Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022 của ngành Nông nghiệp và PTNT
Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022 của ngành Nông nghiệp và PTNT, như sau:
A. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUÝ I NĂM 2022
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Sở đã chủ động triển khai quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-SNN ngày 10/02/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và PTNT để thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 08/01/2022; đồng thời xem xét phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2022.
Tham dự các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của Bộ, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để phối hợp giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở. Đồng thời, tổ chức họp Lãnh đạo Sở cho ý kiến giải quyết các công việc của các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở trước khi tổ chức triển khai thực hiện cũng như báo cáo Bộ, UBND tỉnh, sở, ngành theo quy định.
Tiếp nhận văn bản đến của UBND tỉnh và các Bộ có hạn xử lý theo quy định là 32 văn bản (xử lý đúng hạn: 23 văn bản; xử lý trễ hạn: 9 văn bản).
Ngành đã được UBND tỉnh giao 10 nội dung trong Chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2022 (Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 08/01/2022 của UBND tỉnh), trong đó có 06 Tải về [1] nội dung chuyển tiếp và 04 Tải về [2] nội dung mới. Kết quả tiến độ thực hiện một số nội dung như sau:
- Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: Sở đã hoàn chỉnh báo cáo giải trình theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh (tại Thông báo số 1403/VP-KT ngày 07/3/2020 của Văn phòng UBND tỉnh).
- Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh: Sở đã góp ý dự thảo Đề án, gửi Công ty Nafoods Group và đơn vị tư vấn hoàn chỉnh, sẽ trình UBND tỉnh trong tháng 3/2022.
- Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh: đã trình UBND tỉnh dự thảo Đề án (Tờ trình số 647/TTr-SNN ngày 28/02/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Chương trình phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo, bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2030: ngày 28/2/2022, Sở đã thông qua cuộc họp của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện Sở đang điều chỉnh theo ý kiến góp ý để hoàn chỉnh Đề án.
- Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: đã trình UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (tại Tờ trình số 662/TTr-SNN ngày 01/3/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: đã trình UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (tại Tờ trình số 744/TTr-SNN ngày 08/3/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Quy định về chính sách, khung giá và giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: đang điều chỉnh phương án giá nước cho phù hợp, dự kiến hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết trình UBND tỉnh trong tháng 3/2022.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt- bảo vệ thực vật
a) Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2021-2022 là 98.595 ha, đạt 88,8% KH vụ, vượt 12,7% so CK. Cụ thể:
- Cây lúa: 46.054 ha, tăng 3,5% so KH và vượt 4,5% so CK.
- Cây bắp: 3.013 ha, tăng 4,6% so KH và bằng 2% so CK.
- Mì: 32.875 ha, đạt 82,2% so KH và bằng 21,8% so CK.
- Rau các loại: 6.977 ha, đạt 84,1% so KH và vượt 96,4% so CK.
- Đậu các loại: 2.409 ha, đạt 98,7% so KH và bằng 90,3% so CK.
- Đậu phộng: 2.730 ha, đạt 97,5% so KH và vượt 30% so CK.
Hiện nay, các cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022 đã xuống giống dứt điểm. Tính đến ngày 01/3/2022, một số loại cây trồng đang bắt đầu thu hoạch với diện tích 5.236 ha, bằng 5,3% so với diện tích thực hiện (cây lúa: 1.023 ha, cây bắp: 344 ha, rau các loại: 2.928 ha, đậu các loại: 515 ha, đậu phộng: 70 ha).
Chi tiết biểu 2,3 kèm theo
* Tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng: đã thực hiện chuyển đổi 02 ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao (từ trồng lúa chuyển sang trồng sầu riêng).
b) Công tác bảo vệ thực vật
- Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, giảm 10,5% (-3.400,7 ha) so với CK; một số đối tượng có diện tích nhiễm nhiều như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, ốc bươu vàng, rầy nâu trên lúa; bệnh sương mai, sâu xanh ăn lá trên dưa leo; bệnh giả sương mai, bọ trĩ trên bầu bí; bệnh đốm vàng, ruồi đục quả trên khổ qua; rệp sáp, bọ trĩ trên mãng cầu.
- Bệnh khảm lá/cây khoai mì: phát sinh gây hại 21.757 ha khoai mì vụ Đông Xuân 2021-2022, giảm 13,2% so với CK. Tổng diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 32.203 ha (vụ Hè Thu 2021 là 5.276 ha, vụ Mùa 2021 là 5.170 ha, vụ Đông Xuân 2020 – 2021 là 21.757 ha).
- Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại nặng cục bộ 06 ha lúa giai đoạn làm đồng tại huyện Gò Dầu, đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đặc trị và tổ chức lớp tập huấn để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
- Công tác đặt bẫy đèn dự báo côn trùng trên lúa: có 02 đợt rầy nâu di trú vào đèn (đợt 1: 13-20/01/2022, đợt 2: 20 – 28/02/2022), đợt rầy nâu di trú vào đèn cao nhất vào đêm ngày 23/02/2022 với số lượng 1.335 con/bẫy tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.
- Triển khai lựa chọn, hợp đồng đơn vị thi công để trang bị 45 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Công tác khác:
- Phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển xây dựng phân hệ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp tại địa phương: đã cử đầu mối phối hợp thực hiện, cung cấp danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện đưa sản phẩm lên hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đăng ký Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 (tại báo cáo số 53/BC-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh).
- Hỗ trợ các hộ sản xuất đã thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc năm 2019, 2020 và 2021 duy trì việc cập nhập thông tin, khai thác và sử dụng phần mềm; rà soát và nắm thông tin các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh có nhu cầu được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
1.2. Chăn nuôi - Thú y
a) Chăn nuôi
- Trong quý I/2022, tình hình chăn nuôi ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi trâu, bò, heo và vịt thịt ổn định, giá gà công nghiệp tăng; tuy nhiên cũng có thời điểm giá gà giảm mạnh còn 17.000 đồng/kg (tháng 02/2022).
- Ước số lượng gia súc, gia cầm trong quý I/2022 so KH năm 2021: trâu 10.000 con, đạt 100% KH, đạt 91,7% so với CK; bò100.000 con, đạt 90,9% KH, bằng 100% so với CK; heo 218.487 con, đạt 87,4% KH, tăng 11,4% so với CK; gia cầm 8.935.000 con, đạt 99,3% KH, tăng 25,8% so với CK.
Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 615 trang trại chăn nuôi gia súc (148 trại chăn nuôi heo tập trung với tổng đàn 181.967 con; 39 trại chăn nuôi trâu với 1.085 con; 428 trang trại bò với 20.811 con) và 105 trang trại chăn nuôi gia cầm (70 trang trại gà với 5.619.281 con và 35 trang trại vịt với 211.100 con).
- Trong quý I/2022, Sở đã cho ý kiến thẩm định đối với 22 dự án chăn nuôi (có 06 dự án chăn nuôi heo, 06 dự án chăn nuôi gà; 09 dự án nuôi chim yến; 01 dự án điều chỉnh).
b) Công tác thú y
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022; Kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030".
- Bệnh dịch tả heo Châu phi xuất hiện 20 ổ bệnh với số heo tiêu hủy là 386 con, tất cả 20 ổ dịch đã được khống chế và đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành các văn bản phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là bệnh dịch tả heo Châu phi.
- Công tác tiêm phòng : đã ban hành và đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 628/KH-SNN ngày 24/2/2022 về tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đợt 1/2022; mạng lưới thú y cơ sở đã tiêm phòng được 64.384 liều vắc xin các loại, điều trị cho 10.147 con gia súc bệnh. Ngoài ra còn tiêm sắt, thuốc bổ, thiến mổ, đỡ đẻ cho 2.190 con gia súc.
- Công tác tiêu độc khử trùng: đã hoàn thành tháng tiêu độc khử trùng đợt 1/2022 (theo Công văn số 151/SNN-CCCN&TY ngày 13/1/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện đang tổng hợp báo cáo; công tác giám sát tiêu độc sát trùng thực hiện thường xuyên với kết quả như sau: tiêu độc sát trùng cơ sở giết mổ 196.500 m3, tiêu độc sát trùng lò ấp 720 m3, tiêu độc sát trùng bến bãi, khu cách ly kiểm dịch 2.400m3, tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển 2.795 xe ô tô và 321 xe khác.
- Kiểm dịch động vật xuất tỉnh: trâu bò 1.328 con, tăng 7% so với CK; heo 78.066 con, tăng 41% so với CK; gia cầm 1.349.468 con, giảm 5% so với CK; thịt trâu, bò 1.059 tấn, giảm 6% so với CK; thịt gia cầm 1.057 tấn, tăng 46% so với CK.
- Kiểm soát giết mổ: trâu bò 7.140 con, giảm 23% so với CK; heo 90.918 con, tăng 26% so với CK; gia cầm 1.278.038 con, tăng 47% so với CK.
1.3. Hoạt động khuyến nông
- Triển khai 10 mô hình khuyến nông đến các Trạm Khuyến nông huyện, phòng Nông nghiệp các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã.
- Tiếp tục phối hợp với: Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia theo dõi các mô hình, dự án đã triển khai năm 2021; Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc trồng khảo nghiệm 7 giống khoai mì kháng bệnh khảm lá; Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc xây dựng dự án hoàn thiện quy trình canh tác giống sắn HN5, HN3 tại Tây Ninh.
- Đã báo cáo giải trình nội dung chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ thuyết minh đề tài "Xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên mãng cầu ta và cây bưởi da xanh ruột hồng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN- 11041:2017 tại tỉnh Tây Ninh" gửi Sở Khoa học và Công nghệ để chuẩn bị thông qua Hội đồng lần 2.
- Đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo "Kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng" giúp người dân nắm rõ quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng tại địa phương vào ngày 25/02/2022 tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
- Đề án Phát triển chăn nuôi bò thịt: tiếp tục thực hiện công tác gieo tinh nhân tạo cho 3.000 con bò thịt năm 2021 chuyển sang năm 2022, luỹ kế đến nay đã gieo được 2.095/3.000 con bò cái.
* Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất
Sở đang phối hợp thực hiện 03 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn gồm 98 cửa hàng, trong đó: 01 chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (20 cửa hàng), 01 chuỗi của hệ thống siêu thị Coop mart (8 cửa hàng); 01 chuỗi của hệ thống siêu thị Bách hóa xanh (70 cửa hàng).
2. Thủy sản
Diện tích thả nuôi mới ước đạt 53,99 ha, đạt 9,15% so với KH và bằng 94,06% so với CK; thể tích thả mới nuôi cá bè ước đạt 720 m3, đạt 20,57% so với KH và bằng 54,66% so với CK; sản lượng con giống ước đạt 8 triệu con đạt 17,78% so với KH; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.067,1 tấn, đạt 17,97% so với KH và bằng 90,83% so với CK; khai thác thủy sản ước đạt 516,1 tấn đạt 23,14% so với KH và bằng 139,29% so với CK.
3. Lâm nghiệp
- Ngành đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4551/KH-UBND ngày 15/12/2021 của UBND tỉnh về kiểm tra công tác PCCCR và chống phá rừng năm 2022, kết quả: đã tiến hành kiểm tra được 13 lượt trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (bao gồm Khu rừng VHLS Chàng Riệc), Khu rừng PH Dầu Tiếng, Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen và rừng ở 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng (giảm 01 vụ cháy so với CK) do thời tiết có mưa trên diện rộng.
- Tình hình vi phạm quy định về Luật bảo vệ và phát triển rừng được kéo giảm, trong quý xảy ra 19 vụ (tăng 05 vụ so với CK), trong đó: 03 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 08 vụ phá rừng trái pháp luật và 08 vụ vi phạm quy định về phát triển rừng, bảo vệ rừng. Lực lượng Kiểm lâm đã điều tra, xác minh xử lý hành chính 09 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 08 vụ so với CK), tịch thu 22,619 m3 gỗ các loại, 01 cưa tay, 01 cây rựa … tổng số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách trên 167 triệu đồng.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra và đã ngăn chặn được 04 trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích với diện tích 227.2 m2.
- Đã nhận được 32 tin báo (tăng 12 tin báo so với CK), trong đó có 8 tin báo có hiệu quả đã kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm.
- Tính đến ngày 28/02/2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được khoảng 409 triệu đồng, đạt 7,5% so với KH.
- Đã nhận được 01 đơn khiếu nại về việc 02 cán bộ của Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng tự ý trồng cây Keo trên diện tích khoảng 02 ha đất rừng phòng hộ; hiện đã chuyển đến Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Đã tuyên truyền đến người dân 26 lần với 79 người tham gia các nội dung về công tác quản lý bảo vệ rừng; ngoài ra công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được lồng ghép trong quá trình làm việc với các đối tượng vi phạm, các hộ hợp đồng trồng rừng.
4. Thủy lợi - Nước sạch và VSMTNT
4.1. Thủy lợi
- Trình UBND tỉnh: Quyết định ban hành Quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (tại Tờ Trình số 514/SNN-CCTL ngày 16/02/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT); chủ trương bàn giao công trình Khu tưới Tân Biên thuộc dự án Thủy lợi Phước Hòa cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh. Triển khai thực hiện điều tra về sinh vật gây hại và ẩn họa tại các công trình đập, hồ chứa thủy lợi; phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến dự thảo Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng.
- Đảm bảo, duy trì công tác cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022 và năm 2022; kiểm tra các hạng mục công trình đề xuất đầu tư, sửa chữa kênh mương - Nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2022; xác nhận diện tích hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 là 148.611,33 ha/03 vụ.
4.2. Nước sạch và VSMT nông thôn
- Trình UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Báo cáo: kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch năm 2021; hoàn chỉnh dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh theo kiến nghị của Bộ Tài chính, Nhóm hỗ trợ tư vấn của dự án và Ngân hàng Thế giới.
- Công tác vận hành hoạt động các hệ thống cấp nước ổn định, số hộ dân sử dụng nước 20.438 hộ (tăng 674 hộ so với CK); khối lượng nước tiêu thụ của các hộ dân ước đạt 779.642 m3 (tăng 12,26% so với CK); doanh thu ước đạt 4.208 triệu đồng (tăng 6,52% so với CK).
- Đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hàng tháng hoạt động tại các công trình cấp nước tập trung trong năm 2022 (theo Kế hoạch số 97/KH-TTNS ngày 18/02/2022 của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn về việc kiểm tra định kỳ công trình cấp nước tập trung năm 2022).
- Tổ chức lấy mẫu giám sát chất lượng nước tại các công trình cấp nước tập trung định kỳ đợt 01/2022; thường xuyên tổ chức vệ sinh, rửa lọc; thay thế hóa chất, vật tư xử lý nước định kỳ tại các công trình cấp nước tập trung.
5. Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN)
- Trình UBND tỉnh: báo cáo tình hình triển khai và đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Kế hoạch PCTT và TKCN năm 2022 trên địa bàn tỉnh; đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2030" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Cung cấp kịp thời thông tin về thiên tai, bản tin dự báo thiên tai (mưa lớn, sét, dông) có nguy cơ xảy ra tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh qua nhiều hình thức (facebook, zalo, cổng thông tin điện tử,....), giúp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp nắm bắt kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành và giảm nhẹ ảnh hưởng do thiên tai gây ra.
- Về quản lý Quỹ PCTT: trong quý I/2022 thu Quỹ PCTT 1.020 triệu đồng (Chi cục Thủy lợi 237 triệu đồng, UBND cấp huyện nộp tiền về Quỹ PCTT tỉnh Tây Ninh 783 triệu đồng); chi Quỹ PCTT 206 triệu đồng; tồn Quỹ PCTT tỉnh Tây Ninh chưa sử dụng 30.377 triệu đồng.
- Trong quý I/2022 (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 06/3/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ thiên tai tại 02 huyện: Tân Biên và Châu Thành gây thiệt hại 196,38 ha cây trồng (Tân Biên 121,68 ha; Châu Thành 74,7 ha); tổng giá trị thiệt hại 1.627 triệu đồng.
6. Tình hình xây dựng cơ bản
- Tổng vốn kế hoạch XDCB năm 2022 là 221.320 triệu đồng (ngân sách Trung ương 166.700 triệu đồng, ngân sách địa phương 54.620 triệu đồng), thực hiện 34 dự án (07 dự án chuyển tiếp và 15 dự án khởi công mới và 12 dự án chuẩn bị đầu tư). Tính đến ngày 28/02/2022, giải ngân đạt 10.361 triệu đồng, đạt 4,7% so với KH. Ước khối lượng thực hiện đến cuối quý I 27.000 triệu đồng, ước giải ngân đến cuối quý I 19.811 triệu đồng.
- Thông báo kết quả thẩm định 08 hạng mục, công trình; thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng: 08 hạng mục; phân khai vốn 02 dự án, gồm: dự án phát triển và bảo vệ rừng bền vững; vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2021 công trình gia cố khẩn cấp đập tạm - đập Tha La.
- Dự án trọng điểm Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông: lũy kế vốn đã bố trí cho dự án đến nay là 1.105.600 triệu đồng, ước kết quả giải ngân từ đầu năm đến hết quý I là 2.711 triệu đồng (đạt 1,7%); ước lũy kế giải ngân từ khởi công đến hết quý I là 945.811 triệu đồng (đạt 85,5%).
- Phê duyệt 04 nội dung gồm phê duyệt gói thầu: số 01 (đo đạc chỉnh lý bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng phạm vi huyện Châu Thành), số 02 (đo đạc chỉnh lý bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng phạm vi huyện Bến Cầu), số 10 (điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công - dự toán hạng mục: bổ sung phần điện, nhà quản lý công trình vượt sông), số 23 (kiểm toán) thuộc dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Chi tiết biểu 4,5 kèm theo.
7. Phát triển nông thôn
- Trình UBND tỉnh Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022-2025; điều chỉnh Dự án cụm dân cư số 4, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu thuộc Đề án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tại Quyết định số 2445/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh; công nhận nghề truyền thống tráng bánh tránh thủ công tại ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu; báo cáo tình hình nông sản, thủy sản và trái cây của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc.
- Báo cáo: hợp tác kết quả thực hiện lĩnh vực kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2021 và Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2022; kết quả hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2016-2022 và phương phướng phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022-2025; tổng kết kết quả thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2020.
8. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
- Tham mưu UBND tỉnh: báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Tây Ninh năm 2021; chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Công văn số 134/BNN-VPĐP ngày 10/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương; công bố thành phố Tây Ninh đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020; tổ chức thẩm định 10 xã đạt chuẩn NTM và 07 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021; báo cáo kết quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2021 và xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2022.
- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc tổ chức thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn tỉnh.
- Báo cáo UBND tỉnh về việc điều chỉnh lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Châu Thành.
9. Tình hình thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp
- Đã tổ chức kiểm tra thực tế 10 dự án (dự án dưa lưới (03), dự án trồng bưởi (02), dự án trồng mít (02), sầu riêng (02), chăn nuôi bò (01)) được phê duyệt hỗ trợ lãi vay năm 2020, 2021 làm cơ sở chi tiền hỗ trợ thực tế.
- Báo cáo kết quả thẩm định, trình UBND tỉnh dự án hỗ trợ liên kết nhà máy sấy, xay xát lúa của Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Lúa Vàng Việt.
10. Phát triển công nghiệp chế biến
a) Tình hình đầu tư, chế biến mía đường
- Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu niên vụ 2021-2022, tính đến nay diện tích mía đã trồng, đầu tư và chăm sóc là 13.422 ha (trong tỉnh: 4.514 ha, Campuchia: 8.908 ha).
- Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đi vào hoạt động vụ chế biến 2021-2022 từ ngày 02/12/2021, kết quả: lượng mía đưa vào sản xuất 689.638 tấn mía, bằng 137% so CK; lượng đường sản suất 61.163 tấn đường; chữ đường bình quân 9,32; tạp chất thực tế bình quân 4,38%; tỷ lệ xơ bình quân 18,13%; tỷ lệ mía trên đường: 11,28%. Giá mua mía 10 CCS cơ bản tại ruộng là 900.000 đồng; bảo hiểm chữ đường là 8,5-9 CCS.
* Công tác giám sát chữ đường: thực hiện giám sát chữ đường tại Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà, đã lấy 110 mẫu lưu (dịch mía ép), kiểm tra đối chứng tại chỗ của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà, kết quả các mẫu đo thấp hơn kết quả đo của công ty. Lấy 39 mẫu dịch mía ép và 01 mẫu xơ mía của Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà đem kiểm tra đối chứng tại Trung tâm 3, kết quả: 38/39 mẫu đo tại Trung tâm 3 có kết quả thấp hơn kết quả đo của công ty; 01/39 mẫu đo tại TT3 có kết quả cao hơn của công ty; 01 mẫu xơ có tỷ lệ phần % cao hơn kết quả của công ty. Đoàn giám sát đề nghị Công ty thanh toán cho nông dân theo kết quả của TT3.
b) Chế biến mì
Ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến 3 tháng đầu năm 2022 khoảng 969.800 tấn, tăng 8,2% so với CK, sản xuất được 242.450 tấn bột (trong đó sản xuất công nghiệp là 824.330 tấn củ, 206.082 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 145.470 tấn củ, 36.368 tấn bột). Giá thu mua củ mì tươi dao động từ 2.700 - 3.200 đồng/kg (30 chữ bột) tùy khu vực.
11. Công tác thanh tra; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
a) Công tác thanh, kiểm tra:
- Về thanh tra hành chính: đang thực hiện các nội dung theo Kết luận số 1897/KL-UBND ngày 17/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Kết quả: đã thực hiện thanh toán kinh phí cho các hộ nhận khoán 357.396.402 đồng/842.516.299 đồng, hiện đang tiếp tục gửi thư mời các hộ hợp đồng chưa đến nhận tiền; đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của Ban Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng theo quy định; đang thực hiện thu hồi 50.537.000 đồng đã chi cho các hộ dân không đúng quy định.
- Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: 05 cuộc (03 cuộc thanh tra, 02 cuộc kiểm tra) và ban hành 03 kết luận thanh tra:
* 02 cuộc thanh tra chuyển tiếp
+ Đã ban hành Kết luận thanh tra số 4745/KL-SNN ngày 24/12/2021 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về thanh tra thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đối với sản phẩm của các cơ sở sản xuất không đạt chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021, tại 20 cơ sở, lấy 38 mẫu (13 mẫu thức ăn chăn nuôi, 25 mẫu thuốc thú y). Kết quả 03/38 mẫu không đạt chất lượng (02 mẫu thuốc thú y giả, 01 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng), xử phạt VPHC 03 trường hợp với tổng số tiền 14.325.000 đồng.
+ Đã ban hành Kết luận thanh tra số 24/KL-SNN ngày 05/01/2022 về thanh tra phân bón, thuốc BVTV, hạt giống, cây giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đợt 3 năm 2021, tại 13 cơ sở, lấy 39 mẫu (15 mẫu thuốc BVTV, 24 mẫu phân bón). Kết quả 03 cơ sở vi phạm điều kiện (buôn bán phân bón hết hạn, buôn bán không đúng đối tượng theo giấy phép kinh doanh, nhãn phân bón), 09/39 mẫu không đạt chất lượng (07 mẫu phân bón giả, 02 mẫu phân bón không đạt chất lượng); xử phạt VPHC 09 trường hợp với tổng số tiền 166.182.000 đồng (trong đó 01 trường hợp do UBND tỉnh xử phạt với số tiền 54.200.000 đồng).
* 01 cuộc thanh tra, 02 cuộc kiểm tra mới
+ Đã ban hành Kết luận thanh tra số 364/KL-SNN ngày 28/01/2022 về thanh tra phân bón, thuốc BVTV, hạt giống, cây giống đối với các sản phẩm của các cơ sở không đạt chất lượng năm 2020, 2021 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tại 17 cơ sở, lấy 24 mẫu (09 mẫu thuốc BVTV, 15 mẫu phân bón). Kết quả 10/19 mẫu không đạt chất lượng (07 mẫu phân bón giả, 02 mẫu phân bón không đạt chất lượng, 01 mẫu thuốc BVTV không đạt chất lượng); xử phạt vi phạm hành chính 06 trường hợp với tổng số tiền 181.375.000 đồng (trong đó 02 trường hợp do UBND tỉnh xử phạt với số tiền 154.560.000 đồng).
+ 01 cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng (theo Quyết định số 377/QĐ-SNN ngày 31/12/2021 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT), tại 19 cơ sở (17 tổ chức, 02 cá nhân), lấy 16 mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả: 01/19 cơ sở vi phạm về điều kiện (không thực hiện lưu mẫu thức ăn), 01/16 mẫu không đạt chất lượng; đã chuyển hồ sơ 01 trường hợp qua Sở Y tế xử phạt hành chính (vi phạm điều kiện) 8.000.000 đồng và 01 trường hợp qua Sở Công Thương xử phạt hành chính (vi phạm chất lượng) 30.000.000 đồng.
+ 01 cuộc kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm tại các điểm kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn huyện Châu Thành (theo Quyết định số 77/QĐ-SNN ngày 20/01/2022 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y) tại 03 cơ sở. Kết quả: 03/03 cơ sở chưa đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, cụ thể: chưa lập sổ theo dõi nguồn gốc động vật trong hoạt động kinh doanh, giết mổ; chưa thực hiện biện pháp giết mổ nhân đạo đối với động vật; chưa đầu tư trang thiết bị, nền, sàn giết mổ đọng nước (tại Báo cáo số 141/BC CCCN&TY ngày 09/02/2022 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y).
b) Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP): trong quý I/2022, đã cấp 01 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
12. Thông tin chuyên mục, tọa đàm
Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Tây Ninh tổ chức thực hiện 01 chuyên mục: Tây Ninh ngăn chặn triệt để dịch Viêm da nổi cục trên trâu, bò.
13. Cải cách hành chính, tổ chức cán bộ
Công tác cải cách hành chính được Lãnh đạo Sở tập trung chỉ đạo thực hiện, triển khai kịp thời đến các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành thực hiện. Trong quý I/2022, Sở đã tiếp nhận xử lý 2.801 văn bản đến, tăng 6.26% so với CK và ban hành 949 văn bản, tăng 11.78% so với CK.
- Cải cách thể chế: việc tham mưu xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền quản lý của Sở được thực hiện đúng quy trình, thủ tục ban hành văn bản tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/05/2016 của Chính phủ.
- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành đang được thực hiện 110 TTHC (trong đó: cấp tỉnh 89 thủ tục, cấp huyện 14 thủ tục, cấp xã 07 thủ tục). Các TTHC cấp tỉnh được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh thông qua Dịch vụ bưu chính công ích, trừ 04 TTHC có thời gian giải quyết ngắn (1-2 ngày). Tính từ ngày 27/12/2021 đến ngày 10/3/2022, Sở đã tiếp nhận 712 hồ sơ TTHC, trong đó: đã giải quyết: 693 hồ sơ (đúng hạn: 684, quá hạn: 09), đang giải quyết: 19 hồ sơ. Trong quý I/2022, Sở chưa nhận được những ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Đã triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2022 của UBND tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện: Kế hoạch giải quyết rủi ro, cơ hội năm 2021; Đề án "Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các Chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025".
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: ban hành 04 Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; Quyết định về việc phân công Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Về biên chế: giao biên chế công chức năm 2022, tạm giao chỉ tiêu số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở.
- Về công tác cán bộ: đề nghị thẩm định chính trị nội bộ để thực hiện công tác cán bộ 03 CCVC; điều động và bổ nhiệm 01 CC; bổ nhiệm lại 01 VC; kéo dài thời gian giữ chức vụ 01 CC; cho chủ trương bổ nhiệm lại 01 VC; giao phụ trách đơn vị 02 CC; đề nghị miễn nhiệm, bổ nhiệm kiêm nhiệm 02 CC; bổ nhiệm kiêm nhiệm 01 CC; phân công 01 CC; bố trí phụ trách 01 kế toán; cho thôi phụ trách 01 kế toán; tiếp nhận vào CC 01 CC cấp xã;
Thực hiện nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc năm 2021 cho 22 CCVC; bổ nhiệm ngạch và xếp lương 04 CC; nâng bậc lương thường xuyên 03 CC; thâm niên vượt khung 01 CC; thâm niên nghề 01 CC; chuyển ngạch 01 CC; đề nghị tiếp nhận vào làm CC 01 VC lãnh đạo và 01 CC cấp xã; thôi việc 02 CCVC; tổ chức Hội nghị CCNLĐ năm 2022; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo.
Khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" năm 2021; công nhận Danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ thi đua", tặng Giấy khen về thành tích và công trạng năm 2021,... Trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng thành tích và công trạng, thi đua khối năm 2021
- Về công tác dân vận chính quyền: Sở tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy về công tác dân vận; trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân vận nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các chỉ thị, quy định của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
- Mặt làm được
- Công tác chỉ đạo điều hành được Lãnh đạo Sở quan tâm, triển khai quyết liệt, các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm.
- Các cây trồng ngắn ngày vụ Đông xuân 2021-2022 đã xuống giống dứt điểm tại các địa phương, dịch bệnh trên cây trồng ở mức nhiễm nhẹ không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất cây trồng, bám sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng.
- Chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học tiếp tục phát triển; công tác kiểm soát giết mổ được quản lý, giám sát chặt chẽ và đảm bảo vệ sinh thú y; hoàn thành đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2022 và triển khai Kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2022 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo đúng tiến độ.
- Thẩm định và cho ý kiến các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi kịp thời và đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư.
- Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt, rừng phát triển ổn định, hạn chế cơ bản nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tình trạng vi phạm lâm luật cũng được kéo giảm so với CK. Phương án PCCCR được các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt.
- Công tác thủy lợi được tập trung thực hiện trong giai đoạn mùa khô đảm bảo không thiếu nước phục vụ sản xuất bằng cách điều tiết nước tưới hợp lý, thực hiện các biện pháp tiết kiệm trên toàn hệ thống. Các công trình cấp nước sạch nông thôn được kịp thời nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo việc vận hành cung cấp nước liên tục, ổn định, chất lượng nước các công trình đạt quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT.
- Đã triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản phẩm vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
- Công tác quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng trên địa bàn tỉnh được phối hợp triển khai thường xuyên; việc chi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thụ hưởng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, 2021 đảm bảo thời gian và quy định; công tác giám sát chữ đường được triển khai thực hiện đúng kế hoạch.
- Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm được quan tâm; công tác tổ chức bộ máy và quy hoạch cán bộ thực hiện đảm bảo quy định, đảm bảo hiệu quả công việc.
2. Những mặt hạn chế
- Sâu bệnh gây hại cây trồng vẫn còn xảy ra như bệnh khảm lá khoai mì do người sản xuất xuống giống liên tục, không cách ly giãn vụ tạo điều kiện thuận lợi cho bọ phấn trắng phát triển, lan truyền nguồn bệnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm.
- Ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa cao; tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho heo ăn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao; mầm bệnh vẫn còn lưu hành ngoài môi trường.
- Tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; các trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu có chiều hướng tăng so với CK; số lượng tin báo có tăng nhưng hiệu quả tin báo chưa cao.
- Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, kéo dài (dự án Kênh tiêu T12-17), hiện đang đôn đốc nhà thầu triển khai thi công tại các vị trí không vướng mặt bằng.
- Thực hiện quy định định mức hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thay thế Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020 chưa thực hiện được do văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên chưa được ban hành.
- Các trường hợp vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và lĩnh vực ATTP vẫn còn xảy ra do ý thức chấp hành quy định về ATTP chưa tốt.
- Việc xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2030" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn chậm.
- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt chưa được ban hành, trong khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch (QCVN 02:2009/BYT) đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/2/2022 nên công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan còn gặp khó khăn.
B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP QUÝ II NĂM 2022
Tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 theo Quyết định số 33/QĐ-SNN ngày 10/02/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT, các văn bản chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở và các nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
I. NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt – Bảo vệ thực vật
- Tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển và thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022; nắm bắt tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; dự báo tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng, nhất là trên nhóm cây trồng chủ lực để kịp thời dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ.
- Xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2022; theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu di trú vào đèn tại các địa phương; hoàn thiện việc trang bị hệ thống bẫy đèn sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV cho các đối tượng có nhu cầu kinh doanh; quản lý cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và ATTP đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành việc tổ chức chọn điểm, chọn hộ, đấu thầu vật tư, phân bón thực hiện các mô hình năm 2022.
- Tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm mô hình lúa tôm; tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh nhằm hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm giúp người dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.
- Trình UBND tỉnh phê duyệt định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thay thế Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND) và hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết để thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản
- Trình UBND tỉnh: Chương trình phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo, bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2030; Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025; tầm nhìn đến năm 2030, 2045; Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022- 2030.
- Tăng cường công tác quản lý cơ sở chăn nuôi, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đúng theo quy định.
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hướng dẫn chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát; tiếp tục thực hiện cung cấp tinh và vật tư gieo tinh nhân tạo.
- Tiếp tục triển khai các Kế hoạch: phòng bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022; tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2022; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh giai đoạn 2020-2022; phòng, chống bệnh dại và bắt chó thả rông năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Các Nghị quyết: quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định ban hành quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.
- Thẩm định và tái thẩm định các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở ATDB trên địa tỉnh; tiếp tục kiểm tra cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thẩm định các dự án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và thiết kế xây dựng trang trại chăn nuôi.
3. Về thu hút đầu tư và các chính sách phát triển nông nghiệp
- Tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods Group thông qua UBND tỉnh Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; trình UBND tỉnh Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh.
- Hướng dẫn các thành phần kinh tế xây dựng dự án thụ hưởng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành.
II. LÂM NGHIỆP
- Đôn đốc các đơn vị chủ rừng khẩn trương thực hiện việc rà soát quỹ đất chuẩn bị công tác trồng rừng năm 2022 theo đúng kế hoạch; thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các hộ có hợp đồng thực hiện nghiêm các quy trình về bảo vệ, chăm sóc.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các nội dung liên quan đến quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là khu vực có người dân sống và sản xuất nông nghiệp ven rừng.
- Tăng cường ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý đưa công cụ, phương tiện cơ giới trái phép vào rừng; quản lý tình hình xây cất nhà, chòi trái phép trên đất lâm nghiệp; kiểm tra các cơ sở cưa xẻ gỗ, cơ sở gây nuôi động vật rừng và quán ăn có kinh doanh sản phẩm từ động vật rừng để kịp thời xử lý, ngăn chặn các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã.
- Tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2021-2022 theo Kế hoạch số 4551/KH-UBND của UBND tỉnh; thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra canh phòng sẵn sàng huy động chữa cháy rừng, tổ chức rà soát xử lý dứt điểm vật liệu cháy, ngăn ngừa cháy rừng; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng để răn đe giáo dục.
- Thực hiện đàm phán, ký hợp đồng chi trả ủy thác tiền DVMTR cho năm 2022 với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước; triển khai kế hoạch thu, chi của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh năm 2022.
- Tiếp tục xử lý các trường hợp theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh; Quyết định 223/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh.
III. THỦY LỢI – NƯỚC SẠCH VÀ VSMTNT- XÂY DỰNG CƠ BẢN
- Trình UBND tỉnh: quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; quy định về chính sách, khung giá và giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Lấy ý kiến dự thảo Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Hoàn chỉnh đề cương, dự toán Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng; phân khai các hạng mục sửa chữa kênh mương nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi và kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ, công ích thủy lợi năm 2022; hoàn chỉnh đề xuất dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh theo ý kiến góp ý của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
- Tiếp tục đề nghị, đôn đốc đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; phối hợp thực hiện quyết liệt công tác xử lý các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh).
- Tổ chức triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tại các xã xây dựng NTM và NTM nâng cao năm 2022; xử lý nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả.
- Rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh Nghị quyết kế hoạch đầu tư công năm 2022 và đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (dự án Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030). Tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 theo quy định.
- Tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện 32 dự án đầu tư; phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; triển khai thi công các hạng mục không vướng công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch.
IV. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI – TÌM KIẾM CỨU NẠN
- Trình UBND tỉnh: tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm 2022; triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để tích hợp dự báo mực nước tại hồ chứa, dự báo lũ, ngập lụt có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT và TKCN năm 2022.
- Về quản lý Quỹ PCTT: quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ PCTT tỉnh Tây Ninh; triển khai kế hoạch thu Quỹ PCTT năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
V. PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 theo hướng dẫn của cấp trên.
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức Đoàn học tập kinh nghiệm sản xuất sản phẩm từ lục bình một số tỉnh miền Tây.
- Tiếp tục theo dõi tình hình giá cả một số mặt hàng nông lâm thuỷ sản, quá trình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc năm 2022; giải quyết khó khăn, vướng mắc; thông tin đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.
VI. CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN KHÁC
1. Chương trình MTQG XDNTM
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
- Tổng hợp đăng ký nhu cầu vốn sự nghiệp năm 2022 (nguồn Trung ương) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
- Xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố hoàn thành NTM giai đoạn 2021–2025, trình UBND tỉnh; xây dựng Kế hoạch thực hiện trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Gò Dầu đạt chuẩn NTM năm 2022.
- Tham mưu đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022.
VII. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ, CHẾ BIẾN
- Theo dõi tình hình chế biến mì và sản xuất, chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh năm 2022; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát chữ đường năm 2022 trên địa bàn tỉnh
- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra giám sát các nhà máy mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; báo cáo tổng kết tình hình sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2021-2022.
VIII. CÔNG TÁC THANH TRA; QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM
- Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vật tư nông nghiệp (nhất là phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng), an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện Thanh tra về: phân bón, thuốc BVTV, hạt giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và thuốc thú y - thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đợt 01 năm 2022.
- Triển khai thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2022 (theo Quyết định số 350/QĐ-SNN ngày 14/12/2021 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Tổ chức thẩm định, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT năm 2022 theo phân cấp khu vực quản lý.
IX. CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
- Tiếp tục thực hiện các chuyên mục, tọa đàm nông nghiệp, nông thôn có liên quan đến các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và PTNT nhằm tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.
- Phối hợp với các đơn vị báo, đài viết bài tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
X. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TỔ CHỨC CÁN BỘ
- Cho chủ trương về công tác cán bộ tại đơn vị; thực hiện quy trình xem xét khen thưởng, kỷ luật đúng quy định.
- Thực hiện quy trình xét tuyển VC; thăng hạng VC chuyên ngành nông nghiệp và PTNT từ hạng IV lên hạng V; bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp VC chuyên ngành Khuyến nông và Quản lý bảo vệ rừng.
- Đảm bảo các chế độ, chính sách của CCVC và người lao động đúng quy định.
- Tiếp tục áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành giúp Lãnh đạo Sở, công chức, viên chức cập nhật thông tin, tình hình hoạt động của Ngành trên Cổng thông tin điện tử.
Trên đây là báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2022 của ngành Nông nghiệp và PTNT./.
Tải về [1] 06: Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh; Chương trình phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo, bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2030; Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tải về [2] 04: Quy định về chính sách, khung giá và giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định ban hành Danh mục các khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tải về quy I.rar Tải về quy I.rar