Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN 2013

Thứ ba - 02/07/2013 15:40 113 0

Ngày 04 tháng 4 năm 2013, Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Lãnh đạo y ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố, Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Khoa học công nghệ và Môi trường, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Tài chính, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp; các Cục: Thú y, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Sau khi nghe Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản báo cáo đánh giá công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và nhiệm vụ trọng tâm 2013, và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:

Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, phức tạp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành trong năm 2013 cũng như nhiều năm tiếp theo nhằm đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm của Bộ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng mong đợi của người dân.

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Đánh giá chung

Trong năm 2012, Bộ và các địa phương có nhiều cố gắng để triển khai thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, có những kết quả tiến bộ nhất định: nhận thức, ý thức trách nhiệm về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản trong toàn ngành được nâng lên; hình thành cơ bản hệ thống pháp lý và hệ thống tổ chức để thực hiện nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến nhất định về quản lý chất lượng và đảm bảo ATTP; tình trạng chất lượng nhiều loại vật tư cũng như ATTP nông sản thực phẩm trong nước đã được cải thiện, quản lý thực phẩm nhập khẩu chặt chẽ hơn. Tuy nhiên những nỗ lực của toàn Ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và mong đợi của nhân dân, vì vậy trong thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, khắc phục những tồn tại căn bản hiện nay.

2. Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế

- Nhận thức của một số cán bộ quản lý và một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn chưa đầy đủ dẫn đến chưa quan tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và ATTP nông lâm thủy sản;

- Hệ thống pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, việc triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm;

- Bộ máy quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đã hình thành được bộ khung nhưng còn thiếu nhân lực, phương tiện, cơ chế vận hành, phối hợp còn nhiều bất cập;

- Một số cơ quan thuộc Bộ, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo đồng bộ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này.

II. KẾ HOẠCH TRỌNG TÂM NĂM 2013

Năm 2013 tiếp tục xác định công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ trọng tâm số một của Bộ và của toàn Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phấn đấu tỷ lệ rau củ quả, chè nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); thịt, thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt mức cho phép theo kết quả giám sát trên diện rộng năm 2013 giảm 10% so với năm 2012; Tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại trong toàn quốc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm VTNN và nông lâm thủy sản, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở yếu kém thực hiện các quy định, phấn đấu giảm 10% cơ sở loại C so với năm 2012.

Các giải pháp cụ thể như sau:

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản

a) Sớm hoàn thành trình Chính phủ ban hành Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; đề án giết mổ gia súc, gia cầm an toàn; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương xây dựng trình ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP;

b) Tiếp tục xây dựng, trình Luật Thú y, Bảo vệ thực vật; khẩn trương sửa đổi ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật ATTP nông lâm thủy sản còn thiếu theo kế hoạch đã được phê duyệt;

c) Phối hợp với các Bộ ban hành Thông tư liên tịch làm rõ cơ chế phân công, phối hợp trong một số lĩnh vực giao thoa giữa 03 Bộ;

d) Rà soát, tập hợp lại các văn bản liên quan trong từng mảng, lĩnh vực, đề xuất ban hành một số Thông tư chung về các mảng, lĩnh vực liên quan để dễ tra cứu, áp dụng trong thực tiễn.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cơ chế chính sách, pháp luật quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản để quán triệt và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản của cán bộ trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nông lâm thủy sản. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền vận động quần chúng cùng tham gia.

3. Xây dựng tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực

a) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp & PTNT và Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

Các Tổng cục, Cục tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung phân cấp giữa trung ương và địa phương để triển khai hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo các nguyên tắc chỉ đạo tại công văn số 6248/TB-BNN-VP ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Các địa phương nghiên cứu phân công của Bộ NN&PTNT trong Quyết định số 3408/QĐ-BNN-QLCL và 1984/QĐ-BNN-QLCL để phân công nhiệm vụ cho các Chi cục địa phương theo hướng giao cho các Chi cục Quản lý Chất lượng NLS&TS nhiệm vụ đầu mối tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại địa phương và làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng Chi cục liên quan đến quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp hoạt động cụ thể giữa các đơn vị trong và ngoài ngành để triển khai nhiệm vụ hiệu quả;

c) Tiếp tục cng cố hệ thống thanh tra chuyên ngành địa phương theo Luật Thanh tra, khẩn trương triển khai ý kiến kết luận tại Hội nghị chuyên đề về Thanh tra năm 2012;

d) Đầu tư xây dựng phòng kiểm nghiệm kiểm chứng đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm; tổ chức quản lý, giám sát các phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định cũng như đánh giá chỉ định các phòng kiểm nghiệm đăng ký mới

4. Triển khai thực tiễn

a) Tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn; quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm đặc biệt lưu ý quy hoạch giết mổ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

b) Hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát ATTP nông sản thủy sản;

c) Triển khai trên diện rộng và thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT thực hiện việc công khai kết quả đánh giá, phân loại; tổ chức tái kiểm tra cơ sở xếp loại C và xử lý kiên quyết theo đúng quy định đối với các cơ sở không chịu khắc phục sai lỗi.

d) Tăng cường, chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ nông dân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP-GMP/HACCP); triển khai xây dựng mô hình điểm chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn đại diện cho các vùng sinh thái và tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng.

e) Tăng cường kiểm soát chất lượng, ATTP nông sản nhập khẩu theo Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát ngăn chặn gia súc gia cầm nhập lậu tại cửa khẩu biên giới và vận chuyển, tiêu thụ tại Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện vi phạm hoặc tái vi phạm, đồng thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

g) Cục QLCL NLTS nghiên cứu, đề xuất ban hành hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn thông qua các dấu hiệu nhận diện (mã hiệu, mã vạch...).

h) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm; chủ động phát hiện và xử lý sự cố mất ATTP, kịp thời cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về kết quả điều tra, khắc phục sự cố cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết thực hiện./.(TMT)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây