Báo cáo Tình hình hoạt động tháng 7 năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2015

Thứ ba - 01/09/2015 18:00 158 0
 
Phần I
KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÁNG 7
 
I. NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt (đến ngày 10/7/2015)
Tổng diện tích gieo trồng các cây hàng năm vụ Hè Thu 73.429 ha, đạt 90,0% so với kế hoạch (KH) vụ, giảm 9,2% so với cùng kỳ (CK), trong đó:
- Cây lúa: 49.916 ha, đạt 99,8% so với KH vụ, tăng 1,6% so với CK.
- Cây bắp: 1.269 ha, vượt 5,8% so với KH vụ, giảm 0,3% so với CK.
- Cây đậu phọng: 1.240 ha, đạt 82,7% so với KH, tăng 14,8% so với CK.
- Cây mì: 11.475 ha, đạt 63,7% so với KH vụ, giảm 38,7% so với CK.
- Cây mía (trồng mới): 748 ha, đạt 62,3% so với KH vụ, giảm 40,5% so với CK.
2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi gia súc gia cầm trong tháng ổn định, dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra, một số bệnh truyền nhiễm khác chỉ xảy ra lẻ tẻ, được phát hiện, điều trị kịp thời. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục gặp khó khăn (chủ yếu ở huyện Trảng Bàng) do những hộ chăn nuôi mới, hộ đang nuôi muốn phát triển thêm đàn bò sữa nhưng không ký được hợp đồng thu mua sữa tươi của các công ty chế biến sữa (Vinamilk, Dutch lady); một số hộ chăn nuôi bán sữa với giá khá thấp (8.000-9.000 đồng/kg) so với các hộ chăn nuôi đã ký hợp đồng thu mua sữa tươi trước đây (14.000 đồng/kg), nguyên nhân: Công ty thu mua sữa nâng tỷ lệ chất béo trong sữa lên cao hơn và tạp chất bị trừ nhiều.
Giá gia súc, sản phẩm gia súc ít biến động; riêng giá gà thịt giảm và có xu hướng giảm mạnh trong thời than tới do sự cạnh tranh của gà nhập ngoại như: Gà thịt thả vườn giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg (so với tháng trước) ở mức 46.000-47.000 đồng/kg, gà thịt công nghiệp giảm 5.000-6.000 đồng/kg (so với năm trước) ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.
 
3. Thủy sản
Trong tháng, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch kiểm tra lĩnh vực thủy sản năm 2015; phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Dương Minh Châu kiểm tra việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm (kết quả không phát hiện vi phạm), tình hình nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng (12 hộ, 84 lồng bè các loại thuộc khu vực tỉnh Bình Dương). Mặt khác, chương trình kiểm soát dư lượng, ngành đã lấy 02 mẫu cá tra ở vùng nuôi xuất khẩu huyện Trảng Bàng phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu (kết quả không nhiễm các chỉ tiêu dư lượng).
Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay ước đạt 852 ha, đạt 90,9% so với KH, tăng 1,2% so với CK. Sản lượng nuôi trồng 7.433 tấn, đạt 45,7% so với KH, tăng 7,3% so với CK. Sản lượng khai thác 1.964 tấn, bằng 58,8% so với KH, tăng 0,5% so với CK.
4. Các chương trình hỗ trợ phục vụ sản xuất
a) Về công tác khuyến nông, sản xuất và cung ứng giống
Các hoạt động khuyến nông đã được thực hiện trong tháng: Nghiên cứu, đề xuất các dự án khuyến nông trọng tâm; theo dõi 02 đề tài: Đánh giá khả năng sản xuất của con lai giữa bò lai Sind với một số giống bò thịt cao sản trong điều kiện chăn nuôi tại tỉnh, Thu thập các loài cố định đạm thuộc giống Gluconacetobacter tạo chế phẩm vi sinh cho cây mía ở Tây Ninh; hoàn chỉnh Bộ định mức tạm thời sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông, Quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông thường xuyên trên địa bàn tỉnh theo ý kiến đóng góp của các Sở, ngành có liên quan.
Ngành tiếp tục: Theo dõi 3,2 ha trình diễn giống thuộc các dự án khuyến nông chuyển tiếp năm 2014: Trồng thâm canh cây Thanh long theo VietGAP, Nuôi Ba ba trong ao, bể (6.000 con, tỷ lệ hao hụt 19,7%) giai đoạn 2014- 2015, Nuôi cá thát lát trong ao bằng thức ăn viên công nghiệp (84.000 con, tỷ lệ hao hụt 15,6%), hiện các cây con đang sinh trưởng, phát triển tốt; thực hiện trình diễn 01 ha bắp giống Milky 36 (tỷ lệ nảy mầm 97%) dự án Trồng bắp nếp (ngô ngọt) năm 2015, 04 chuyên mục khuyến nông, xuất bản 10 bản tin giá cả thị trường, 04 bản tin khuyến nông.
b) Về công tác bảo vệ thực vật
Trong tháng, ngành đã tích cực sử dụnghệ thống bẫy đèn, duy trì công tác nhân nuôi ong ký sinh, thường xuyên kiểm tra dịch hại để nắm tình hình, dự báo, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ, kết quả trên các loại cây trồng các dịch hại chủ yếu ở mức hại nhẹ, đa số phát sinh giảm so với CK. Một số dịch hại nổi bật so với CK như: Đạo ôn lá (1.077 ha, 49,8%), rầy nâu (diện tích bị nhiễm 1.063 ha, giảm 53,7%), sâu cuốn lá (459 ha, giảm 50,5%) trên cây lúa; sâu xanh (183 ha, giảm 25%), bệnh thán thư (166 ha, giảm 24,9%), rầy mềm (163 ha, giảm 17,3%) trên rau các loại; sâu đục thân 4 vạch đầu nâu (16 ha, mức hại nhẹ ở 02 huyện: Châu Thành, Bến Cầu). Các dịch hại khác phát sinh không đáng kể.
Công tác kiểm dịch thực vật: Ngành đã kiểm tra 40.386 tấn hàng nhập khẩu (giảm 12,4% so CK), đồng thời kiểm tra 14.749 m3 gỗ xẻ các loại (tăng 5,1% với CK). Kết quả chưa phát hiện dịch hại kiểm dịch thực vật thuộc diện điều chỉnh của nước CHXHCN Việt Nam, kiểm tra ngoại quan đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
          Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn: Vụ Hè Thu đang được triển khai thực hiện với diện tích 2.999 ha (do điều chỉnh số liệu tại mô hình xã Trí Bình huyện Châu Thành), 1.591 hộ tham gia tại 15 xã thuộc 6 huyện trồng lúa trong tỉnh, ngành đã phối hợp với nông dân thăm đồng, giám sát tình hình sinh vật gây hại.
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP: Ngành tiếp tục xây dựng 03 mô hình tại 03 huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Châu Thành, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện mô hình sản xuất rau trong nhà kính kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động tại Phường 1 - Thành phố Tây Ninh
c) Về công tác thú y
Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2015; ngành đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý công tác giết mổ gia súc gia cầm; lấy ý kiến các Sở, ngành có liên quan kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; tiếp tục phối hợp: Các ngành liên quan trong tỉnh, các tỉnh bạn giáp ranh tăng cường công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh động vật, Chi cục Thú y TP.HCM tổ chức kiểm tra tình hình bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, quy trình kiểm soát giết mổ của nhân viên thú y thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ.
Trong tháng, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra; một số bệnh truyền nhiễm khác chỉ xảy ra lẻ tẻ, được phát hiện, điều trị kịp thời. Công tác tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm được thực hiện với 215.375 liều vắc xin các loại, bằng 68,3% so với CK. Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển; quản lý, giám sát động vật nhập khẩu sau thời gian cách ly kiểm dịch tiếp tục thực hiện ước 1.172.009 con, giảm 41,3% so với CK; 665.170 kg sản phẩm động vật, tăng 29,9% so với CK. Kiểm soát giết 174.182 con gia súc gia cầm, tăng 2,8% so với CK.
Ngoài ra, ngành đã thực hiện tiêu độc sát trùng thường xuyên 30.241 m2, phương tiện vận tải (1.244 xe ô tô, 508 xe khác); thực hiện 03 chuyến bắt chó chạy rong tại 02 huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Thành phố Tây Ninh, số lượng chó đã bắt được 50 con;  xét nghiệm kiểm tra hàm lượng kháng thể cúm gia cầm 406 mẫu của 29 hộ phục vụ công tác kiểm dịch xuất tỉnh, kết quả đều đạt điều kiện xuất tỉnh.
II. LÂM NGHIỆP
Sở đã phê duyệt các hồ sơ: Dự toán hạng mục bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng năm 2015 của BQL Khu Di tích Lịch sử cách mạng miền Nam; thiết kế tỉa thưa rừng trồng, rừng trồng vốn tự có của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, diện tích 432,6 ha, sản lượng 8.416 m3; gửi Sở Tài chính đề nghị xem xét trình UBND tỉnh bố trí vốn sự nghiệp thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng và hỗ trợ PCCC rừng của Đảo Nhím và định mức hỗ trợ PCCC rừng năm 2015.
1. Công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên
Công tác bảo vệ rừng năm 2015 đã được các đơn vị thực hiện khá tốt, rừng khoanh nuôi có khả năng phát triển thành rừng sau một chu kỳ (5-7 năm). Trong tháng, Các Ban quản lý Khu rừng, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện công tác khoán bảo vệ 51.028 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 6.965 ha.
2. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng
Trong tháng đã xảy ra 17 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 02 vụ so với CK, cụ thể: 01 vụ phá rừng, diện tích 0,01 ha; 04 vụ về khai thác gỗ và lâm sản khác; 08 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 04 vụ vi phạm các quy định chung về quản lý và bảo vệ rừng
3. Công tác trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán
Kế hoạch trồng mới rừng năm 2015 trên địa bàn tỉnh 315 ha (trong đó: Rừng phòng hộ, đặc dụng 225 ha; rừng sản xuất 90 ha), đến nay đã trồng được 1,9 ha.
Diện tích rừng trồng được đầu tư chăm sóc năm 2015 là 1.634 ha, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 1.135ha, rừng sản xuất, ngoài quy hoạch 499ha. Trong tháng, các Ban quản lý Khu rừng, đơn vị có liên quan đã triển khai công đoạn chăm sóc rừng trồng lần 1 đến các hộ hợp đồng; đôn đốc, nhắc nhở hợp đồng trồng dặm lại rừng đảm bảo mật độ theo quy định.
Ngành đã giao 96.410 cây giống chuẩn bị công tác trồng cây phân tán năm 2015 cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đạt 37,1% so với KH (19.330 cây sao, dầu 1 năm tuổi, 3.180 cây sao, dầu 2 năm tuổi và 73.900 cây keo).
4. Tình hình về vốn lâm nghiệp
Uớc giá trị khối lượng thực hiện (GTKLTH) đến tháng 7/2015 là 12.983 triệu đồng, đạt 50,7% so với KH tạm giao (25.596); giá trị giải ngân 2.480 triệu đồng, đạt 19,1% so với GTKLTH, đạt 9,7% so với KH tạm giao.
III. THỦY LỢI
Trong tháng, ngành đã lấy ý kiến: Các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn đối tượng và thủ tục miễn thu thủy lợi phí, các đơn vị liên quan dự thảo Quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước Tha La huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh; báo cáo tham mưu đề xuất với UBND tỉnh phương án sử dụng đất sau khi thanh lý các tuyến kênh không còn sử dụng; triển khai thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia liên quan đến quản lý, đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Tây Ninh thực hiện nghiêm chỉnh việc lập hồ sơ diện tích được miễn thu thủy lợi phí; tăng cường công tác xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Công tác tưới phục vụ sản xuất: Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh thực hiện tốt công tác điều tiết, phân phối nước hợp lý, ổn định, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn công trình,... Diện tích ký hợp đồng tưới đến ngày 05/7/2015 được 92.791 ha, đạt 65,4% so với KH, tăng 2,5% so với CK, trong đó: Vụ Đông Xuân 2014-2015 là 45.822 ha, vụ Hè Thu 46.969 ha.)
IV. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN (TKCN)
Sở đã trình UBND tỉnh dự kiến thời gian tổ chức hội nghị tổng kết năm 2014, phương hướng nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015 (trong khoảng thời gian từ ngày 20/7 đến ngày 24/7); triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015; hoàn thành công tác tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; tổng hợp báo cáo danh sách các xã ưu tiên thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Trong tháng (từ ngày 06/6/2015 đến ngày 06/7/2015) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ thiên tai gây sập, tốc mái, hư hại 10 căn nhà, ước giá trị thiệt hại 119 triệu đồng. Lũy kế giá trị thiệt hại 3.963 triệu đồng; đã hỗ trợ 39,4 triệu đồng, 60 kg gạo.
Mực nước hồ Dầu Tiếng ngày 10/7/2015 cao trình 19,17 m, thấp hơn so với cùng kỳ 1,07 m.
V. XÂY DỰNG CƠ BẢN
Ước GTKLTH từ đầu năm đến ngày 15/7/2015 là 43.128 triệu đồng, đạt 79,1% so với KH (54.495 triệu đồng); giá trị giải ngân 26.665 triệu đồng, đạt 61,8% so với GTKLTH, đạt 48,9% so với KH. Trong đó:
- Vốn ngân sách Tỉnh: 18.852 triệu đồng, đạt 47,7% so với KH (39.495 triệu đồng); giá trị giải ngân 12.673 triệu đồng, đạt 67,2% so với GTKLTH, đạt 32,1% so với KH.
- Vốn ngân sách Trung ương: 24.276 triệu đồng, vượt 61,84% so với KH (15.000 triệu đồng); giá trị giải ngân 13.992 triệu đồng, đạt 57,6% so với GTKLTH, đạt 93,3% so với KH.
VI. PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ, CHẾ BIẾN
1. Phát triển nông thôn
Ngành đã lấy ý kiến các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố dự thảo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Tây Ninh; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp 5 năm 2016-2020; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí cánh đồng mẫu lớn trên cổng thông tin điện tử Tây Ninh để lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Ngoài ra, cung cấp thông tin cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nhằm phối hợp hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động nặng nhọc đang làm việc trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
2. Tình hình đầu tư, chế biến (tính đến ngày 09/7/2015)
2.1 Đầu tư mía đường
Vụ 2015-2016, diện tích mía đã được đầu tư, bao tiêu là 19.668 ha, giảm 7% so với vụ 2014-2015, cụ thể: Trong tỉnh 13.249 ha (trong đó mía gốc 9.458 ha, mía tơ 3.791 ha), ngoài tỉnh và Campuchia 6.419 ha.
Mặt khác, Sở đã xây dựng kế hoạch giám sát chữ đường niên vụ 2015-2016.
2.2 Chế biến mì
Ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến 372.220 tấn, tăng 69% so với CK (trong đó chế biến công nghiệp 316.387 tấn củ); sản xuất được 93.055 tấn bột, tăng 69% so với CK (trong đó chế biến công nghiệp 79.097 tấn bột). Giá thu mua củ mì tươi dao động từ 2.000 - 2.250 đồng/kg (30 chữ bột) tùy khu vực.
VII. CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA (MTQG)
1. Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM)
Thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh: Đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thay đổi thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chương trình giai đoạn 2010 - 2020; lấy ý kiến các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố dự thảo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp các Sở, ngành liên quan kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới 06 tháng đầu năm tại các huyện, xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Thực hiện nhiệm vụ ngành: Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Tiêu chí 13 - Hình thức tổ chức sản xuất (kết quả, đến nay 17/17 xã điểm xây dựng nông thôn mới có tổng số 25 tổ chức kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 08 HTX và 17 THT nông nghiệp), báo cáo kết quả kiểm tra hướng dẫn thực hiện Tiêu chí 3 - Thủy lợi các xã nông thôn mới năm 2015.
2. Chương trình Nước sạch và VSMTNT
Ngành đã trình UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch cấp Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; đề xuất chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; trả lời UBND huyện Tân Châu việc bàn giao, quản lý sử dụng công trình cấp nước tập trung ấp Đông Tiến xã Tân Đông huyện Tân Châu.
3. Chương trình Việc làm và dạy nghề
Ngành đã phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân giai đoạn 2016-2020.
4. Chương trình Giảm nghèo bền vững
Sở đã có văn bản đề nghị Cục kinh tế hợp tác và PTNT hướng dẫn xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Hỗ trợ và phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135.
VIII. CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM (ATTP)
Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; thành lập đoàn thanh tra VSATTP nông lâm thủy sản năm 2015; kiểm tra 07 cơ sở về ATTP theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, cấp 06 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (kết quả 06 cơ sở xếp loại B, 01 cơ sở xếp loại C). Mặt khác, thanh tra 35 cơ sở mua bán thuốc BVTV tại Thành phố Tây Ninh, 03 huyện: Hòa Thành, Tân Châu, Tân Biên (kết quả không có cơ sở vi phạm); lấy 10 mẫu thuốc BVTV phân tích chất lượng;
X. CÔNG TÁC THANH TRA
Trong tháng, Sở đang thực hiện thanh tra công vụ năm 2015; thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, công tác tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh (phát hiện 38 trường hợp vi phạm hành chính); phối hợp các ngành liên quan thanh tra việc sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản (không phát hiện vi phạm); kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm 07 cơ sở (kết quả 06 cơ sở đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận)
XI. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, dịch bệnh không xảy ra. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật - sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y được chủ động, tăng cường thực hiện. Dịch hại trên các loại cây trồng chủ yếu ở mức hại nhẹ. Công tác Kiểm dịch thực vật được tiến hành chặt chẽ. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt được tiến độ kế hoạch đề ra, sản lượng thủy sản khai thác vẫn duy trì ổn định. Công tác quản lý bảo vệ rừng thực hiện tốt với sự phối hợp của các lực lượng trú đóng trên địa bàn. Rừng khoanh nuôi phát triển tốt, khả năng thành rừng cao; công tác chuẩn bị trồng rừng (rà soát diện tích, cây giống,..) được chủ động thực hiện. Các công trình cấp nước sạch nông thôn được triển khai thi công đảm bảo kế hoạch được duyệt. Một số tuyến kênh của dự án Thủy lợi Phước Hòa đã mở nước phục vụ người dân, góp phần tăng năng suất cây trồng. Công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như:
Khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm còn diễn ra rải rác; người chăn nuôi thủy sản chưa an tâm sản xuất do giá không ổn định. Công tác tiêm phòng, lấy mẫu giám sát tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý số liệu đàn gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa cao, còn nhiều điểm giết mổ, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh thú y hạn chế, địa bàn rộng; tình trạng cố ý bán thịt gia súc chưa qua kiểm tra của ngành, bơm nước vào trâu bò trước khi giết mổ còn xảy ra.
Tình trạng phá, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản phép chưa được ngăn chặn triệt để (nhất là khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng, khu rừng huyện Châu Thành). Công tác trồng rừng ngày càng khó khăn hơn, diện tích nhỏ, phân tán địa bàn xa, đi lại khó khăn làm chi phí trồng rừng tăng cao, trong khi định suất đầu tư trồng rừng chưa được điều chỉnh. Nguồn vốn bố trí đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng chậm so với tiến độ thực hiện, giải ngân thấp so với GTKLTH.
Một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm như: Quyết định ban hành mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng (đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan); Công trình Nâng cấp mở rộng suối Cầu Đúc huyện Gò Dầu triển khai chậm do phải điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Công tác thanh tra thực hiện chưa có chiều sâu do phạm vi hoạt động, địa bàn công tác rộng, nhiều lĩnh vực, khối lượng công việc lớn, phức tạp, nhân lực ít, kinh phí hoạt động thanh tra chuyên ngành hạn chế.
 
Phần II
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁNG 8
 
I. NÔNG NGHIỆP
Theo dõi, chăm sóc vụ Hè Thu, chuẩn bị kế hoạch xuống giống vụ Mùa. Tăng cường giám sát dịch hại trên đồng, phát hiện dịch hại sớm, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu biên giới, kiểm tra hàng hóa nông sản nhập khẩu; tiếp tục thực hiện mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Hè Thu 2015.
Hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch quản lý heo đực giống năm 2016. Rà soát, tái thẩm định và đề nghị Cục Thú y gia hạn cơ sở an toàn dịch bệnh cho trại chăn nuôi gia cầm. Triển khai tập huấn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, LMLM năm 2015; tiếp tục thực hiện công tác bắt chó chạy rong, tăng cường quản lý việc ấp nở, nuôi mới thủy cầm.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm phòng bổ sung đàn gia súc, gia cầm, thường xuyên tiêu độc, khử trùng cơ sở chăn nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Thực hiện công tác tiêu độc khử trùng theo Kế hoạch tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng năm 2015.
Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc. Phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh, đưa vào các lò mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch.
Phối hợp với Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam xây dựng, lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan đề cương, kinh phí thực hiện điều chỉnh Quy hoạch thủy sản đến năm 2020; hợp đồng thương thảo, ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu cung cấp cá giống thả vào hồ Dầu Tiếng.
Tiếp tục phối hợp: Thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng (lấy 02 mẫu cá tra vùng nuôi Trảng Bàng gửi phân tích chỉ tiêu thuốc trừ sâu, kim loại nặng); kiểm tra tình hình sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng (02 lượt); hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký tàu cá, cấp giấy xác nhận đăng ký tàu cá.
Đôn đốc các huyện, thành phố, đơn vị có liên quan rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp Tây Ninh đến 2020.
II. LÂM NGHIỆP
Phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoặc tham mưu UBND các cấp xử lý những trường hợp vi phạm khai phá rừng, trộm cắp lâm sản, bẫy bắt động vật rừng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của rừng đối với môi trường sống của con người qua đó nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Tiếp tục rà soát quỹ đất thuộc quy hoạch trồng rừng để đưa vào thiết kế trồng rừng, đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chăm sóc rừng trồng lần 1. Tiếp tục thực hiện tỉa thưa các diện tích rừng trồng đã được phê duyệt.
Phối hợp với Phân viện điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh lấy ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, đồng thời đánh giá diện tích rừng trồng trong giai đoạn xử lý bao, lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích báo cáo UBND tỉnh.
III. THỦY LỢI
Hoàn thành việc lấy ý kiến, gửi Sở Tư pháp thẩm định các Quyết định ban hành: Mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng, Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Tha La huyện Tân Châu; triển khai lập Quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
IV. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
Tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2014; hoàn thành tập huấn đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2015; trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án ứng phó với bão mạnh, rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh.
Xây dựng Quy chế hoạt động Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; phân công nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN.
V. XÂY DỰNG CƠ BẢN
Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, cụ thể:
- Trình phê duyệt hồ sơ mời thầu: Tiểu vùng 5 Đê bao chống lũ ven sông vàm Cỏ, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán gói thầu số 4 dự án HTCN Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2.
          - Gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án Nâng cấp mở rộng suối Cầu Đúc huyện Gò Dầu.
VI. PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ, CHẾ BIẾN
Tiếp tục phối hợp: Các địa phương kiểm tra, hướng dẫn phát triển ngành nghề nông thôn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, củng cố, hỗ trợ thành lập mới các HTX, THT, trang trại lĩnh vực nông nghiệp; Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện đề án Di dân ra khỏi đất lâm nghiệp.
Theo dõi tình hình chế biến mía, mì năm 2015. Báo cáo: Tổng kết tình hình sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2014-2015, kế hoạch niên vụ 2015-2016 và  Tình hình sản xuất, chế biến mì năm 2015.
VII. CHƯƠNG TRÌNH MTQG
1. Chương trình Xây dựng nông thôn mới
Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh: Trình UBND tỉnh kiện toàn Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Tây Ninh tổ chức các lớp tuyên truyền, chuyên trang XDNTM năm 2015.
Thực hiện nhiệm vụ ngành: Báo cáo kết quả kiểm tra, hướng dẫn Tiêu chí 13 - Hình thức sản xuất lĩnh vực nông nghiệp 10 xã nông thôn mới năm 2015 (đợt 2)
2. Chương trình Nước sạch và VSMTNT
Trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn; tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa 04 hệ thống cấp nước ấp Con Trăn 2, Tân Hòa; ấp 2, Bến Củi; ấp Hòa Bình, Hòa Hiệp; ấp Tân Đông 2, Tân Lập.
3. Chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm
Tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản.
4. Chương trình Việc làm và dạy nghề
Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông thôn cho lao động nông thôn năm 2015.
5. Chương trình Giảm nghèo bền vững
Tiếp tục phối hợp với các địa phương thụ hưởng kiểm tra tình hình thực hiện dự án Hỗ trợ và phát triển sản xuất.
VIII. CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
Xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT; tiếp tục kiểm tra đánh giá phân loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Tổ chức thanh tra thuốc BVTV theo kế hoạch, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV cho các huyện.
IX. CÔNG TÁC THANH TRA
Triển khai các cuộc thanh tra: Phân bón, Các chất cấm tại trang trại chăn nuôi heo tập trung, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trong hồ Dầu Tiếng (02 lượt).
Kiểm tra thường xuyên các công tác: Kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, điều kiện vệ sinh thú y, tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
 
Phần III
KIẾN NGHỊ
 
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí đã gieo ươm cây phân tán năm 2015 và kinh phí lập dự án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công đối với các dự án chuẩn bị đầu tư./.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây