Đột phá thủy lợi thúc đẩy kinh tế biên giới Tây Nam

Thứ hai - 13/11/2023 14:06 1.487 0

11

nd1

Nói đến Tây Ninh người ta nghĩ ngay đến vùng đất nằm sâu trong nội địa, giáp ranh Vương quốc Campuchia nắng cháy da người. Ngoài ra, đất Tây Ninh chủ yếu là đất xám khô cằn lại bạc màu, năng suất cây trồng không cao. Mía, muối, mì, mủ (mủ cao su) mãng  cầu được xem là cây trồng chủ lực nơi đây. Nhưng nhờ quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, nước đi đến đâu, màu xanh phủ đến đó giúp bức tranh nông nghiệp Tây Ninh khởi sắc và chuyển mình ngoạn mục.

Nếu như ví Hồ Dầu Tiếng là trái tim thì hệ thống kênh mương thủy lợi như mạch máu chuyển nước đi khắp hang cùng, ngõ hẹp của tỉnh Tây Ninh. Theo đó, chỉ tính riêng hồ Dầu Tiếng, công trình hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của người dân Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, với dung tích trên 1,5 tỷ m2, công trình này phục vụ tưới chủ động cho 100.000ha đất canh tác Tây Ninh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, với hệ kênh mương thủy lợi dài trên 2.000km đảm bảo phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.000 ha/3 vụ (đạt 73,96% diện tích thiết kế) nâng tổng diện tích tưới chủ động của tỉnh Tây Ninh lên gần 50%.

Đặc biệt, để phát huy hiệu quả nguồn nước, Tây Ninh sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho đến ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng hiệu suất sử dụng đất, hiện bình quân 1 ha đất trồng trọt Tây Ninh đạt 109 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước.

1

Đơn cử huyện Gò Dầu từng được xem là địa phương kém phát triển nhất Tây Ninh bởi đất đai chủ yếu pha cát nghèo dinh dưỡng, thiếu nước tưới, đậu phộng từng xem là cây trồng chủ lực nơi đây. Thế nhưng, từ khi được nhà nước quan tâm đầu tư thủy lợi cùng với khuyến khích chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Ông Trần Quốc Hiệp, Trưởng ấp 6 xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu cho biết, trước kia, khu vực này được xem là vùng sâu, khu kinh tế mới, với địa danh “Bến Sắn”. Hồi đó, đường đi lại còn khó khăn, người dân ở đây chủ yếu làm lúa và đậu phộng, do thiếu nước sản xuất, đất đai cằn cỗi, bà con chỉ làm được 1 vụ/năm. Cái đói cái nghèo bủa vây bà con. Thế nhưng, từ khi nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, nước chảy đến đâu bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến đó, khu nào ẩm thấp thì canh tác lúa 3 vụ trên năm, vùng gò đồi đều được chuyển đổi sang cây ăn quả, trong đó, chủ lực là cây sầu riêng.

“Chỉ tính riêng sầu riêng, toàn xã Bàu Đồn có khoảng 1000 ha thì ấp 6 có đến hơn 200 ha, hơn 50% diện tích sầu riêng trên 10 năm tuổi, bình quân mỗi ha cho năng suất từ 20-30 tấn/năm, hiện giá sầu riêng đạt trên 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho mỗi hộ hàng trăm triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập lên đến cả chục tỷ đồng”, ông Trần Quốc Hiệp phấn khởi nói.

Trong khi Bàu Đồn chuyển mình từ sầu riêng thì tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, nhờ tận dụng lợi thế cạnh hồ Dầu Tiếng, nuôi trồng thủy hải sản, trong đó mô hình ba ba, cá lóc được xem là hướng đi giúp bà con nơi đây đổi đời.

Đến với xã Phước Minh hỏi thăm mô hình nuôi ba ba, ca lóc bông thương phẩm của ông Phạm Văn Toại, nông dân xuất sắc Việt Nam 2023 ai cũng biết bởi dù đã ngoài tuổi 60 nhưng ông vẫn không ngừng mày mò nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả cao.

Để tận dụng tối đa nguồn nước từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng, ông Toại đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng kênh thủy lợi nội đồng để dẫn và thoát nước chủ động, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, giàu oxy để ba ba và cá sinh trưởng phát triển tốt.

Từ 5.000m2 đất đào ao ban đầu, ông tích cóp lợi nhuận, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 1,5ha. Đến nay, ông có 50 hồ nuôi ba ba với số lượng hơn 100.000 con (cả giống và thịt). Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng từ các ao nuôi ba ba.

Đặc biệt, nuôi ba ba không tốn nhiều đất, với giá cả như hiện tại chỉ cần diện tích 200m2, người dân sẽ có lãi từ 200 triệu đến 250 triệu đồng, rất cao so với nhiều thu nhập từ nuôi trồng các loài cây, con khác.

“Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tây Ninh đạt khoảng  trên 500 ha, đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.       

“Đến nay, Tây Ninh đã chuyển đổi trên 7.640 ha cây trồng sản xuất kém hiệu quả (cao su, mía) sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả, rau củ thực phẩm), nâng lũy kế chuyển đổi toàn tỉnh đạt 41.000 ha.

2

nd2

Nếu như các huyện phía Đông tỉnh Tây Ninh phát triển vượt bật bao nhiêu thì nhiều năm qua khu vực các huyện biên giới cánh Tây Sông Vàm cỏ Đông lại chậm bấy nhiêu. Theo bà con địa phương, do bị chia cắt với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng bởi sông Vàm Cỏ Đông, nguồn nước rất khó khăn và hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều ven sông. Việc đưa nước qua vượt sông Vàm Cỏ đông phục vụ tưới cho 2 huyện biên giới cánh Tây là sự ấp ủ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ và sự mong đợi của bao thế hệ người dân nơi đây.

Để cụ thể hóa kỳ vọng này, năm 2017, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chủ trương đầu tư dự án, với mục tiêu cấp nước tưới tự chảy cho diện tích khoảng 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi. Bắt đầu xây dựng năm 2018, sau 5 năm đợi chờ, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ đông hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam bộ đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 1200 tỷ đồng, bước đầu cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới cho vùng đất biên ải nơi đây.

3

Điểm nhấn dự án là đường ống thép đôi cao vượt đầu người, dài 2,3 km là “trái tim" của dự án. Ngòi ra, trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...Đặc biệt, với tổng chiều dài gần 120 km, hệ thống kênh chính đã đưa được nước từ hồ Dầu Tiếng đến tận các xã biên giới thuộc 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh.

Từ mảnh đất khô cằn, hoang sơ tiếp giáp biên giới Campuchia đã được thay thế bằng những ngôi nhà được xây kiên cố đến những cánh đồng xanh mướt… điều đó chứng minh cho cuộc sống nơi đây đang từng ngày đổi thay.

Từ vùng đất hoang hóa, nhờ có nước thủy lợi, hơn 200 ha đất của gần 100 hộ nơi đây đã  trải một màu xanh của hoa màu, đó là một sự thay đổi rất lớn. Cái thay đổi thứ hai là đời sống kinh tế của các hộ dân trong làng có nhiều hộ khá và giàu. “Việc đầu tư hệ thống thủy lợi Tây sông Vàm Cỏ kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp nền nông nghiệp địa phương cất cánh, địa phương cũng đang khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, hoa màu và nuôi trồng thủy sản gắn với hệ thống công trình thủy lợi”. ông Khỏe nói.

4

Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, từ quyết tâm chính trị của tỉnh, đồng thời, được sự hỗ trợ của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã hoàn thành giai đoạn I theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện dự án còn tồn động trên 105 km tuyến kênh chính và kênh cấp I còn là kênh đất, cao hơn mặt đất tự nhiên từ 2 đến 3 mét, khi vận hành sẽ rất nguy hiểm, đòi hỏi hoạt động duy tu sửa chữa phải thường xuyên, liên tục gây tốn kém rất lớn. Tây Ninh đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn II dự án.

Giai đoạn II của dự án cần có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục kiên cố hoá kênh chính, xây dụng các tuyến kênh cấp 1,2,3 và kênh tiêu. Trong đó, 100 tỷ đồng từ vốn đối ứng của địa phương đã đưa vào trong kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn của tỉnh, phần vốn Trung ương (500 tỷ đồng).

Mục tiêu giai đoạn II dự án nhằm giảm tổn thất do thấm và tiết kiệm nguồn nước thêm khoảng 2,0m3/s để cấp nước cho khu dân cư, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp – dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giữ an toàn công trình tạo thuận lợi trong công tác quản lý vận hành, tiết kiệm chi phí duy tu sửa chữa thường xuyên hàng năm, tận dụng tối đa hiệu quả cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

“Dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ là công trình hết sức có ý nghĩa với Tây Ninh, không chỉ phục vụ hàng ngàn ha đất nông nghiệp khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân trong vùng dự án. Nếu giai đoạn 2 hoàn tất, gần toàn bộ diện tích đất Tây Ninh được  hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng, tạo cơ hội phát triển nền nông nghiệp và các cụm, khu công nghiệp Tây Ninh mang tính bứt phá, toàn diện hơn”, Phó tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong khẳng định.

5

nd3

Có thể thấy vai trò của thủy lợi trong sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do có hệ thống kênh mương lớn, việc duy tu sửa chữa đặt ra trọng trách không nhỏ cho địa phương.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh , hệ thống công trình thuỷ lợi sau nhiều năm sử dụng, tuy được nâng cấp, sửa chữa, nhưng việc đầu tư kết nối đồng bộ đến cống lấy nước chậm được quan tâm thực hiện, các tuyến kênh tưới dưới 50 ha, khoảng 393 tuyến kênh đất chưa được đầu tư kịp thời để mở rộng vùng tưới, diện tích tưới tăng thêm hằng năm còn hạn chế; tỷ lệ kiên cố hoá đạt 70%, kết quả tưới đạt 75,8% so diện tích thiết kế.

Hiện nay, nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước hằng năm, trung bình mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp thuỷ lợi và khoảng 23 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ, công ích thuỷ lợi để sửa chữa công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Do đó, nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, làm mới kênh dưới 50 ha hầu như không có. Vì vậy, việc đầu tư kiên cố hóa kênh tưới dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh cần có chính sách đầu tư.

Đơn cử tại huyện Dương Minh Châu có 71 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 33km. Trong đó, các tuyến chưa được kiên cố hóa hơn 12km, chiếm 37%. Một số khu vực thuộc các xã Suối Đá, Bàu Năng, Phan… thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Nơi nào có thể khoan giếng thì nông dân trồng mãng cầu, sắn, mía có thể cầm cự được. Còn vùng có đá ngầm, không thể khoan lấy nước thì họ đành chịu thiệt. Tình trạng nhiều tuyến kênh nội đồng chưa được kiên cố hóa cũng khá phổ biến ở nhiều xã của huyện Tân Biên, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu, huyện Dương Minh Châu…

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, đối với việc đầu tư công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hoá 393 tuyến kênh với tổng chiều dài là 129,67km, tổng mức đầu tư là 172,03 tỷ đồng phục vụ tưới 8.034 ha, trung bình một đơn nguyên kênh kiên cố hoá chiều dài 6m với kinh phí 7,96 triệu đồng.

Chỉ tính riêng năm 2023, UBND tỉnh  Tây Ninh đã giao vốn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ, triển khai thực hiện chính sách là 4,9 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ đầu tư phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 1,4 tỷ đồng.

“Việc phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan góp phần nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; người dân đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần thiết trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đem lại hiệu quả về nhiều mặt như: giảm chi phí sản xuất, giải quyết được việc thiếu nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

6

nd4

Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và cần thiết cho mọi lĩnh vực từ phục vụ sinh hoạt đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ..., địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội và Tây Ninh đã và đang phát huy lợi thế này từ việc quan tâm đầu tư phát huy từ hệ thống thủy lợi.

Triết lý của ngành thủy lợi Tây Ninh là phải đi trước các ngành kinh tế khác góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn nước, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Quy hoạch thủy lợi đến năm 2035 nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, phục vụ thiết thực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản; chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. ..

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định 2214/QÐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035 với tổng mức đầu tư khoảng 3.589 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 715 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, doanh nghiệp và nhân dân, đóng góp 2.874 tỷ đồng.

7

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả tối đa công năng công trình thủy lợi, Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản đạt bình quân từ 2%-2,5%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,1%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng nâng cao, không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống", văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh có đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước Hồ Dầu Tiếng dồi dào, tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Với vị trị địa lý quan trọng, lợi thế đa dạng, phong phú và không gian phát triển lớn, Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng có những đánh giá khách quan về nông nghiệp Tây Ninh. Theo đó, Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Đây là những điều kiện để Tây Ninh phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

8

 

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây