Thêm một chuyến đi, thêm điều ngẫm nghĩ

Thứ sáu - 10/05/2024 07:43 53 0

Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) chia sẻ thông điệp “Bốn điều tốt hơn”: Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn (“Four Betters”: Better Production, Better Nutrition, Better Environment, Better Life). Như vậy, quan niệm về an ninh lương thực, thực phẩm đã mở rộng hơn về góc độ tiếp cận, so với nhu cầu cơ bản trước đây.

Thách thức từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển theo xu thế tiêu dùng xanh dần định hình mô hình nông nghiệp, gắn với ứng dụng công nghệ mới. Làm sao để nông dân, nông hộ canh tác, sản xuất theo quy mô nhỏ - những người trực tiếp tạo nên phần đáng kể sản lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu, không bị tụt lại phía sau, luôn là chủ đề quan trọng.

Giải pháp công nghệ phù hợp, sáng kiến hữu ích, giúp tiết giảm chi phí sản xuất? Cách thức cụ thể để người nông dân tiếp cận thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số? Hàng loạt câu hỏi đặt ra cho chặng đường phía trước.

Không khí đổi mới như lan tỏa khắp không gian của Hội nghị, khi Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo ngành nông nghiệp các nước, chuyên gia và học giả quốc tế đều nêu lên nhu cầu cấp thiết về thay đổi tư duy, cách tiếp cận, để chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm, từ cấp độ quốc gia đến khu vực và toàn cầu, để đối diện, ứng phó và thích ứng với những thách thức chưa từng có tiền lệ.

Một quốc đảo Phật giáo, bản đồ hình giọt lệ, được ví như hòn ngọc Ấn Độ Dương, với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên và văn hóa. Một đất nước tương đối tương đồng với đất nước mình. Cũng bờ biển bao bọc và đồi núi, cao nguyên và đồng bằng. Cũng là trang trại lớn và những nông dân cá thể. Cũng là làm sao gắn kết giữa sản xuất và thị trường. Quy mô sản lượng nhiều ít khác nhau, nhưng vẫn tương đồng nhiều ngành hàng nông sản: lúa gạo, cà phê, điều, trà, cây gia vị, thuỷ sản… Mà vẫn có nhiều điều thuộc cần tham khảo, học hỏi. Sàn đấu giá trà đã có tuổi đời hơn trăm năm hiện đã chuyển sang hình thức đấu giá trực tuyến. Các sản phẩm gia vị đều cùng mang thương hiệu quốc gia: “Những gia vị tốt nhất thế giới đều được sản xuất bởi Sri Lanka” (“Best Spices in the world are produced by Sri Lanka”).

Điểm cần chú ý là niềm tự hào chung: “được sản xuất bởi Sri Lanka” (“produced by Sri Lanka”). Tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đều gắn với thương hiệu quốc gia. Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nước bạn, cảm nhận được tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ vì lợi ích chung. Trong phần trình bày về cơ hội giao thương, đối tác nước bạn phân tích từng điểm về thời cơ và thách thức, tương quan thế mạnh của cả đôi bên. Đúng là hiểu mình, biết người, trước khi bàn chuyện hợp tác.

Dù đã có nhiều dịp khảo sát, trải nghiệm tìm hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại “Xứ sở Chùa Vàng”, chuyến công tác lần này đến nước bạn vẫn đem đến những điều mới lạ. Nông sản Thái Lan vốn không xa lạ gì, nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ngày trước thường gắn với chữ Xiêm: dừa, chuối, mãng cầu, vịt…; gần đây thêm không ít nông sản gắn với xuất xứ Thái: gạo, mít, me, xoài, sầu riêng, cà na, bòn bon… Từng loại trái quả bản địa chưa được phổ biến nhiều, như thanh trà, tầm bóp…, tiếp tục được quan tâm, chú trọng, từng bước nâng tầm giá trị, tiếp cận thị trường quốc tế.

Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” OCOP của mình có nhiều tương đồng với OTOP nước bạn. Thái Lan cũng học tập từ chương trình “Nhất thôn nhất phẩm” OVOP của Nhật Bản. Thông qua sản phẩm, nước bạn đặt ra mục tiêu nâng cao sức sống cho cộng đồng, đào tạo những chủ thể OTOP trở thành những doanh nhân tương lai. Cơ quan phụ trách Chương trình là Bộ Nội vụ, trong đó, cơ quan chịu trách nhiệm chính là Cục Phát triển cộng đồng. Hơn 6.000 nhân viên phát triển cộng đồng thường xuyên hướng dẫn, trao đổi với cư dân nông thôn đánh giá tiềm năng đang có, nhận diện cơ hội và rủi ro. Các hoạt động tư vấn, tập huấn thường xuyên được tổ chức, giúp các chủ thể OTOP tiếp tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm, biết cách kết nối thị trường cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Hoạt động đa dạng từ đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông đến hướng dẫn bán hàng, xúc tiến thương mại… của các nhân viên phát triển cộng đồng luôn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Hoàng gia, nhiều cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội.

Chương trình OTOP của Thái Lan tập trung 5 nhóm sản phẩm: (1) thực phẩm, (2) thức uống(3) quần áo dệt may(4) sản phẩm trang trí nội thất và quà lưu niệm(5) sản phẩm thảo dược. Các sản phẩm định kỳ được đánh giá dựa trên các tiêu chí về chất lượng và thị trường để xếp hạng theo nhóm: chất lượng tốt và thị trường tốtchất lượng tốt nhưng thị trường chưa tốtthị trường tốt nhưng chất lượng chưa tốtchất lượng chưa tốt và thị trường cũng chưa tốt. Các nhân viên phát triển cộng đồng thường xuyên làm việc với các nhóm nông dân, doanh nghiệp hỗ trợ hoàn thiện dần sản phẩm và giúp kết nối các doanh nghiệp giúp các chủ thể làm đúng yêu cầu về chất lượng, bao bì, nhãn mác để đưa vào các kênh phân phối. Từng cấp huyện, tỉnh và quốc gia đều có các Trung tâm xúc tiến và Phát triển tiềm năng sản phẩm OTOP, kết hợp các khu chợ, các điểm du lịch cộng đồng để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm.

Thêm một điểm mới ghi nhận được là mô hình “kinh tế đủ đầy” của Hoàng gia. Mục tiêu của mô hình này là hướng tới những nông hộ quy mô nhỏ biết cách phát huy giá trị tài nguyên bản địa, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, ngay trên mảnh đất nhỏ của mình. Phương châm an ninh lương thực thật gần gũi, dễ hiểu: “Tiêu dùng tất cả các sản phẩm mà bạn tạo ra và tạo ra tất cả sản phẩm mà bạn tiêu dùng” (“Eat all you grow and Grow all you eat). Quản lý rủi ro biến đổi khí hậu cũng thật giản lược: “Lập kế hoạch phù hợp với bối cảnh, nguồn lực, cây trồng, vật nuôi và thủy sản” – (Good planning with context, all resouce, plants and crops and livestock and fishes).

Tương quan, so sánh chất lượng sản phẩm để tiếp tục cải thiện, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng luôn là việc cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần tìm hiểu cấu trúc ngành hàng và rộng hơn là cấu trúc xã hội. Quan sát hoạt động của Chợ đầu mối nông sản rộng hơn trăm héc-ta của bạn - nơi có thể được xem là một thị trường thu nhỏ - mới cảm nhận được sự liền lạc từ nơi sản xuất đến thị trường. Cách sắp xếp khoa học, có khu vực dành cho thương nhân, có khu vực dành cho nông dân trực tiếp bày bán. Tất cả đều chỉn chu, giá cả niêm yết rõ ràng, nông sản trên quầy sạp đều có mã truy xuất nguồn gốc tận đến từng trang trại, hợp tác xã và người nông dân. Các quầy hàng OTOP của nông dân được hiện diện cả trong các khu đô thị hiện đại, nhà ga, sân bay… gửi đi tín hiệu về thương hiệu sản phẩm cũng như mối quan tâm chung của xã hội cho phát triển cộng đồng nông thôn.

Thế giới hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, khó có một đất nước nào có mô hình nông nghiệp tối ưu, một khuôn mẫu nông nghiệp - nông thôn hoàn hảo cho tất cả. Mỗi đất nước đều có những đặc trưng, đều có cái ưu cái khuyết, có điểm mạnh điểm yếu. Quan sát, so sánh, đối chiếu, dung hòa các giá trị, học tập cái hay từ những mô hình, để vận dụng phù hợp, sát thực nhất với mình. Và có nhiều cách tiếp cận chung cho thể áp dụng đa ngành, đa lĩnh vực.

Thứ nhất, cộng đồng có vai trò nền tảng, nhất là các đất nước nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như Việt Nam. Ngày nay, người ta còn tiếp cận tư duy cộng đồng, triết lý cộng đồng, doanh nghiệp cộng đồng… Cộng đồng luôn là nguồn lực quan trọng, bền vững, nối kết mật thiết với tài nguyên kinh tế, văn hóa bản địa và xã hội nông thôn. 

Thứ hai, nông dân, nông hộ quy mô nhỏ đóng góp vai trò không nhỏ trên con đường phát triển. Mặc dù không phải là hàng hóa quy mô lớn, nhưng từ những tài nguyên bản địa vẫn tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, phát triển nền kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Ngày nay, người ta còn đưa ra khái niệm “vừa đủ”công nghệ vừa đủkỹ thuật vừa đủkinh tế vừa đủ… Các nhà khoa học cần tìm ra những công nghệ, giải pháp phù hợp, chi phí thấp… để cộng đồng và người nông dân dễ tiếp cận.

Thứ ba, thay đổi là thuộc tính của thời đại nên mọi kế hoạch, chương trình, được hoạch định cần linh hoạt, cập nhật nhanh trước sự thay đổi. Một sản phẩm tạo ra đã khó nhưng để thương mại hóa sản phẩm còn khó hơn trong bối cảnh cạnh tranh dựa trên đổi mới, sáng tạo liên tục. Những sản phẩm thông thường thì giá cả thông thường, sản phẩm khác biệt thì giá cả khác biệt.

Thứ tư, để thực hiện vai trò tư vấn cho cộng đồng, đòi hỏi sự thay đổi về phương pháp làm việc. Trước hết, phải xem cộng đồng và người dân là chủ thể của sự phát triển địa phương, hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ cho người dân là hỗ trợ cho sự phát triển của địa phương. Để làm tốt vai trò tư vấn cho cộng đồng đòi hỏi cán bộ, nhân viên phát triển cộng đồng phải có kiến thức đủ rộng, kỹ năng đủ thuần thục để thuyết phục và nhất là thái độ đầy trách nhiệm, sự gần gũi, gắn bó, đồng hành với cộng đồng như những người thân thiết.

Mỗi chuyến đi là mỗi lần khám phá những điều mới mẻ. Bước tiếp theo của khám phá, là làm sao để chuyển hóa thành hành động, tạo nên giá trị cho ngành nông nghiệp mình. Đó là vấn đề trong mọi vấn đề! Làm ngay những điều nghĩ đến và không ngừng nghĩ đến những điều có thể làm!

Nội dung: Lê Minh Hoan

Thiết kế: Tiến Thành

Ảnh: Thanh Thanh

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây