Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ năm - 23/05/2024 07:13 205 0

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự sống còn của chế độ, hạnh phúc của Nhân dân và tương lai của dân tộc. Đây là cuộc chiến đầy gian khó, phức tạp nhằm chống lại những thói hư, tật xấu đang tiềm ẩn trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức được Nhà nước và Nhân dân trao quyền. Trong đó, công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp căn bản để nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng đạo đức, văn hóa liêm chính, chống tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian quan, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua các hình thức như: sinh hoạt Ngày pháp luật hàng tháng, gửi văn bản thông qua Phần mềm điện tử cho công chức, viên chức nghiên cứu thực hiện, đăng tải văn bản, bài viết trên Trang thông tin điện tử của Sở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức được 11 cuộc, với 247 lượt người tham dự.

Nhìn chung, qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đã nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức về việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với từng công chức, viên chức trong ngành Nông nghiệp và PTNT.

Ảnh: một buổi sinh hoạt Ngày pháp luật tại Sở Nông nghiệp và PTNT

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, trọng tâm gồm những nội dung sau:

1. Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại của tham nhũng, tiêu cực

- Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).

- Tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận... của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị (Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực).

- Tham nhũng, tiêu cực tác động xấu đối với nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, kỷ cương, kỷ luật,… Cụ thể: về chính trị, tham nhũng, tiêu cực là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân. Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan đến tham nhũng trong nhiều vụ án rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. đó là những con số đáng lo ngại so với số thu ngân sách hằng năm của nước ta. Ngoài ra, việc đất nước bị đánh giá xấu về tham nhũng, tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín của đất nước, giảm sự tin cậy của nhà đầu tư tại nước ta, đây là nguy cơ tiềm ẩn, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước; về xã hội, tham nhũng, tiêu cực làm đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; về kỷ cương, kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực làm rối loạn kỷ cương, phép nước, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào công lý, lẽ phải và lối sống tình nghĩa…

2. Nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan nhà nước

2.1 Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện (khoản 1, Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018) bao gồm:

(1) Tham ô tài sản;

(2) Nhận hối lộ;

(3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

(4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

(5) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

(6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

(7) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

(8) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

(9) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

(10) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

(11) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

(12) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2.2. Các nhóm hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW) bao gồm:

(1) Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(2) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác...

(3) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng.

(4) Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi. Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, phát tán hoặc xúi giục người khác tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi tòa án ra phán quyết; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(5) “Tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.

(6) Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.

(7) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân; “Lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong xây dựng chính sách, pháp luật.

(8) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tỉnh trạng mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực; không báo cáo, phản ánh, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp quản lý.

(9) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng, ngân hàng, y tế, bảo hiểm, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, khoảng sản, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, … Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trái quy định.

(10) Tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định có lợi riêng cho bản thân, gia đỉnh hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

(11) Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hành vi hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tiết lộ thông tin, đe dọa, trả thù, trà dịp người phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

(12) Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng. quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, kỷ luật, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định.

(13) Can thiệp, tác động hoặc để người nhà, người thân, người quen lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp.

(14) Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác.

(15) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; giải trình không trung thực về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; tẩu tán, che dấu tài sản có được do tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ đạo và tổ chức thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.

(16) Nhập quốc tịch nước ngoài; dùng giấy tờ giả, không hợp pháp, khai báo gian dối về quốc tịch.

(17) Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật; chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

(18) Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.

(19) Các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác do Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định.

3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

3.1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Người đứng đầu chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách. Nghiên cứu, nắm rõ, nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

3.2. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức:

Thực hiện nhiệm vụ, công vụ đúng quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; phải gương mẫu, liêm khiết, chấp hành nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Kiên quyết, kiên trì học tập, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tiêu cực, không tham nhũng; chủ động phê phán, tích cực lên án đối với mọi hành vi, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây