Kết quả thực hiện quý I, phương hướng quý II năm 2023 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ sáu - 07/04/2023 11:49 290 0

Bước sang năm 2023, năm được xem là nền tảng, động lực phát triển của cả giai đoạn 2021 – 2025. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm công tác chỉ đạo điều hành được Lãnh đạo Sở quan tâm, chủ động triển khai quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-SNN ngày 31/01/2023 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch năm 2023 của ngành Nông nghiệp và PTNT để thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 07/01/2023. Một số kết quả đạt được trong quý I năm 2023 như sau:

          Sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, chủ yếu tập trung gieo trồng vụ Đông Xuân với tổng diện tích cây ngắn ngày được xuống giống 100.264 ha bằng 94,2% so với kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ, nhất là rau các loại có diện tích gieo trồng tăng 8,4% so với cùng kỳ. Triển khai 13 mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất cây trồng, bám sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng; tình hình dịch bệnh trên cây trồng ở mức nhiễm nhẹ không ảnh hưởng lớn đến năng suất của cây trồng.

          Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định và đúng hướng, trên địa bàn tỉnh hiện có 627 trang trại chăn nuôi gia súc (tăng 02 trang trại so với cùng kỳ), số lượng vật nuôi tăng so với cùng kỳ, nhất là heo đạt gần 232 con, tăng 6,1% so với cùng kỳ, bò đạt 103.300 con, tăng 3,3% so cùng kỳ; giá sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định. Trong quý không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023; đã triển khai thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1, kết quả cung ứng vắc xin cho các Trạm thú y các địa phương là 891.580 liều vắc xin các loại, tiêm phòng được 57.569 liều vắc xin các loại; công tác tiêu độc khử trùng, kiểm dịch động vật xuất tỉnh được thực hiện thường xuyên. Công tác cấp giấy an toàn dịch bệnh luôn được thực hiện thường xuyên, đã cấp giấy chứng nhận ATDB cho 03 cơ sở chăn nuôi heo, 01 cơ sở chăn nuôi gà.

        Đã thẩm định, cho ý kiến kịp thời và đúng quy định 60 dự án với 83 nhà yến xin xây, trong đó có 13 nhà yến phù hợp, 02 nhà yến không phù hợp, 68 nhà yến đang lấy ý kiến các huyện về vị trí đề nghị xây dựng nhà yến. Hiện nay, tỉnh có 683 nhà yến đang hoạt động, có 386 dự án nhà yến đã được thẩm định, đã và đang thực hiện xây dựng và một số đã hoạt động.

         Nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng với diện tích thả nuôi mới 48,99 ha, đạt 8,5% so KH và bằng 90,7% so CK.        

       Công tác trồng 436 ha rừng và chăm sóc 533 ha rừng trồng phòng hộ và rừng đặc dụng được triển khai thực hiện theo kế hoạch; bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt, rừng phát triển ổn định. Phương án PCCCR được các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra 03 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 6,2 ha trên địa bàn huyện Tân Biên và Tân Châu (tăng 03 vụ so với CK). Ngăn chặn và xử lý kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về Luật Lâm nghiệp, trong quý xảy ra 35 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp tại 02 huyện Tân Biên, Tân Châu (tăng 16 vụ so với CK); đã điều tra, xác minh xử lý hành chính 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách trên 54 triệu đồng. Thực hiện các nội dung theo Kết luận số 1897/KL-UBND ngày 17/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; kết quả đã thực hiện xong 09/10 nhiệm vụ, còn việc thu hồi số tiền đã chi cho các hộ dân không đúng quy định được 35.033.000 đồng/50.537.000 đồng, còn lại 15.504.000 đồng/50.537.000 đồng, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã thu hồi xong và đang làm thủ tục để nộp trả ngân sách nhà nước.

Công tác thủy lợi được tập trung thực hiện trong giai đoạn mùa khô đảm bảo không thiếu nước phục vụ sản xuất bằng cách điều tiết nước tưới hợp lý, thực hiện các biện pháp tiết kiệm trên toàn hệ thống. Kết quả ký hợp đồng phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2022-2023 với 33.442,6 ha/31.632, đạt 79,63% so kế hoạch, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Triển khai Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, kinh phí thực hiện UBND tỉnh đã giao về 9 huyện, thị xã, thành phố, hiện chưa có đơn vị tham gia hỗ trợ.

       Tổng vốn kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2023 là 105.550 triệu đồng (ngân sách Trung ương 27.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 78.550 triệu đồng), thực hiện 30 dự án, khối lượng thực hiện và giải ngân từ đầu năm đến hết quý I: 16.210 triệu đồng, đạt tỷ lệ 25%. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I/2023.

       Các hệ thống cấp nước sạch nông thôn tập trung thường xuyên được tu dưỡng, số hộ dân sử dụng nước sạch tăng thêm khoảng 527 hộ, nâng tổng số hộ lên 20.965 hộ; khối lượng nước tiêu thụ của các hộ đạt 539.685 m3 (tăng 5% so với CK); doanh thu trong quý ước đạt 3.016 triệu đồng (tăng 10,7% so với CK).

       Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai thực hiện, Báo cáo trình UBND tỉnh về kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt chuẩn của 06 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã NTM nâng cao và 02 xã NTM kiểu mẫu năm 202. Đồng thời, thực hiện báo cáo Tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phục vụ công tác Kiểm toán Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

       Tham mưu Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023; hướng dẫn sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP đối với các sản phẩm OCOP năm 2022. Lũy kế đến nay, tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 trở lên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm vào các chuỗi tiêu thụ ổn định, bền vững và quảng bá thương hiệu thông qua các Hội nghị triển lãm thương mại OCOP nhằm tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản thế mạnh của tỉnh.

       Đã thành lập mới 02 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 115 hợp tác xã nông nghiệp. Có 04 HTX (HTX Cây ăn trái Bàu Đồn, HTX Xoài Tứ quý Thạnh Bắc, HTX nông nghiệp Truông Mít, HTX Chà Là) đăng ký tham gia tập huấn tập huấn sử dụng phần mềm theo dõi và phản hồi thông tin chính sách hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt nhất là Nghề thủ công truyền thống làm muối ớt Tây Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 230/QĐ-BVHTTDL ngày 14/02/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

       Việc xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư được thực hiện thường xuyên, đã phối hợp triển khai Kế hoạch tổ chức Lễ hội quảng bá “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I năm 2023.

       Các chính sách dần được người dân tiếp cận, phát huy hiệu quả hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất theo hướng bền vững và gia tăng giá trị. Trong quý I, đã tổ chức kiểm tra và chi kinh phí hỗ trợ 07/07 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ lãi vay trong năm 2020, 2021 theo quy định; ước giải ngân kinh phí theo thực tế kiểm tra là 1.120/2.400 triệu đồng, đạt 47% kinh phí giao; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ 07 dự án năm 2023 với tổng kinh phí là 1.800 triệu đồng.

       Các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ ngày càng được quan tâm xây dựng và củng cố, thực hiện tổ chức họp thanh toán kinh phí hỗ trợ liên kết cho nông dân của 07 Tổ hợp tác Lúa Vàng Việt tại huyện Châu Thành, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện 06 dự án được phê duyệt mức hỗ trợ năm 2021 và 2022; hướng dẫn 03 dự án hỗ trợ liên kết có nhu cầu thực hiện dự án hỗ trợ các chính sách theo quy định.

       Công tác thanh tra được triển khai quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm 23 trường hợp với tổng số tiền 880.150.000 đồng, chuyển 02 hồ sơ vi phạm về an toàn thực phẩm cho Sở Công Thương và Sở Y tế xử lý.

       Việc thực hiện chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2023, đã cấp mới 01 mã số vùng trồng nội địa khoai mì tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh với diện tích 05 ha; hoàn chỉnh hồ sơ cấp mã số cho 05 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 128,9 ha; đang hướng dẫn vùng trồng chanh không hạt với diện tích 23,59 ha tại huyện Tân Biên hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Châu Âu.

       Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành cũng gặp một số khó khăn về thời tiết khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào, công lao động tăng mạnh dẫn đến chi phí sản xuất nông sản tăng cao.

       Trong quý II năm 2023, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2023, trên cơ sở các nhiệm vụ theo chỉ đạo trong chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình công tác của UBND tỉnh, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

(1) Tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 theo Quyết định số 31/QĐ-SNN ngày 31/01/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT; các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 thực hiện kịp tiến độ và đúng quy định.

(2) Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống, điều kiện sản xuất của dân cư nông thôn.

(3) Theo dõi tiến độ, triển khai thực hiện 30 dự án theo KH vốn XDCB được giao, nhất là dự án trọng điểm: Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2, Trạm bơm Tân Long huyện Châu Thành, Sửa chữa hồ chứa nước Tha La huyện Tân Châu. Nâng cao năng suất hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

(4) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

(5) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mô hình khuyến nông, tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ và thực hiện hiệu quả hoạt động khuyến nông làm nền tảng cho chuyển đổi số trong nông nghiệp.

(6) Hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý của các công ty nông nghiệp, triển khai thực hiện Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu sau khi được UBND tỉnh phê duyệt để tạo quỹ đất công thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

(7) Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

(8) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Ngành. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong Tháng hành động, định kỳ và đột xuất./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây