Nhiều người bên ngoài nhìn vào ngành chăn nuôi thì cảm tưởng là bình yên nhưng thực tế lại đang xảy ra bão ngầm đúng không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Đúng vậy. Ngành chăn nuôi của ta chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Tôi làm quản lý ngành chăn nuôi bao nhiêu năm (ông Nguyễn Xuân Dương là nguyên quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - PV) kể cả lúc dịch lớn nhất như lợn tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm nhưng tất cả đều có lý do cụ thể để xã hội cùng chia sẻ. Hồi ấy tuy dịch bệnh nhưng thị trường tốt, đầu vào tốt nên chúng ta chống đỡ được. Lúc đó cả xã hội đều tập trung vào phòng chống dịch, có thời kỳ như năm 2017 lợn xuống giá thì mọi người lại giải cứu.
Còn bây giờ hiện trạng yếu kém của ngành chăn nuôi tích tụ bởi nhiều lý do, đặc biệt là hội nhập khiến cho chăn nuôi đang trở thành ngành kinh tế yếu thế nhất trong khu vực nông nghiệp. Trong khi dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào, nhất là dịch tả lợn Châu Phi.
Thứ nữa Covid-19 làm đứt gãy chuỗi toàn cầu mà nhất là chuỗi cung cấp thức ăn. 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tổng thể, 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong khu công nghiệp của ta phải nhập khẩu. Giá lên thì ngành chăn nuôi phải hứng chịu.
Thêm vào đó, khi Covid xảy ra, sản phẩm chăn nuôi của ta tiêu thụ rất khó vì chủ yếu là hàng tươi sống, có giết mổ và lưu thông được đâu, trong khi con vật thì hàng ngày vẫn phải ăn. Những cái khó cứ tích tụ lại và hội chứng lớn nhất bây giờ là không gian chăn nuôi của Việt Nam vốn đã không rộng nay càng bị thu hẹp hơn, thị trường không còn nữa…
Trong khi nguồn cung sản phẩm chăn nuôi ở trong nước tăng lên nhưng sức mua lại không tăng và cũng không xuất khẩu được. Cộng vào đó là lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ 2-3 năm trở lại đây tăng khủng khiếp. Trước kia vẫn có chuyện nhập khẩu nhưng chưa bao giờ thịt lợn nhập khẩu vượt quá 5.000 tấn/năm; giờ đã gần 300.000 tấn móc hàm/năm, quy ra lợn hơi khoảng gần 400.000 tấn, chiếm trên 10% lượng thịt lợn sản xuất trong nước, đó là chưa kể số lượng lợn nhập khẩu tiểu ngạch không thống kê được. Về gia cầm, trước chỉ nhập khẩu 80.000-90.000 tấn/năm, giờ khoảng trên 250.000 tấn/năm, quy ra cỡ 350.000 tấn hơi, vậy nhập khẩu đã chiếm tới 25-27% so với sản xuất trong nước rồi.
Về nhóm thịt gia súc ăn cỏ cũng không ngừng gia tăng. Ngoài các loại thịt và phụ phẩm (móng vó, tim, nội tạng khác) ở dạng đông lạnh và lượng bò sống nhập từ Úc về khoảng 500.000 con/năm để vỗ béo, giết thịt bằng con đường nhập khẩu chính ngạch thì còn một lượng lớn trâu, bò nhập khẩu tiểu ngạnh (nhập lậu) không thể thống kê được.
Ước tính lượng thịt trâu, bò, dê, cừu nhập khẩu đang chiếm tới trên 60% thị trường trong nước là nguy cơ quá cao với ngành chăn nuôi nhất là nông hộ. Chỉ cách đây 2-3 năm, mỗi con trâu, bò nông dân nuôi đến tuổi xuất chuồng cỡ 24-30 tháng, bán được 25-30 triệu đồng/con. Thịt của chúng rất ngon và là nguồn thu nhập chính của nông dân nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc thì hiện nay giá giảm chỉ còn 12-15 triệu/con, thua lỗ nặng.
Có rất nhiều thông tin về trâu bò được nuôi vỗ bằng chất tăng trọng rồi nhập vào Việt Nam hay thực phẩm đông lạnh cận date, quá date, phụ phẩm nhập về không chỉ tàn phá ngành chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến cả chất lượng giống nòi của người Việt. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Nguy cơ đó là rất cao. Từ chuyện bò nuôi vỗ béo bằng salbutamol ở nước ngoài rồi nhập về hay nhập bò về nuôi vỗ béo kèm theo những gói salbutamol. Gà loại thải như gà nguyên con nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, họ không dùng làm thực phẩm mà bán về ta chỉ với giá khoảng 20.000 đồng/con, về đến biên giới thành 40.000 đồng/con, vào trong nước bán 50.000-60.000 đồng/con, quả là siêu lợi nhuận. Ngoài sản phẩm gà thải loại, còn không ít sản phẩm gia cầm đông lạnh là lục phủ ngũ tạng như lòng mề, chân, cổ, cánh… nước ngoài coi là phụ phẩm nhưng lại đưa về ta làm thực phẩm.
Tương tự như gia cầm, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu chính ngạch cũng phần lớn là thứ phẩm của lò mổ như nội tạng, thủ, móng giò… Ngoài ra còn một khối lượng lớn lợn sống được nhập vào theo dạng tiểu ngạch (nhập lậu) khoảng 7.000-10.000 con/ngày mà chất lượng cũng không biết thế nào. Có những loại lợn mà giá bán tại thời điểm này ở cửa khẩu chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/kg thì chỉ là bị bệnh.
Còn đối với thịt gia súc ăn cỏ nhất là thịt trâu đông lạnh từ Ấn Độ nhập chính ngạch vào ta rất nhiều nhưng thực tế trên thị trường thì có thấy chỗ nào chào bán thịt trâu Ấn Độ đâu mà toàn bán dưới dạng thịt bò hết. Nhiều nước Tây Á họ không ăn thịt trâu, bò mà chỉ nuôi lấy sữa, đến khi loại thải thì giết thịt, bán sang ta với giá vô cùng rẻ như chủ cơ sở giết mổ Vinh Anh ở Hà Nội phản ánh thịt đông lạnh họ nhập về gửi kho, có lúc chào giá chỉ có 30.000-35.000 đồng/kg thì lấy đâu ra chất lượng? Với giá bán thế thì ngành chăn nuôi của ta làm sao chịu nổi?
Những thực phẩm kém chất lượng, là thứ phẩm khi nhập về dùng làm thực phẩm chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Trong khi đó thịt, trứng, sữa ở trong nước chúng ta đang yêu cầu người chăn nuôi phải làm đúng quy trình, quy phạm chặt chẽ lại nhập về những sản phẩm như vậy rõ ràng là người chăn nuôi không được bảo vệ và người tiêu dùng Việt Nam thì không có cơ hội được sử dụng những loại thực phẩm tốt.
Tình hình tự vệ thương mại của ta như thế nào với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Hiện có 27 nước được phép xuất khẩu các loại thịt vào ta, còn Việt Nam mới chỉ được phép xuất khẩu thịt đi 4 nước, vùng lãnh thổ như Nhật, Nga, Singapore, HongKong… Nhưng hàng rào kỹ thuật của họ rất cao, như Nhật phải qua xử lý nhiệt, chế biến rất khắt khe mà ta khó vào được. Còn ta thì hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật nào đáng kể mà mới chỉ dựa vào các quy định chung nhất của OIE trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh mà thôi.
Vừa rồi tôi có làm việc với đối tác của Pakistan, người ta nói nước họ có đàn bò sữa tới 4,6 triệu con mà dân họ không ăn thịt bò, rất muốn xuất sang Việt Nam. Nếu mà đàm phán được thì chắc một lượng thịt bò sữa loại thải khổng lồ sẽ được xuất sang ta, cùng với thịt trâu sữa loại thải của Ấn Độ nữa thì không biết điều gì sẽ xảy ra với ngành chăn nuôi trong nước. Nếu không có hàng rào kỹ thuật, không có biện pháp tự vệ thương mại phù hợp thì tôi nghĩ rằng các loại sản phẩm chăn nuôi sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam trong thời gian tới. Bởi vì, hiện thuế nhập khẩu thịt lợn, gia cầm còn 15-17% nhưng chỉ 5 năm nữa sẽ về 0 theo các cam kết FTA, mà không có hàng rào kỹ thuật, không có đối sách phù hợp thì làm sao có thể cản được.
Tôi cảm thấy hình như nhiều người làm chăn nuôi ở Việt Nam chưa thực sự nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề này. Nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng lĩnh vực chăn nuôi phải thấy đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi thì may ra mới có thể tự vệ được. Không nói đâu xa, kinh nghiệm của Thái Lan, Trung Quốc cũng từng lâm vào tình trạng này nhưng họ đã tháo gỡ được bằng các hàng rào kỹ thuật, thậm chí có khi họ còn phải mượn vào ý kiến phản đối của người dân để từ chối các đối tác trong đàm phán.
Tôi nhớ khi còn làm lãnh đạo Cục Chăn nuôi có lần tham gia các đoàn đi đàm phán về mở cửa thị trường cho sản phẩm của mình xuất vào họ, rất khó được tiếp cận với các cỡ lãnh đạo có thể quyết định đến nội dung đàm phán như thứ trưởng, cục trưởng. Người ta cứ dần dà khiến cho mình nản. Ngoài những quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật thì họ còn tạo thêm những khó khăn trong kỹ thuật đàm phán như khó gặp, khó hẹn rồi một thời gian là đối tác buông, bỏ.
Ví như năm 2017, giá lợn thịt của mình chỉ 20.000-30.000đồng/kg, trong khi nước bạn là 70.000-80.000đ nhưng khi đoàn mình sang thì ở trung ương bạn nói là các đồng chí cần làm việc trước với các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới để họ đề xuất yêu cầu lên thì chúng tôi mới có căn cứ xử lý; Nhưng khi về làm việc với các tỉnh biên giới thì họ lại nói là vấn đề này phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan chứ chúng tôi thì thấy là quá cần. Rồi cơ hội cũng qua đi, chỉ còn khó khăn thì vẫn ở lại với người chăn nuôi.
Hay đơn cử là quy định về số cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào các nước cũng rất hạn chế. Ví dụ nước Mỹ rộng lớn như thế, nhưng chỉ có 3 cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào nhưng Việt Nam thì cứ chỗ nào có cửa khẩu đường biển, đường bộ, đường không gọi là cửa khẩu chính hoặc có thể tiếp nhận được vật nuôi là đều được phép nhập khẩu.
Thảm cảnh của ngành chăn nuôi hiện nay ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong nước thì nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn, trang thiết bị chuồng trại, thuốc cho ngành chăn nuôi phụ thuộc vào nước ngoài. Sản xuất ra không có thị trường bởi nhập luôn cả sản phẩm chăn nuôi. Đã không có thị trường thì nói gì đến sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững nữa? Bây giờ đa số các lĩnh vực trong ngành chăn nuôi như các sản phẩm thịt của ta đều gặp áp lực lớn, trừ sữa và trứng nhưng nếu trứng không kiểm soát tốt cũng sớm bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu. Nhiều chủ trại giờ sổ đỏ không còn, đất không còn, nhà cũng không còn. Trước đây, khi nhìn thấy mình thì họ rất phấn khởi, giờ nhìn thấy chỉ còn cười buồn. Sau bao nhiêu năm tích lũy nhờ chăn nuôi, rất nhiều người đã thành tay trắng.
Vừa rồi, tôi gặp một số cán bộ công an, quản lý thị trường họ cho xem các video và trao đổi là: “Các anh có thể không biết việc này, rất nhiều kho trong các khu công nghiệp đã trở thành kho đông lạnh trữ thịt nhập khẩu”. Tôi nghe mà choáng. Nhiều lò mổ của ta cũng không thể cạnh tranh được với thịt đông lạnh nhập khẩu mà buộc phải bắt tay để tiêu thụ. Trước đây chúng ta hi vọng người Việt với thói quen chỉ ăn thịt nóng thôi, không có thói quen ăn thịt lạnh nên không sợ hàng nhập khẩu. Nhưng tôi cho rằng điều này chưa hẳn đúng vì nó chỉ có tính chất lịch sử.
Quả thực như vậy, đặc biệt là trong thời gian có dịch Covid, khi chúng ta không giết mổ được vì không thể đáp ứng được các quy định ba tại chỗ hay một cung đường hai điểm đến thì thịt nhập khẩu đông lạnh lại có lợi thế dễ lưu thông và bảo quản. Rồi người tiêu dùng sử dụng mãi thịt đông lạnh cũng thành quen, nhất là đối với các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học việc sử dụng thịt đông lạnh đã trở thành phổ biến. Nhưng hiện nay chưa có nghiên cứu đánh giá nào về vấn đề này. Thiết nghĩ Bộ NN-PTNT hoặc Bộ Công thương cần sớm có điều tra đánh giá đúng thực trạng về cơ cấu tiêu dùng các loại thịt của người dân, đề đưa ra các giải pháp sản xuất, cung ứng phù hợp.
Để xảy ra hiện trạng này, lỗi chính theo ông là do đâu?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Thứ nhất là khâu kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa có hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại phù hợp trong nhập khẩu chính ngạch và chưa kiểm soát được vấn đề nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu). Thứ hai là công tác giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế, chưa cảnh báo được cho người tiêu dùng biết về tác hại của những loại thịt nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và ATTP. Thứ ba là công tác kiểm soát giết mổ còn rất nhiều hạn chế.
Giết mổ là ngành kinh doanh có điều kiện, ngoài đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y và ATTP thì con vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng từ trại nào, trại đó có đảm bảo an toàn dịch bệnh và thực phẩm không. Nhưng hiện nay đã có mấy cơ sở giết mổ làm được điều này? Nếu các cơ sở giết mổ kiểm soát được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào thì sẽ giúp cho công tác kiểm soát nhập lậu gia súc, gia cầm tốt hơn vì không có cơ sở trong nước tiêu thụ thì cũng không còn việc nhập lậu từ biên giới nữa.
Tóm lại, nếu chúng ta không kiểm soát được tình hình nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì chỉ 5-7 năm nữa là Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu các sản phẩm chăn nuôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh dinh dưỡng của đất nước mà còn là sinh kế của bao nhiêu doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và ý tưởng muốn Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” cũng khó trở thành hiện thực.
Sản phẩm và vật nuôi sống nhập tiểu ngạch đang gây ra ba nguy cơ lớn với chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước: Một là phá thị trường bởi đã nhập lậu thì trốn mọi thứ và sẽ bán vô tội vạ, giá nào cũng bán. Hai là không kiểm soát được dịch bệnh. Hầu hết các dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam do từ nước ngoài đưa vào như cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi. Ba là không kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như sử dụng chất cấm.
Tác giả: So Nong Nghiep
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc