Hợp nhất 3 ngân hàng tại TP HCM

Thứ hai - 05/12/2011 16:10 173 0
Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn là 3 ngân hàng đầu tiên được chấp thuận hợp nhất tự nguyện, theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sáng nay.
Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa là một trong 3 nhà băng được chấp nhận hợp nhất tự nguyện. Ảnh: Tuệ Minh.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chỉ định tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.

Ủy ban Nhân dân TP HCM sáng nay họp bàn cùng 3 ngân hàng và BIDV để có thể tiến tới ký kết các văn bản hợp nhất ngay trong ngày hôm nay.

 

 

 

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố thông tin trên tại cuộc họp giao ban báo chí của Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

"Bước đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, sáng nay Ngân hàng Nhà nước thông qua chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TP HCM là Đệ Nhất - Ficombank, Tín Nghĩa  thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB", Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Theo ông, 3 ngân hàng này thời gian qua gặp khó khăn về thanh khoản chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào, 3 ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán tạm thời.

"Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho cả 3 ngân hàng này, nên tình hình ổn hơn. 3 ngân hàng này đã họp và đi đến quyết định tự nguyện hợp nhất, để phát huy thế mạnh của nhau, hỗ trợ cho nhau, đồng thời tiết giảm chi phí vận hành nhằm tạo ra một ngân hàng mới vững mạnh hơn, với khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, mạng lưới rộng hơn", ông nói thêm.

Thống đốc Bình cho biết Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các phòng ban quan trọng. Với tư cách đại diện vốn Nhà nước, BIDV sẽ phải đảm bảo để ngân hàng sau hợp nhất không bị phá sản, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô cũng như chính trị, xã hội trên địa bàn TP HCM và cả nước.

"Quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp được đảm bảo, bởi thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho 3 ngân hàng này và sắp tới ngân hàng sau hợp nhất lại có sự tham gia của Nhà nước", Thống đốc cam kết.

Sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả ba ngân hàng, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước trong ngân hàng này.

"Chi phí xử lý 3 ngân hàng này chưa tính toán được, còn chờ quá trình đánh giá lại hoạt động của cả ba ngân hàng", Thống đốc nói.

Đây là 3 ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào tháng 10. Thống đốc Bình cho biết, đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được Chính phủ thông qua về mặt nguyên tắc và sớm trình Bộ Chính trị thời gian tới. Trong giai đoạn đầu tiên, từ nay đến hết quý I/2012, sẽ hoàn tất quá trình đánh giá lại và sắp xếp, phân loại các ngân hàng theo tình trạng sức khỏe, để có biện pháp xử lý phù hợp.

Trước khi thông tin hợp nhất ba ngân hàng được công bố chính thức hôm nay, đã có một loạt động thái chuẩn bị cho kế hoạch này. Đầu tiên là cam kết hỗ trợ thanh khoản của BIDV với Ficombank (hạn mức tín dụng là 5.000 tỷ đồng). Tiếp đó là thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết giữa Quỹ Đầu tư Australia Macquarie, tập đoàn tài chính đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 317 tỷ USD, với cả ba ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Sài Gòn (SCB) và Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Theo đó ông Lee George Lam, Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Dương của Macquarie Capital được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của ba ngân hàng trên. Macquarie Capital sẽ cố vấn về chiến lược kinh doanh mới của các ngân hàng này cũng như việc tìm kiếm cổ đông chiến lược, huy động vốn cũng như khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây