Trong tháng 10/2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản (bao gồm 9 mặt hàng cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, mì, rau quả, thủy sản và cao su) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao với kim ngạch ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng tới 26,2% so với tháng 10/2016, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng năm 2017 lên 21,3 tỷ USD chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao như gạo tăng 20,3%; cao su tăng 43,7%; hạt điều tăng 24,4%; rau quả tăng 42,7%...
* Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 190 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,018 triệu tấn với 2,23 tỷ USD, tăng 21,6% về khối lượng và tăng 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 10 tháng đạt 2,03 triệu tấn với 909,04 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Dự báo trong thời gian tới xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi khi Bangladesh thông báo mời thầu mua 50 nghìn tấn gạo đồ Non-Basmati. Nếu trúng thầu sẽ giúp thị trường gạo tiếp tục được cải thiện tốt hơn; ngoài ra Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) năm 2017-2018, theo đó lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan)
* Các mặt hàng như cao su, điều, rau quả, chè tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Tính khối lượng xuất khẩu cao su 10 tháng đạt 1,07 triệu tấn với 1,8 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng và tăng 43,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
* Khối lượng hạt điều xuất khẩu ước đạt 292.000 tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 0,7% về khối lượng và tăng 24,4% về giá trị. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần 63% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
* Trong tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 240 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả từ đầu năm đến nay đạt 2,866 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này ngành hàng rau quả chắc chắn sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD đã đề ra cho cả năm 2017 và hiện đã vượt qua ngành cà phê góp mặt trong nhóm 3 mặt hàng đạt kim ngạch XK cao nhất trong nhóm nông, thủy sản (gồm có thủy sản, hạt điều và rau quả). Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam. Tuy nhiên rau quả cũng là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 10 tháng qua. Nghịch lý là rau quả nước ta nhập khẩu nhiều trong khi vẫn còn có những chương trình giải cứu nông sản. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông sản nói chung cũng như rau quả nói riêng của VN hiện nay vẫn chỉ là quy mô nhỏ, phân tán. Đều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được chất lượng, không xây dựng thương hiệu chung, sản lượng không ổn định. Trong khi đó thuế suất rau quả khu ASEAN cơ bản về 0% đã tạo ra sự ngang bằng với nông sản VN cũng như không còn rào cản đối với mặt hàng này giữa các nước ASEAN. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhập khẩu rau quả từ Thái Lan sau đó tiếp tục xuất sang thị trưởng Trung Quốc, điều đó cũng lý giải hiện tượng Việt Nam xuất khẩu rau quả nhiều nhưng nhập khẩu cũng gia tăng trong thời gian qua.
Một số chủng loại hàng rau quả và sản phẩm đã qua chế biến xuất khẩu
trong 9 tháng đầu năm 2017
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng Cục Hải quan
* Là mặt hàng có giá xuất khẩu tốt, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do lượng xuất khẩu giảm mạnh nên giá trị cà phê cũng giảm đáng kể. Đến nay, xuất khẩu cà phê đạt 1,18 triệu tấn với 2,7 tỷ USD, giảm 22% về khối lượng và giảm 1,8% về giá trị.
* Mặt hàng tiêu vẫn chứng kiến cảnh giá xuất khẩu giảm mạnh. Khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 193.000 tấn với 1,02 tỷ USD, tăng 21,6% về khối lượng nhưng giảm 20,6% về giá trị.
* Xuất khảu thủy sản trong tháng 10/2017 đạt 800 triệu USD, nâng tổng kim ngạch XK 10 tháng đầu năm 2017 lên khoảng 6,8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá cao so với nhiều năm gần đây.
Nhìn chung, trong 10 tháng qua, xuất khẩu nhóm nông, lâm thủy sản ghi nhận một số điểm nhấn đáng chú ý như sau:
(1) Tổng kim ngạch XK các nhóm hàng trên trong 10 tháng qua đạt trên 21 tỷ USD. Với tốc độ tăng này và kim ngạch đã đạt được trong năm 2017, nhiều khản năng hoạt động XK của toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu với tổng kim ngạch XK đạt 35 tỷ USD (bao gồm cả mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ) góp phần quan trọng đưa GDP toàn ngành vượt mức tăng trưởng 3% trong cả năm 2017 như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Và năm 2017 sẽ là năm đạt kim ngạch nông lâm thủy sản cao nhất từ trước đến nay.
(2) Nếu tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước được dự báo cả năm 2017 đạt khoảng 210-211 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản dự báo cả năm 2017 sẽ chiếm khoảng 16,2% tương đương với tỷ trọng về GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp thủy sản trong tổng kim ngạch XK của cả nước.
(3) Tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản trong 10 tháng qua tăng do cả 02 yếu tố: Đơn giá và lượng xuất khẩu.
Mặc dù vậy hiện XK nhóm hàng nông lâm thủy sản của VN vẫn dựa vào việc gia tăng về lượng mà điều này có giới hạn nhất định và không thể tạo ra tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều,...hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản nước ta vẫn còn rất thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong các SP XK của VN còn thấp; đa số các mặt hàng nông sản XK chủ lực của nước ta ở dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao; chất lượng hàng nông sản VN thấp; công nghệ chế biến lạc hậu; giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Bên cạnh đó năng lực tìm kiếm thị trường của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp còn yếu, dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác, thiếu nguồn thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như xu hướng tiêu dùng tại một số thị trường cụ thể
Với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản VN, Bộ NN và PTNT đã ban hành Quyết định 1003 về nâng cao giá trị gia tăng hàng NLTS trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, xác định đến năm 2020 giá trị gia tăng các ngành hàng NLTS phải tăng bình quân 20% và giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với tỷ lệ hiện nay. Bên cạnh đó là các giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng ATTP và hạ giá thành sản phẩm...Về lâu dài, VN cần chuyển biến từ gia tăng về lượng sang gia tăng về chất, mở rộng công đoạn có giá trị cao hơn và đặc biệt cần chú trọng khâu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tự mình có thể bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng thương hiệu của chính mình.
Với kết quả khả quan trong năm 2017, Bộ NN và PTNT đã đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành NN và PTNT năm 2018 là 3% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35 tỷ USD./.
(Nguồn: Thị trường sản phẩm nông nghiệp số 12 năm 2017. Kỳ 2 tháng 10 năm 2017)
Phòng Kế hoạch Tài chính Sở
Ý kiến bạn đọc