Với khao khát mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm sạch và tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, mô hình trồng dâu tằm theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Thanh Vũ ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện và góp phần tạo sản phẩm du lịch cho địa phương.
Năm 2021, sau thời gian dài tự mày mò nghiên cứu ông Vũ quyết tâm trở về mảnh đất quê hương và bắt tay vào việc phát triển mô hình trồng dâu tằm lấy trái theo hướng hữu cơ.
Ông Vũ chia sẻ ông đã chuyên tâm cải tạo đất 02 năm trước khi trồng bằng nhiều cách như: tạo thảm thực vật, bón các sản phẩm hữu cơ,…. Tháng 11/2022, trên diện tích 02 hecta, gia đình ông Vũ trồng khoảng 1000 gốc dâu tằm, kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để góp phần giảm công chăm sóc, chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình. Đối với sâu bệnh hại thì ông Vũ sử dụng các biện pháp thủ công như: bắt sâu, ngắt bỏ cành lá bị sâu hại, phát quang vườn, dọn cỏ,… ; đồng thời ông Vũ còn sử dụng các chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đã cải tạo tốt thêm vào đó là áp dụng phương pháp canh tác hiện đại và mới, nên chỉ sau thời gian ngắn, cây dâu tằm đã sinh trưởng, phát triển tốt và có độ ngon ngọt hấp dẫn.
Cũng theo ông Vũ, dâu tằm là loại cây dễ trồng, còn cho trái quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập. “Cây dâu tằm thu hoạch trong vòng 1 tháng thì nghỉ ngơi khoảng 3 tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần cắt tỉa cành, bón phân để nuôi cây. Do đó, gia đình tiến hành xử lý theo từng khu vực để thu hoạch trái liên tục” – ông Vũ chia sẻ.
Ông Vũ và vườn dâu tầm
Ông Vũ còn chia sẻ thêm do vườn trồng theo hướng hữu cơ nên chi phí đầu tư cũng như chăm sóc cao, cụ thể: về chi phí đầu tư ban đầu như cải tạo đất, hệ thống tưới, cây giống,… khoảng 250 triệu/hecta, chi phí chăm sóc hàng năm dao động khoảng 100 triệu/hecta. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, gia đình ông Vũ thu hoạch 70-80kg dâu tằm, giá dâu dao động khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg. Theo ông Vũ đầu ra sản phẩm chủ yếu bán sỉ cho các tiểu thương ở TPHCM, khách tham quan vườn địa phương. Về doanh thu khoảng 200 triệu đồng/hecta/năm, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ hecta/năm . Ngoài ra, vườn dâu cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương với công hái khoảng 200.000 đồng/ngày/người.
Trái dâu tươi hiện rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng, ngoài bán trái dâu tươi, ông Vũ còn mở dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái trái. Bên cạnh đó, các sản phẩm được chế biến từ quả dâu tằm như: dâu sấy, rượu dâu, mật dâu,… theo phương pháp thủ công, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu và các chất hóa học khác, luôn xem trọng tiêu chí chất lượng sản phẩm đã được nhiều người chú ý. Kết hợp giữa đa dạng công dụng của quả dâu tằm: hỗ trợ điều trị mất ngủ, tăng cường hệ tiêu hóa, giúp đen râu tóc..., các sản phẩm luôn hướng hữu cơ mang lại giá trị cao cho sức khỏe đã đáp ứng được tâm lý người tiêu dụng hiện nay.
Các sản phẩm từ trái dâu tằm của ông Vũ
TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TÂN CHÂU
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc