Nạo vét kênh tiêu xà tia, chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ ba - 20/12/2016 19:00 375 0

I. Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đầu tư:

    1. Sự cần thiết đầu tư:

            Hiện trạng kênh tiêu khu vực xã Tân Bình gồm hệ thống kênh tiêu Tà Xia và kênh tiêu Tân Bình đã được đầu tư xây dựng năm 1994 và năm 1999. Qua nhiều năm sử dụng kênh đã bị xuống cấp bồi lắng, cây cối mọc nhiều trong lòng kênh, không đảm bảo tiêu thoát được vào mùa mưa hàng năm, kênh tiêu Tân Bình không có kênh nhánh nên tiêu thoát chậm, các công trình trên kênh không còn phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. Mặt khác trước đây kênh thiết kế tiêu cho cây lúa, hiện nay người dân đã chuyển đổi sang trồng cây mì, cây mía... nên quy mô kênh không còn phù hợp với nhiệm vụ tiêu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

            Năm 2013 Nhà nước đã đầu tư Dự án Thủy lợi Phước Hòa - Khu tưới Tân Biên, trong đó có hệ thống kênh tưới N2-17 và N2-19 nằm trong khu dự án kênh tiêu Tà Xia đã được thi công xong và đưa vào sử dụng. Do đó cần thiết phải đầu tư nâng cấp nạo vét kênh tiêu Tà Xia nhằm hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu trong khu dự án.

            Qua khảo sát thực tế cùng với chính quyền địa phương thì khu vực cần được tiêu thoát nước khoảng 500 ha gồm khu tưới của các kênh cấp dưới N2-19 là N2-19-(4,6,8) và  khu tưới của các kênh cấp dưới N2-17 là N2-17-(4,6,8,10,12).

     2. Các điều kiện để thực hiện đầu tư:

            Nguồn kinh phí thực hiện dự án từ vốn ngân sách Tỉnh

            Dự án đã được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2492/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2016 về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nạo vét kênh tiêu Tà Xia.

     3. Đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đầu tư:

Dự án Nạo vét kênh tiêu Tà Xia đã được quy hoạch trong báo cáo tổng hợp rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và những định hướng lớn đến năm 2020.

Khu vực dự án đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện Tân Biên rà soát vùng quy hoạch, công trình phù hợp với quy hoạch phát tiển kinh tế huyện Tân Biên.

II. Mục tiêu, quy mô, địa điểm và phạm vi đầu tư

     1. Mục tiêu:

            Sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh tiêu Tà Xia nhằm tiêu thoát triệt để một phần khu tưới Tân Biên - DA thủy lợi Phước Hòa thuộc xã Tân Bình, kết hợp giao thông đi lại phục vụ sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang cây trồng hiệu quả cao, chủ yếu là phát triển cây mía và cây mì.

Cải tạo cảnh quan vệ sinh môi trường, tăng thêm quỹ đất phát triển cây mía, cây mì trên vùng đất thấp đảm bảo hàng năm đủ sản lượng mía, mì cho các nhà máy đường và nhà máy mì trong tỉnh .

Tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống người dân địa phương .

      2. Quy mô:

Phân loại công trình theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP: Công trình thủy lợi

Cấp công trình theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD : Công trình thủy lợi cấp IV.

Hệ số tiêu cho cây màu: q = 5l/s.ha (Lấy theo hệ thống thủy lợi Tân Hưng và Tân Châu).

Diện tích tiêu: 500 ha.

2.1 Thành phần công trình:

Căn cứ hiện trạng, mục tiêu nhiệm vụ công trình  hệ thống kênh tiêu như sau:

a. Phần kênh:

            + Nạo vét nâng cấp hệ thống kênh tiêu Tà Xia gồm:

             - Kênh chính Tà Xia:         

               Chiều dài kênh L = 9.441m. Diện tích lưu vực tiêu F = 2.740 ha

             - Kênh nhánh Tà Xia: gồm 02 tuyến T12, T14

               Tổng chiều dài L = 2331m

            + Nạo vét nâng cấp kênh tiêu Tân Bình:

               Chiều dài kênh L = 3.163m. Diện tích lưu vực tiêu F = 466 ha

b. Phần công trình:

            - Kênh chính Tà Xia:

             + 01 cống qua đường BTCT: BxH = 2x(2x2)m, tại K0+515;

            + 01 cống qua đường BTCT: BxH = 2x(2.5x2.4)m, tại K2+469;

            + 01 cống qua đường BTCT kết hợp điều tiết tự tràn BxH = 2x(2x2)m tại K5+785;

            + 01 cống điều tiết tự tràn tại K2+132;

            + 07 cống tiêu vào D100 các kênh nhánh T2,T4,T6,T8,T10,T12,T14;

            + 03 cống tiêu vào D60.

            - Kênh tiêu nhánh Tân Bình:

            + 02 cống qua đường BxH = (1.5x1.5)m.

            + 02 cống qua đường kết hợp điều tiết tự tràn BxH = (1.5x1.5)m.

            + 05 cống tiêu vào D60.

            + 02 cống tiêu vào D100.

 

2.2 Giải pháp công trình:

Căn cứ vào hiện trạng và nhiệm vụ công trình đưa ra giải pháp công trình cụ thể như sau :

            - Nạo vét nâng cấp kênh và công trình trên hệ thống kênh tiêu Tà Xia và kênh tiêu Tân Bình, đất đào đổ lên san tạo bờ.

- Các công trình trên kênh làm bằng BTCT đổ tại chỗ.

3. Địa điểm và phạm vi đầu tư:

            Công trình xây dựng nâng cấp hệ thống kênh cũ với tổng chiều dài 14.935m, vị trí khu dự án nằm cặp đường 783, lưu vực tiêu từ QL 22B, rừng Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và tiêu ra sông Vàm cỏ Đông , xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

III. Dự kiến Khối lượng công tác chính và tổng mức đầu tư:

1. Khối lượng chủ yếu:

           

TT

HẠNG MỤC

ĐƠN VỊ

KHỐI LƯỢNG

1

Đất đào cấp 2

m3

51.800

 

2

Đất đào cấp 3

m3

20.800

 

3

Đất san đầm nền hạ đường bờ kênh

m3

22.400

 

4

Đất san cấp1

m3

15.100

 

5

BTCT M200 công trình trên kênh

m3

1.300

 

6

Diện tích đền bù đất sản xuất

ha

1,25

 

 

2. Dự kiến tổng mức đầu tư: 

                   Tổng mức đầu tư:                  14.857.259.000 đồng

               ( Mười bốn tỉ tám trăm năm mươi bảy triệu hai trăm năm mươi chín ngàn đồng)

IV. Tiến độ thực hiện:

            Năm 2016 - 2017.

          Xã Tân Bình huyện Tân Biên nói chung và khu vực dự án nói riêng có nhiều ưu thế để phát triển nông nghiệp. Do đó việc đầu tư hạ tầng về thuỷ lợi kết hợp giao thông nội đồng sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực dự án và các vùng lân cận góp phần ổn định an ninh và đời sống nhân dân vùng biên giới.

          Đầu tư dự án Nạo vét kênh tiêu Tà Xia nhằm phát huy hết hiệu quả tưới tiêu, giao thông đi lại phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án, mang lại sự an toàn cho người sản xuất và người tiêu thụ, vừa duy trì sự ổn định và bền vững của môi trường sinh thái và quan trọng hơn là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất; góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây