Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Chi cục Kiểm lâm

Bà: Trần Thị Ngân Hà - Chi cục Trưởng - ĐTCQ: 0276 3822369 Email: hattn@tayninh.gov.vn
 

I. Chức năng

1. Chi cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

2. Chi cục Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về quản lý rừng:

a) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về lâm nghiệp đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

c) Trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

2. Về phát triển rừng:

a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng, làm giàu rừng;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, nuôi dưỡng và làm giàu rừng;

c) Thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án bảo vệ, phát triển rừng, các mô hình khuyến lâm, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện công tác trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh;

đ) Theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.

3. Về giống cây lâm nghiệp:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và phát triển hệ thống vườn giống, rừng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh;

b) Tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý giống, các nguồn giống, vườn giống cây trồng lâm nghiệp; tổ chức việc bình tuyển và công nhận cây mẹ, cây đầu dòng và rừng giống trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phương án, biện pháp, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định.

4. Về sử dụng rừng:

a) Tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án điều chế rừng tự nhiên, phương án quản lý rừng bền vững, kế hoạch khai thác gỗ, lâm sản khác và chế biến lâm sản;

b) Thẩm định, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên, khai thác, tỉa thưa gỗ rừng trồng, khai thác nhựa thông theo quy định;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch về chi trả dịch vụ môi trường rừng.

5. Bảo tồn thiên nhiên:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn;

b) Tham mưu quản lý các khu rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý vi phạm trong hoạt động gây nuôi, trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã và bảo vệ môi trường rừng theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn, kiểm tra về bảo tồn thiên nhiên; giáo dục môi trường gắn với cộng đồng tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

6. Bảo vệ rừng:

a) Tham mưu cho Giám đốc Sở trình cấp có thẩm quyền huy động các đơn vị vũ trang; huy động lực lượng, phương tiện khác của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu cháy rừng và phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;

c) Dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành; thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp; tham gia phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;

d) Tổ chức bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý;

đ) Phối hợp hoạt động bảo vệ rừng đối với lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

7. Bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn;

b) Tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại.

8. Xây dựng lực lượng và tuyên truyền:

          a) Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, chế độ, chính sách và pháp luật cho công chức, viên chức ngành lâm nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp trên địa bàn;

          b) Cấp phát, quản lý trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm địa phương; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định pháp luật.

9. Tổ chức thực hiện các dịch vụ kỹ thuật lâm nghiệp theo quy định pháp luật; tổ chức hoạt động du lịch sinh thái phải phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng và quy định của pháp luật.

10. Thực hiện hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

12. Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; quản lý tổ chức, biên chế công chức, vị trí việc làm, công chức, viên chức, tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo phân cấp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

III. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo: Gồm Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.

a) Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục và các công việc được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công hoặc ủy quyền; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu; phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Sở, các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chi cục.

b) Các Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chi cục trưởng vắng mặt, một Phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Chi cục.

c) Việc bổ nhiệm Chi cục trưởng, các Phó Chi cục trưởng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo điều kiện, tiêu chuẩn chức danh và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Có 04 phòng

a) Phòng Hành chính, Tổng hợp;

b) Phòng Thanh tra, Pháp chế;

c) Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng;                 

d) Phòng Sử dụng và Phát triển rừng.

3. Các đơn vị trực thuộc: Có 05 đơn vị

a) Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên;

b) Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu;

c) Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành – Bến Cầu;

d) Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng;

đ) Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng, Đội trưởng, Phó Đội trưởng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.​

(Theo Quyết định số 1351/QĐ-SNN ngày 10/5/2016) ​

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Công khai minh bạch
Góp ý dự thảo
https://dichvucong.gov.vn/p/phananhkiennghi/pakn-gui-pakn.html
Chính sách nông nghiệp
https://mail.tayninh.gov.vn/
https://vbpl.tayninh.gov.vn/
Cong khai linh vuc NN
Chung tay cải cách thủ tục hành chính
https://hoidap.tayninh.gov.vn/
Đoàn thanh niên
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay8,136
  • Tháng hiện tại92,753
  • Tổng lượt truy cập5,643,654
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây