Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ hai - 11/03/2024 15:58 240 0

       Ngày 08/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND quy định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có hiệu lực từ ngày 18/12/2023 và thay thế Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó có một số nội dung cần chú ý như sau:

1. Nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Định mức phân bổ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

- Chi ban hành mới hoặc thay thế Nghị quyết: cấp tỉnh 24.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 14.000.000 đồng; cấp huyện: 12.000.000 đồng/dự thảo, tăng 4.000.000 đồng; cấp xã: 8.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 2.000.000 đồng.

- Chi ban hành mới hoặc thay thế Quyết định cụ thể hóa Nghị quyết: cấp tỉnh 14.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 9.000.000 đồng; cấp huyện: 7.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 3.000.000 đồng; cấp xã: 5.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 2.000.000 đồng.

- Chi ban hành mới hoặc thay thế Quyết định không cụ thể hóa Nghị quyết: cấp tỉnh 16.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 8.000.000 đồng; cấp huyện: 8.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 1.600.000 đồng; cấp xã: 6.000.000 đồng/ dự thảo, tăng 1.200.000 đồng.

- Chi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, quy định định mức cụ thể hơn so với định mức tại Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐND: (1) Nghị quyết: cấp tỉnh 19.000.000 đồng/ dự thảo; cấp huyện: 9.000.000 đồng/ dự thảo; cấp xã: 6.000.000 đồng/ dự thảo; (2) Quyết định cụ thể hóa Nghị quyết: cấp tỉnh 11.000.000 đồng/ dự thảo; cấp huyện: 5.000.000 đồng/ dự thảo; cấp xã: 3.000.000 đồng/văn bản; (3) Quyết định không cụ thể hóa Nghị quyết: cấp tỉnh 12.000.000 đồng/ dự thảo; cấp huyện: 6.000.000 đồng/ dự thảo; cấp xã: 4.000.000 đồng/ dự thảo.

Ngoài ra, Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND bổ sung nhiều nội dung, định mức mà Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐND trước đây chưa được quy định, như: (1) chi công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo bãi bỏ Nghị quyết, (2) chi công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo bãi bỏ Quyết định cụ thể hóa Nghị quyết; (3) chi cho hoạt động thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trường hợp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kinh phí giao cho đơn vị chủ trì xây dựng vượt ngoài định mức phân bổ, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí từ khoản kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3. Phương thức thanh toán cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 42/2022/TTBTC, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 6 Thông tư số 338/2016/TT-BTC, cụ thể:

a) Đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

- Mức chi: được thực hiện theo phương thức khoán trên sản phẩm hoàn thành, bằng mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 61/2023/NQHĐND.

- Chứng từ thanh toán gồm:

+ Quyết định hoặc văn bản phê duyệt chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền (nếu có);

+ Tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

+ Văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành.

b) Đối với kinh phí cho công tác thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

- Mức chi: được thực hiện theo phương thức khoán trên sản phẩm hoàn thành, định mức chi theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 61/2023/NQHĐND).

- Chứng từ thanh toán gồm:

+ Văn bản đề nghị thẩm định;

+ Văn bản phân công thẩm định hoặc ý kiến phê duyệt của người có thẩm quyền (nếu có);

+ Quyết định thành lập hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định (nếu có);

+ Báo cáo thẩm định.

c) Việc thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn.

d) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã xây dựng xong hoặc dừng lại không xây dựng tiếp (theo Thông báo kết luận của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật): cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản được phép thanh, quyết toán phần kinh phí đã thực hiện tương ứng theo quy định về nội dung chi, mức chi tại Thông tư số 42/2022/TT-BTC trên cơ sở chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Mức chi cho từng nội dung thực hiện theo quy định tại Thông tư số 42/2022/TT-BTC và không vượt định mức phân bổ kinh phí quy định tại Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND.

4. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Tổng quan Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND ban hành kịp thời, cơ bản đầy đủ quy định mức phân bổ kinh phí cũng như định mức chi bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm các nội dung chi mới và tăng mức chi sẽ là cơ sở để nâng cao ý thức trách nhiệm của chuyên viên phụ trách quá trình xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống VBQPPL; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới./.

(Toàn văn Nghị quyết số Nghị quyết số 61/2023/NQ-HĐND kèm theo).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây