Tại Hội nghị ông Phạm Văn Yên – PGĐ Sở đã thông qua báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch năm 2015. Trong năm 2015, việc triển khai kế hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tỉnh ủy; và việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 của UBND tỉnh, Ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Tốc độ tăng trưởng đạt cao, chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với năm 2014, đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra: Giá trị sản xuất (GTSX) đạt 25.823 tỷ đồng, tăng 5% đạt 100% so với KH; tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của tỉnh đạt 30%; tỷ lệ che phủ rừng 16,1% (nếu tính cả diện tích cao su ngoài quy hoạch lâm nghiệp 37,8%); Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 97,5% (đạt 100% so với KH); Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến cuối năm là 16 xã, tăng thêm 10 xã (đạt 20% số xã dự kiến, bằng 100% so với KH), số tiêu chí bình quân/xã 12 tiêu chí, tăng thêm 1,5 tiêu chí (đạt 100% so với KH). Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được thì ngành nông nghiệp Tây Ninh còn một số tồn tại như sản xuất nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; một số mô hình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn chậm triển khai, chưa đồng bộ cũng như chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Trên cơ sở đánh giá những mặt làm được, những mặt tồn tại, hạn chế cũng như phân tích nguyên nhân để đề ra kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp năm 2016. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thái Sơn – PGĐ Sở đã triển khai kế hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh năm 2016, với nhiệm vụ trọng tâm tập trung tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững làm nền tảng hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016: Tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP của tỉnh (theo giá hiện hành) đạt 28%-29%; giá trị sản xuất đạt ít nhất 26.991 tỷ đồng, tăng từ 4,5% trở lên; Tổng diện tích gieo trồng giữ ổn định diện tích 376.123 ha; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,2%; Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97,6%; Diện tích tưới phục vụ sản xuất 144.000 ha, trong đó phấn đấu diện tích tưới tiết kiệm 32.000 ha; Duy trì 16 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu tăng thêm 06 xã đạt chuẩn. Để đạt được những chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, ngành Nông nghiệp Tây Ninh tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các Quy hoạch, đề án, dự án trọng tâm của ngành như: Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển rừng đặc dụng; Quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Dự án điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Tây Ninh…đồng thời khẩn trương xây dựng các đề án phát triển nông nghiệp phục vụ Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, Tiếp tục ưu tiên thực hiện và huy động nguồn lực cho phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hình thành các mô hình hợp tác, kịp thời triển khai thực hiện các chính sách cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, an toàn thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản chủ yếu. Tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, Chương trình Kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong chăn nuôi thủy sản…
Sau khi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, ông Võ Đức Trong – GĐ Sở đã phát biểu kết luận Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2016, trong đó tập trung, xoay quanh 03 vấn đề chính:
Thứ nhất, Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các Chương trình, đề án, dự án. Trên cơ sở xác định những sản phẩm thế mạnh, những sản phẩm có lợi thế canh tranh và những sản phẩm cạnh tranh yếu để tập trung điều chỉnh đề án tái cơ cấu; đồng thời tiến hành lồng ghép xây dựng, thực hiện các Chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ tái cơ cấu ngành như: Về trồng trọt, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án sản xuất rau, quả; đề án lúa, dự án khoai mì, mía, mãng cầu…gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Để làm tốt nhiệm vụ này, ngành sẽ tiến hành rà soát lại các quy hoạch đặc biệt là Quy hoạch thủy lợi, xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, các dự án áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến…Về chăn nuôi, tập trung thực hiện các dự án bò, chuyển dần từ bò kéo, cày sang bò hướng thịt, tăng tỷ trọng thịt xẻ từ 42% lên 48%, trọng lượng thịt tăng từ 350kg/con lên 500kg/con. Đồng thời thực hiện thu hút các dự án phát triển các trại nuôi heo ông bà, bố mẹ theo hướng hiện đại; phát triển các giống gà lông màu, gà thả vườn để tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm…Về lâm nghiệp, thực hiện đề án giao rừng sản xuất để chuyển rừng sản xuất về địa phương quản lý; triển khai đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức được giao khoán rừng; tập trung thực hiện đề án trồng rừng thay thế; đồng thời tập trung xử lý những tồn tại trên đất lâm nghiệp đã có các chỉ đạo liên quan đến việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng và đặc biệt khẩn trương thực hiện di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp,…
Thứ hai, Tập trung đầu tư công và xây dựng cơ bản năm 2016; chuyển đổi đầu tư để phục vụ cho việc chuyển đổi cây trồng; ngành đã xây dựng danh mục các dự án đầu tư công đề nghị Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố quan tâm góp ý về danh mục này để nâng cao hiệu quả đầu tư của ngành.
Thứ ba, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhất là những vấn đề được xã hội quan tâm như quản lý vật tư nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý chữ đường các nhà máy, quản lý hệ thống công trình thủy lợi…Trong năm 2016, ngành tiến hành triển khai kế hoạch thanh tra, tập trung thanh kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến đặc biệt là cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2016, ngành Nông nghiệp rất mong sự hỗ trợ, hợp tác của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, phòng Kinh tế thành phố, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện cũng như các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh. Cũng tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Võ Đức Trong đã chúc toàn thể đại biểu lời chúc tốt đẹp, sức khỏe, hạnh phúc, năm mới gặt hái được nhiều thành công và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2016./.
Ý kiến bạn đọc