Những khó khăn và giải pháp trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ ba - 08/11/2022 14:06 2.226 0

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tăng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi nhằm tránh được tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá.

Chính vì vậy, để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, trong thời gian qua ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh) và Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh); triển khai các giải pháp như ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh; kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác).

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã hình thành 09 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh: chuỗi giá trị chăn nuôi (heo, bò sữa, bò thịt); chuỗi giá trị trồng trọt (cây mì, cây mía, mãng cầu, chuối, lúa). Việc liên kết đã giúp nông dân an tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng nông sản.

                             

                     Hình 1. Thu hoạch chuối già Nam Mỹ bằng ròng rọc đưa vào nhà sơ chế

Bên cạnh những mặt được, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cũng có một số khó khăn như sau:

1. Việc tích tụ đất nông nghiệp hình thành cánh đồng lớn để sản xuất ứng dụng công nghệ cao khó khăn, do diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý người dân không muốn giao đất để dồn đổi, tích tụ tạo thành cánh đồng lớn.

2. Năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động.

3. Các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ (giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; và ngược lại khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất).

4. Chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

5. Số lượng doanh nghiệp có tầm nhìn, năng lực về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và kinh nghiệm trong liên kết với nông dân còn hạn chế.

6. Việc áp dụng các chính sách còn mới nên bước đầu còn lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa có nhiều thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh đề ra những giải pháp như sau:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để họ nhận thấy lợi ích của việc tham gia các hình thức liên kết, cùng hợp tác phát triển.

- Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng dự án phù hợp để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao.

- Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh.

- Hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, hội thảo, bài đăng báo đài…), tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

- Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp UDCNC.

- Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có thực hiện chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng chuyên sâu, bền vững.

Ngoài ra để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm ngoài những giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, cụ thể:

  • Việc liên kết phải có hợp đồng thể hiện rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng liên kết phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
  • Doanh nghiệp hợp tác xã đầu mối phải có năng lực, tầm nhìn, thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời dễ tiếp cận với các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao./.

                        

Hình 2. Sầu riêng của HTX cây ăn trái Bàu Đồn

đã được đăng ký vùng trồng, thương hiệu và xuất xứ

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây