh doanh; sản lượng yến thô sơ chế trung bình trong tỉnh khoảng 107,5 kg/tháng.

Định hướng trong thời gian tới, chính quyền tỉnh cho biết sẽ tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi và khai thác, chế biến tổ yến (theo Kế hoạch số 3625/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045).

Và hiện nay Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định vùng không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành đã có các văn bản hướng dẫn, là cơ sở pháp lý quan trọng, phân định vùng được phép và không được phép nuôi chim yến, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nghề nuôi yến vẫn đang thiếu tính liên kết của một ngành hàng; tổ yến còn chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn thực phẩm, chưa truy xuất được nguồn gốc; chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khâu chế biến sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định chung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quản lý nhà yến cho các địa phương, thống nhất về quản lý ngành yến.

Ngoài ra, công tác kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập, còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân kiến nghị: Các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quy định nghề tư vấn xây dựng nhà yến, quy định về mật độ nhà nuôi chim yến; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan hoạt động nuôi chim yến; kiến nghị Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sớm ban hành hướng dẫn về cấp mã số cơ sở nuôi chim yến nhằm phục vụ xuất khẩu.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây