BÁO CÁO TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHẾ BIẾN KHOAI MÌ NĂM 2014;

Thứ tư - 19/08/2015 20:15 759 0
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHẾ BIẾN KHOAI MÌ NĂM 2014;
6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015 VÀ KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015
 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc Báo cáo tình hình sản xuất, chế biến khoai mì năm 2014; 6 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015. Trên cơ sở tổng hợp tình hình sản xuất, chế biến khoai mì của các huyện, các nhà máy chế biến khoai mì trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo với những nội dung sau:
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN KHOAI MÌ NĂM 2014 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015
1. Tình hình chung
Tây Ninh là một tỉnh Nông nghiệp, với điều kiện đất đai, địa hình bằng phẳng, khí hậu, thời tiết,... thuận lợi cho phát triển các cây thế mạnh của Tỉnh như: cây cao su, cây lúa, cây đậu phộng và cây khoai mì. Với diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 269.250,67 ha, trong những năm qua cây khoai mì của tỉnh Tây Ninh phát triển khá mạnh, diện tích hàng năm đều tăng so với kế hoạch; diện tích khoai mì năm 2014 là 50.479 ha (kế hoạch: 45.000 ha), diện tích 6 tháng đầu năm 2014 là 38.908 ha; diện tích khoai mì trồng bán ngập năm 2014 khoảng 6.000 ha và 6 tháng đầu năm 2015 khoảng 4.500 ha. Huyện có diện tích khoai mì lớn nhất là Tân Biên (năm 2014 diện tích là 17.548,7 ha, 6 tháng đầu năm 2015 diện tích khoảng 11.519 ha).
Nhìn chung, năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 sản xuất, chế biến khoai mì của Tỉnh hoạt động tương đối ổn định.
2. Tình hình sản xuất
- Tổng diện tích sản xuất khoai mì của toàn tỉnh Tây Ninh năm 2014 đạt 50.479 ha, năng suất bình quân 317,6 tạ/ha; sản lượng 1.603.373 tấn củ.
- 6 Tháng đầu năm 2015, diện tích sản xuất khoai mì của toàn tỉnh Tây Ninh là 38.908 ha, giảm 13,7% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 300 tạ/ha; sản lượng 1.167.724 tấn củ.
- Diện tích sản xuất khoai mì tập trung ở 4 huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, trong đó 2 huyện có diện tích nhiều nhất là Tân Biên (17.548,7 ha) và Tân Châu (16.971 ha) (có biểu kèm theo).
- Diện tích khoai mì trồng bán ngập năm 2014 khoảng 6.000 ha và 6 tháng đầu năm 2015 khoảng 4.500 ha, nguyên nhân giảm là do mực nước Hồ Dầu Tiếng được tiếp nước từ Hồ Phước Hòa, do đó diện tích đất bán ngập bị thu hẹp lại.
- Diện tích khoai mì có tưới chiếm tỷ lệ 26% trên toàn bộ diện tích khoai mì của tỉnh.
- Trong những năm qua, sản xuất khoai mì của tỉnh Tây Ninh công tác tuyển chọn giống, thâm canh tăng năng suất được quan tâm và đầu tư rất mạnh đã góp phần tăng nhanh hiệu quả sản xuất khoai mì.
2.1. Công tác giống
Công tác nghiên cứu, chọn các bộ giống khoai mì mới, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh, cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống nông nghiệp, các Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố Tây Ninh tích cực thực hiện. Công tác chuyển đổi giống cho chế biến công nghiệp như:  KM60, KM94, KM95, SM937-26,... hiện nay một số giống trồng chính phổ biến ở Tây Ninh gồm các giống: KM94, KM419, KM140-2, KM98-5, KM98-1,... (chiếm 80%) đồng thời cũng đã xác định cơ cấu giống ngắn ngày và dài ngày phù hợp cho từng vùng; Ngoài ra còn có một số giống mới đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoai mì Hưng Lộc khảo nghiệm giống khoai mì HLS11 cho năng suất đạt 55 tấn/ha, chữ bột đạt 29%, và giống HLS505 cho năng suất 40 tấn/ha, hàm lượng bột 33%.
           2.2. Các biện pháp kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất thâm canh khoai mì
         - Về kỹ thuật trồng: Cây khoai mì được trồng và thu hoạch hầu như quanh năm nhưng tập trung vào 2 vụ chính là đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, hàm lượng bột, duy trì độ phì của đất,... được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên chuyển giao đến người sản xuất.
- Về cơ giới hóa: Trong sản xuất cây khoai mì cơ giới hóa tập trung ở khâu làm đất (98%). Khâu trồng, chăm sóc (làm cỏ) và thu hoạch phần lớn làm thủ công; Hiện nay, huyện Tân Châu đang thực hiện đề tài chế tạo máy trồng, thu hoạch khoai mì, đối với thiết bị trồng khoai mì đã có kết quả bước đầu.
- Về kỹ thuật tưới: Do Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng nên giải pháp tưới giúp cho cây khoai mì phát triển nhanh, năng suất và chữ bột cao, thu hoạch sớm, tăng vụ, hiện nay kỹ thuật tưới cho cây khoai mì gồm tưới phun sương; tưới bằng súng tự động. Diện tích khoai mì tưới của tỉnh đạt 26% (khoảng gần 15.000 ha).
- Về phòng trừ sâu bệnh:Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với trường Đại học Nông Lâm khảo nghiệm về phòng chống sâu bệnh gây hại trên cây khoai mì, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các loại bệnh gây hại trên cây khoai mì. Bệnh hại trên cây khoai mì bao gồm một số loại bệnh như: bệnh đốm lá, bệnh cháy lá, bệnh chổi rồng, bệnh rệp sáp bột hồng,… Trong năm 2014, tổng diện tích nhiễm dịch hại là 3.352 ha, đã được xử lý kịp thời.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các đối tượng sâu bệnh gây hại gồm: rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bệnh cháy lá và xì mủ thân cây. Ngoài ra còn một số dịch hại khác như: chổi rồng, thối củ, đốm lá phát sinh gây hại cục bộ,… Nhằm phòng trừ bệnh gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã nhân nuôi ong ký sinh và một số loại thuốc phòng trừ bệnh khác.
3. Tình hình chế biến
3.1. Chế biến tinh bột
- Hiện nay toàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến khoai mì đang hoạt động với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn bột/ngày (có 50 công ty, doanh nghiệp có công suất từ 50 đến 300 tấn bột/ngày và 15 cơ sở với công suất dưới 50 tấn bột/ngày). Sản lượng củ đưa vào chế biến gồm:
 * Năm 2014:
- Sản lượng củ khoai mì đưa vào chế biến: 4.771.508 tấn củ (Theo số liệu ước của Cục Thống kê)
+ Sản lượng củ khoai mì trong tỉnh: 1.603.373 tấn củ
+ Sản lượng củ khoai mì ngoài tỉnh và Campuchia: 3.158.135 tấn củ
- Lượng bột chế biến được: 1.192.877 tấn bột (theo số liệu ước của Cục Thống kê)
- Đáp ứng nguyên liệu cho chế biến: 59,1%
- Giá thu mua củ khoai mì dao động từ 2.050 đến 2.300 đồng/ký 30 chữ bột
- Giá bán bột khoai mì khoảng 8.300 – 8.400 đ/kg
* 6 tháng đầu năm 2015:
- Sản lượng củ khoai mì đưa vào chế biến: 2.337.796 tấn củ
+ Sản lượng củ khoai mì trong tỉnh khoảng 1.167.240 tấn củ
+ Sản lượng củ khoai mì ngoài tỉnh và Campuchia: 1.170.556 tấn củ
- Lượng bột chế biến được ước khoảng 584.449 tấn bột (theo số liệu ước của Cục Thống kê)
- Đáp ứng nguyên liệu cho chế biến: 57,9%
- Giá thu mua củ khoai mì dao động từ 1.900 đến 2.400 đồng/ký 30%
- Giá bán bột khoai mì khoảng 8.400 – 8.600 đ/kg
3.2. Chế biến sau tinh bột
Hiện nay, các sản phẩm chế biến sau tinh bột khoai mì của các Nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là: Bột biến tính (loại biến tính), Mạch Nha, Đường Fructo... Tuy nhiên sản lượng chưa nhiều, vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế.
Phụ phẩm chủ yếu từ chế biến khoai mì là xác mì, được sấy hoặc phơi khô, sau đó cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, đây cũng là một trong những nguồn thu nhập khá của các Nhà máy chế biến khoai mì.
 Về tình hình tiêu thụ: Thị trường tiêu thụ chính của các nhà máy chế biến mì trên địa bàn tỉnh ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm khoảng 80%), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
4. Hiệu quả đầu tư sản xuất, chế biến và khả năng phát triển khoai mì bền vững tại Tây Ninh
* Hiệu quả đầu tư sản xuất, chế biến
Qua theo dõi quá trình đầu tư, chăm sóc, thu hoạch 01ha khoai mì cho lợi nhuận bình quân là khoảng 27 triệu đồng/ ha, có trường hợp đầu tư thâm canh cho năng suất cao, hiệu quả sản xuất cho lãi từ 40-50 triệu đồng/ha. Đồng thời, sản xuất cây khoai mì ít bị rủi ro và hầu như không bị lỗ, mà chỉ lãi nhiều hoặc lãi ít, do đó nông dân Tây Ninh tập trung đầu tư vào sản xuất cây khoai mì.
          Từ hiệu quả đầu tư sản xuất, chế biến của cây khoai mì cho thấy cây khoai mì có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Từ đó, cần có chính sách cụ thể, đầu tư đúng hướng, giải quyết tốt vấn đề môi trường để cây khoai mì sẽ phát triển bền vững tại Tây Ninh. 
5. Đánh giá chung
5.1. Thuận lợi
- Cây mì tương đối dễ trồng, kỹ thuật canh tác đơn giản, ít rủi ro, giá thu mua củ mì tương đối ổn định và có lãi, là các yếu tố cạnh tranh mạnh so với một số cây trồng khác do đó hiện nay giá trị sản xuất khoai mì chiếm tỷ trọng khá cao so với các cây trồng khác trong tỉnh, tăng thu nhập cho nông dân, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp một số nông dân làm giàu ở một số địa phương trong tỉnh.
- Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cơ cấu thành phần đất xám chiếm 85% thích hợp cho cây có củ nói chung và cho cây khoai mì nói riêng.
- Trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân ngày càng cao, nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình sản xuất.
- Công tác khuyến nông, BVTV luôn được chú trọng, một số mô hình canh tác mới có triển vọng (vùi thân cây mì làm phân xanh) làm tăng khả năng phục hồi độ phì nhiêu của đất trồng khoai mì, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Trình độ công nghệ của các nhà máy chế biến khoai mì tương đối hiện đại, hiệu suất thu hồi cao, hầu hết các nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí biogas, do đó đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
5.2. Khó khăn, hạn chế
- Các cơ sở chế biến khoai mì thường gây ô nhiễm môi trường, hiện nay các nhà máy phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho chi phí rất lớn.
- Tình hình dịch hại trên cây khoai mì tuy đã được phòng trị kịp thời, nhưng vẫn còn tiềm ẩn gây hại cho cây khoai mì. Và gần đây xuất hiện một số bệnh như: bệnh thối củ, chết cây giai đoạn 3 – 4 tháng,... cần phải được tập trung nghiên cứu và xử lý triệt để.
- Diện tích khoai mì được tưới tỷ lệ còn thấp, một số vùng còn ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng cây khoai mì do hệ thống kênh tiêu chưa đáp ứng.
- Chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân. Các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua hàng nông sản không theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
6. Đề xuất, kiến nghị
- Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành tiêu chuẩn nước thải cho chế biến khoai mì.
II. KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015
Căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất, chế biến khoai mì của tỉnh và cân đối với các loại cây trồng khác, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến mì 6 tháng cuối năm 2015 như sau:
1. Kế hoạch sản xuất
- Diện tích: 6.092 ha
- Năng suất: 300 tạ/ha
- Sản lượng: 182.760 tấn
2. Tình hình chế biến
- Sản lượng củ mì đưa vào chế biến: 2.000.000 tấn
- Lượng bột chế biến được: 500.000 tấn
3. Định hướng về phát triển cây khoai mì
Nhằm định hướng cho cây khoai mì phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề sau:
- Tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nguyên liệu về giao thông, thủy lợi đểđáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước, vận chuyển nông sản cho vùng nguyên liệu.
- Về giống khoai mì: Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Hưng Lộc thử nghiệm các loại giống mới tại một số vùng đất của tỉnh, nhằm chọn ra các giống cây khoai mì mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, cho năng suất cao và chất lượng củ tốt hơn, để đưa vào sản xuất đại trà.
- Thực hiện các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, xây dựng một số mô hình canh tác cây khoai mì đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững giới thiệu cho bà con nông dân Tây Ninh triển khai thực hiện.
- Tăng cường công tác theo dõi, dự báo về tình hình sâu bệnh hại trên cây khoai mì. Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên có đánh giá về tình hình sâu bệnh mới gây hại đối với cây khoai mì như bệnh chổi rồng, bệnh rệp sáp bột hồng,... Đề xuất, hướng dẫn cho nông dân để phòng ngừa sâu bệnh hại có hiệu quả.
- Áp dụng kỹ thuật canh tác cây khoai mì bền vững vào sản xuất; trồng xen, luân canh mì với các cây họ đậu (đậu phộng, đậu xanh,...) tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây mì phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng cho cây khoai mì.
- Các nhà máy chế biến khoai mì cần gắn kết với nông dân, có chính sách đầu tư phát tiển vùng nguyên liệu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông nội đồng, vận chuyển,...). Đồng thời thực hiện tốt việc xử lý ô nhiễm môi trường do nhà máy thải ra.
Trên đây là Báo cáo tình hình sản xuất, chế biến khoai mì năm 2014; 6 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT./.
 
 
 
 
 
BIỂU 1: TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KHOAI MÌ CỦA CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ
 
 
TT
Huyện, thành phố
Năm 2014
6 tháng đầu năm 2015
Diện tích
(ha)
Năng suất
(tấn)
Sản lượng
(tấn/ha)
Diện tích
(ha)
Năng suất
(tấn)
Sản lượng
(tấn/ha)
01
Bến Cầu
1.362
26,5
36.073
1.082
26,6
28.802
02
Châu Thành
10.130,8
29
293.398,1
8.545,6
29
247.523,3
03
Dương Minh Châu
6.424,7
30,6
196.467
9.663,4
31,1
300.531
04
Gò Dầu
1.123
28
27.288,96
876
31,4
6.615,9
05
Hòa Thành
35
28
980
15
28
420
06
Tân Biên
17.548,7
30
5.264.610
11.519
30
3.455.700
07
Tân Châu
16.971
38
644.920,8
7.512
38
285.456
08
Thành phố TN
1.813,75
29,3
53.051
1.819
29,4
53.389
09
Trảng Bàng
1.230
28
34.440
620
28
17.360

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây