Cao su rớt giá, làm sao duy trì vườn cây?

Thứ ba - 10/06/2014 20:50 602 0
Mấy tháng gần đây, cao su rớt giá khiến người dân điêu đứng. Có nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là nhất thời, hiện người trồng cao su đang chọn nhiều phương án, trong đó chú trọng việc duy trì vườn cây, tìm đầu ra hiệu quả cho sản phẩm.

 Theo Cục Thống kê, tổng diện tích cao su (CS) ở Ðắc Lắc ước đạt là 37.199 ha, tăng 8,93% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn vềtiêu thụ mủ CS. Ở nhiều vườn CS liên kết, CS tiểu điền, nông dân đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí. Hiện giá CS xuất khẩu chỉ còn khoảng 36 triệu đến 41 triệu đồng/tấn mủ sơ chế. Còn với thị trường trong nước, nông dân chỉ bán được CS mủ tươi với giá từ 7.500 đến 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi tấn CS xuất khẩu, các doanh nghiệp lỗ từ 5 đến 7 triệu đồng, còn nông dân, thu nhập từ tiền bán mủ CS không đủ bù chi phí công khai thác cho nên nhiều nông hộ đã ngừng cạo. Công ty TNHH MTV Cao su Ðắc Lắc, có gần 4.000 ha liên kết đang ngừng cạo mủ hoặc cạo mủ cầm chừng, khiến sản lượng toàn Công ty năm 2014 có thể sụt giảm hơn 3.000 tấn. Trưởng phòng hành chính Công ty Lê Thị Bích Thảo cho biết, diện tích CS liên kết của Công ty hiện có hơn 4.000 ha được phân chia cho các hộ. Hộ thì vài ha, hộ thì vài sào. Nhưng giờ, bà con không khai thác vì mức thu không đủ bù chi phí. Những hộ lớn có vài chục ha trở lên khai thác cầm chừng lấy chi phí duy trì vườn cây.

Ở Công ty CP Ðầu tư xây dựng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2011, thời điểm CS được giá lên đến 90 triệu đồng/tấn, Công ty này mạnh dạn vay ngân hàng 700 tỷ đồng (lãi suất không dưới 4 đến 5 tỷ đồng/tháng) để mua 4.000 ha CS đang khai thác. Nay CS rớt giá, sản lượng mủ khai thác hằng ngày chỉ còn từ 1.000 đến 2.000 tấn mủ nước, bán ra không đủ trả lãi cho ngân hàng. Binh đoàn 15, đơn vị trồng CS lớn nhất địa bàn Tây Nguyên hiện đang tồn khoảng 15 nghìn tấn. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, tỉnh Gia Lai đọng ngót nghét gần 2.000 tấn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Siu Hoa cho biết: Công ty đang có 10 nghìn ha CS, trong đó có 6.000 ha kinh doanh. Khác với người dân trồng CS tiểu điền có thể ngừng khai thác khi giá xuống, Công ty vẫn phải trả lương cho công nhân nên phải vay tiền ngân hàng… Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Phạm Văn Hiền trăn trở: “Khó khăn của các công ty CS ở Tây Nguyên là do khâu tiêu thụ. Thị trường “truyền thống” rất bấp bênh, lúc mở cửa, lúc đóng”…

Tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước, câu chuyện thời sự hiện nay cũng là giá mủ CS. Giám đốc Công ty Trường Phát, ông Hải Văn xã An Ðiền (Bến Cát, Bình Dương), một doanh nghiệp chuyên mua mủ CS tiểu điền về chế biến thành mủ cốm cho biết, các DN chế biến mủ hầu như bị lỗ vì giá xuống thấp, khó tiêu thụ. Ông Văn cho biết thêm: Hai tháng nay chúng tôi lỗ mất 5 tỷ đồng.

Thông thường CS bắt đầu khai thác giữa tháng 4 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Ngay từ tháng 1 năm nay, giá CS vẫn ở mức 57 triệu đồng/tấn. Nhưng từ tháng 2 đến nay, giá liên tục giảm và thời điểm này tuy CS đã bước vào khai thác chính vụ nhưng giá thu mua ở các đại lý mủ nước dao động ở mức 296 – 310 đồng/độ (khoảng 39 đến 40 triệu đồng/tấn), so cùng kỳ năm ngoái giảm 100 đồng/độ. Ông Nguyễn Hoàng, người trồng 45 ha CS ở xã Phước Hòa (Phú Giáo, Bình Dương) than thở: Tôi mới bắt đầu cạo từ ngày 17/5 theo chế độ D3, tức một ngày cạo có 15 ha, thuê 15 công lao động cạo mủ, giảm tiền công từ 170 nghìn xuống còn 140 nghìn đồng/công cạo. Sản phẩm thu được bình quân khoảng 170 kg mủ nước và giá bán được 1,7 triệu đồng (310 đồng/độ, tức 10 nghìn đồng/kg). Mức lỗ thấy rõ. Chủ tịch HÐND xã An Ðiền (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Nông dân trồng nhỏ lẻ từ một đến hai ha, thu về 20 kg mủ/ha/ngày và bán ra được 200 nghìn đồng chỉ đủ trả tiền công cạo. Nên hiện nay nhiều gia đình ngừng cạo để dưỡng cây chờ lúc nào giá lên mới tính. Tại xã này, có khoảng 50% số hộ ngừng cạo trên tổng diện tích CS khai thác là 1.216 ha. Nhiều hộ trồng CS tiểu điền ở thôn 9, xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai) cũng đang đối mặt với khó khăn không kém. Giá mủ khô chỉ bán được 42 nghìn đồng/kg, còn mủ đông chỉ ở mức 8.000 đến 9.000 đồng/kg; trong khi năm ngoái, thời điểm này giá là 27 nghìn đồng/kg.

Thực tế khách quan, CS đã làm thay đổi nhiều vùng đất, nhiều gia đình từ nghèo khó nay vươn lên giàu có, nhất là người trồng CS ở Tây Nguyên. Chủ tịch HÐQT Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh Lê Ðức Tánh khẳng định: Trồng CS đến đâu thì Công ty luôn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân đến đó. Cùng với CS, chúng tôi triển khai chương trình kinh tế tổng hợp bằng cách cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, thâm canh cây trồng và chăm lo đời sống vật chất cho người dân, quan tâm tới việc nâng cao dân trí để bà con vừa có đời sống vật chất ấm no, vừa có đời sống tinh thần đầy đủ. Người công nhân đang làm giàu từ chính cánh rừng CS của mình.

Ðóng tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn 15 phấn đấu đưa diện tích CS lên hơn 30 nghìn ha. Cùng với việc mở rộng diện tích CS, Binh đoàn cũng chú trọng tạo việc làm cho người dân, ưu tiên tuyển dụng công nhân là người dân tộc thiểu số, như Công ty 75 có gần 10 nghìn ha CS và hơn 100 ha cà phê, tạo việc làm ổn định cho gần ba nghìn công nhân với hơn 50% là người dân tộc thiểu số, mức thu nhập bình quân hằng tháng hơn sáu triệu đồng.

Tâm lý của nông dân trồng CS hiện đang “nóng” lên vì giá thu mua thấp. Cần sớm có phương án hợp lý để giúp người trồng CS từng bước thu lại đúng giá trị sản phẩm mình làm ra, có thị trường tiêu thụ hiệu quả.

Theo Nhân dân

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây