Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2023

Thứ sáu - 26/05/2023 14:43 485 0
Sáng ngày 18/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2023.

Đến dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí đại diện lãnh đạo: các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ trì hội nghị), thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh.

hinh 1hoi nghi so ket 5 nam thuc hien de an co cau lai nong nghiep

Hình 1. Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhìn chung, quan điểm, định hướng cơ cấu lại nông nghiệp đã được quán triệt từ cấp tỉnh tới các địa phương, tư duy sản xuất dần được thay đổi, nền nông nghiệp từng bước chuyển mình theo hướng tích cực. Trong đó, một số kết quả nổi bật, đáng ghi nhận như sau:

1. Nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch được ban hành (67 nội dung) để thực hiện và lồng ghép thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh.

2. Tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khảm lá trên cây mì, dịch tả heo Châu Phi và đại dịch COVID-19 nhưng bước đầu một số chỉ tiêu cơ cấu lại nông nghiệp cũng có bước tăng trưởng khá so với năm 2017 -  năm trước khi triển khai thực hiện đề án, điển hình như: tốc độ tăng giá trị sản phẩm NLTS giai đoạn 2017 – 2022 duy trì bình quân 1,5%/năm, UDCNC trong sản xuất đạt trên 37% (tăng 16,5%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30% (tăng 17,5%); tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 20,8% (tăng 18,2%); tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 13,3% (tăng 2,95%); diện tích rừng được bảo vệ, duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (tăng 0,1%), giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 106 triệu đồng/ha (tăng 12,1 triệu đồng)…

3. Cơ cấu lại nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, đến lâm nghiệp và thuỷ sản đều được tập trung thực hiện và chuyển dịch theo định hướng của tỉnh, cụ thể: trồng trọt đã chuyển đổi trên 40.800 ha sản xuất kém hiệu quả (cao su, mía) sang trồng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả, rau củ thực phẩm), chăn nuôi phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học với trên 110 dự án đầu tư đã được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng; dịch bệnh khảm lá trên cây khoai mì, tả lợn Châu phi cơ bản đã được kiểm soát; công tác trồng rừng đạt KH, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng được thực hiện tốt (kéo giảm 50% số vụ cháy và 67% số vụ vi phạm so với giai đoạn trước), thuỷ sản tiếp tục giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và trọng tâm hiện nay là triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Hạ tầng thuỷ lợi, nước sạch nông thôn thường xuyên được duy tu, sửa chữa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân; các dự án thủy lợi được triển khai kịp thời, đặc biệt dự án trọng điểm Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ cơ bản thi công hoàn thành giai đoạn 1, phục vụ sản xuất cho 16.950 ha đất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Bộ y tế đạt 66%, tăng 6,02% so với năm 2017.

hinh 2cong trinh thuy loi tuoi tieu phia tay song vam co

                            Hình 2. Công trình thuỷ lợi Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ

5. Công nghiệp chế biến các mặt hàng chủ lực của tỉnh vẫn được duy trì, đảm bảo công suất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nguyên liêu của tỉnh, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ dần được hình thành trên khoai mì, mía, mãng cầu, chuối, dưa lưới, lúa và thịt heo.

6. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã được thường xuyên rà soát, ban hành và triển khai kịp thời với 6/7 chính sách đã được tiếp cận, hiện nay, các cấp thẩm quyền ban hành thêm 02 đề án và 02 chính sách góp phần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất theo định hướng cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh.

7.  Công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ được quan tâm triển khai thực hiện với 29 nhiệm vụ KHCN, 06 dự án, 80 mô hình khuyến nông, 20 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm được ngành chuyên môn thực hiện giúp nhân rộng và chuyển giao mô hình KHCN cho người dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được thực hiện tốt với trên 13.000 lao đồng đã được đào tạo, nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 20,8% (tăng 6,6% so với năm 2017).

hinh 3doanh nghiep trao doi thao luan tai hoi nghi

Hình 3. Doanh nghiệp trao đổi, thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến ghi nhận, đánh giá cao những nổ lực và kết quả mà ngành và toàn thể nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong 05 năm qua mặc dù ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và cả đại dịch Covid-19, đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những điểm hạn chế của ngành như tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn chậm, liên kết sản xuất – tiêu thụ vẫn còn chưa hoàn chỉnh, việc thực hiện các chính sách nông nghiệp vẫn còn khó khăn do quy trình, thủ tục, kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn chưa đồng bộ, kinh tế hợp tác, hợp tác xã vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Do vậy,  để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, đồng chí Phó chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

hinh 4dong chi pct ubnd tinh tran van chien phat bieu chi dao tai hoi nghi

Hình 4. Đồng chí PCT UBND tỉnh - Trần Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị

Một là, rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất phù hợp với thực tế và tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 .

Hai là, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình mới được ban hành, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Triển khai hiệu quả các chính sách, thường xuyên báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc để các chính sách sớm tiếp cận người dân và đi vào thực tiễn cuộc sống mang lại hiệu quả như định hướng.

Ba là, khẩn trương thực hiện phương án sử dụng quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giải quyết đầu ra cho nông sản của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm nhất là các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP tỉnh. Kết hợp du lịch và nông nghiệp hình thành các điểm du lịch nông thôn.

Sáu là, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, lưới điện,… gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế,….từng bước hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn, đáp ứng tiêu chí sản xuất NNUDCNC.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân trên địa bàn tỉnh 04 nội dung trọng tâm của ngành nông nghiệp và PTNT đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: (1) Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh); (2) Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh); (3) Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh); (4) Chính sách quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh)

Đồng thời tại Hội Nghị, Phó Chủ tịch Trần Văn Chiến đã trao các giấy khen cho các cá nhân, tổ chức đã có thành tích trong thi đua năm 2022 của ngành Nông nghiệp và PTNT./.

hinh 5pct ubnd tinh tran van chien trao giay khen

Hình 5. Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Chiến trao giấy khen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây