Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Thứ tư - 24/04/2024 16:16 65 0

 

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Hình thành vùng chuyên canh sắn

Tọa lạc tại huyện Tân Châu, hồ chứa nước Tha La được xây dựng năm 2005 từ đập dâng nước trên suối Tha La, hệ thống hồ điều tiết bằng đập cao su. Với dung tích hơn 27,4 triệu m3 nước, hồ có nhiệm vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.700 ha/vụ và nước phục vụ nhà máy sắn với lưu lượng 1.500 m3/ngày đêm.

Với dung tích hơn 27,4 triệu m3 nước, hồ có nhiệm vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp hơn 2.700 ha/vụ cho huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Phi.

Với dung tích hơn 27,4 triệu m3 nước, hồ có nhiệm vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp hơn 2.700 ha/vụ cho huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Phi.

Khi công trình đưa vào vận hành khai thác, từ những mảnh ruộng chỉ làm 1 vụ lúa/năm đã được người dân chuyển đổi thành những ruộng sắn xanh tốt. Từ huyện nghèo khó, giờ đây, Tân Châu được xem là thủ phủ cây sắn của tỉnh Tây Ninh với 20.000 ha. Những hộ sở hữu nhiều đất canh tác đã vươn lên khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Châu hiện chỉ còn 0,28% và số hộ cận nghèo còn 0,91%.

Anh Nguyễn Văn Giàu - một trong những nông dân sản xuất sắn giỏi tại địa phương cho biết, sắn là cây dễ trồng, chi phí đầu tư cho 1 ha sắn từ 20 - 30 triệu đồng, với giá từ 3.300 - 3.400 đồng/kg (30 chữ bột) như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí nông dân còn lợi nhuận vài chục triệu đồng/ha.
“Vụ vừa qua tôi trồng 10 ha sắn, thu hoạch được 350 tấn củ bán cho nhà máy, trừ các khoản chi phí, tôi còn lời được trên 700 triệu đồng”, anh Giàu phấn khởi nói.

Anh Nguyễn Văn Giàu phấn khởi với vụ mùa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Giàu phấn khởi với vụ mùa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Đoàn Quốc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Tân Châu, về cơ bản, hồ Tha La vẫn đáp ứng nhu cầu cấp nước, tuy nhiên, trải qua thời gian dài vận hành, một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt hạng mục đập cao su tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, có nhiều yếu tố diễn biến khó lường ảnh hưởng đến an toàn tổng thể công trình.

 “Sau khi đề xuất nâng cấp sửa chữa và được Bộ NN-PTNT phê duyệt, ngày 28/12/2023 dự án chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, nâng cấp, sửa chữa đập chính, xây dựng mới tràn xả lũ tại vị trí lòng sông cũ, xây dựng cầu giao thông qua tràn, hoành triệt cống xả đáy. Đồng thời, dự án còn sửa chữa kênh chính, nạo vét kênh tiêu Thạnh Đông…”, ông Trung chia sẻ.

Hướng tới công trình đa mục tiêu

Dù đang trong quá trình đầu tư nâng cấp sửa chữa, trước dự báo năm 2024 hạn hán diễn ra trên diện rộng, những ngày này, bên cạnh hàng trăm lượt công nhân đang tất bật thi công các hạng mục công trình dự án, Xí nghiệp Thủy lợi Tân Châu cử cán bộ thường xuyên kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa, mực nước và kênh tưới tiêu.

Dự kiến, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Tha La sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: Trần Phi.

Dự kiến, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Tha La sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: Trần Phi.

Theo dự kiến, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Tha La sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động vào năm 2025, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân và mở rộng vùng cung cấp nước cho nhà máy nước ở huyện Tân Châu với công suất 20.000 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, dự án còn tạo cảnh quan kiến trúc góp phần phát triển du lịch của huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung, cải thiện môi trường sinh thái khu vực dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.

Ông Lê Anh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, những năm qua, tỉnh Tây Ninh chú trọng hoàn thiện hạ tầng thủy lợi giúp ngành nông nghiệp chủ động được nguồn nước tưới, tiêu để canh tác các loại cây trồng phù hợp. Bên cạnh nâng cấp, sửa chữa hồ Tha La, năm 2023 vừa qua, Tây Ninh cũng đã đưa vào vận hành khai thác dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ với lượng nước phong phú, dồi dào, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân quanh năm; đồng thời, với hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới tự chảy, người dân rất thuận lợi trong việc dẫn nước vào cánh đồng.

Năm 2023, Tây Ninh cũng đã đưa vào vận hành khai thác dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Phi.

Năm 2023, Tây Ninh cũng đã đưa vào vận hành khai thác dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Phi.

“Dù có kết quả tích cực từ hệ thống thủy lợi, nhưng ngành NN-PTNT tỉnh vẫn dự báo giữa cuối năm 2024 có thể thiếu nước tưới tại một số khu vực có địa hình cao hơn mực nước dâng bình thường của hồ Dầu Tiếng như: cánh đồng Khedol (thuộc xã Thạnh Đông, TP Tây Ninh và xã Phan, Suối Đá, huyện Dương Minh Châu). Ngành NN-PTNT chủ động tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng thủy lợi, hướng dẫn người dân có kế hoạch sản xuất linh hoạt để ứng phó với tình trạng khô hạn”, ông Lê Anh Tâm nhấn mạnh.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây