Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025

Thứ ba - 11/02/2025 10:59 79 0

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ lớn của dân tộc.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 23/01/2025 về việc ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 47/QĐ-SNN ngày 05/02/2025 ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thị trường nông nghiệp bền vững, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Theo đó, Ngành phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

pp1

  • Bên cạnh đó, Ngành hoàn thành 07 nội dung mới trong Chương trình công tác năm 2025 của UBND tỉnh giao.

Để đạt các chỉ tiêu trên, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở xây dựng Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025 theo từng lĩnh vực phụ trách và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, đúng tiến độ, đúng quy định, trong đó tập trung 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:

pp 2

Cụ thể như sau:

1. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị gia tăng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thu hút các dự án đầu tư nhất là phát triển mạnh đàn vật nuôi; phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh. Phấn đấu, tổng diện tích gieo trồng đạt 385.200 ha, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 11,9 con, trong đó gia súc 661.000 con (đàn heo 550.000 con, đàn bò 102.000 con), gia cầm 11 triệu con và chăn nuôi khác 310.000 con.

2. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn: hoàn thành công nhận thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (phấn đấu cuối năm 2025, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%). Phấn đấu có thêm từ 20 – 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 03 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 03 sản phẩm tiềm năng đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao; có giải pháp thúc đẩy phát triển mở rộng quy mô sản xuất và thị trường sản phẩm OCOP 4 sao trở lên. Tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn có tiềm năng; hướng dẫn, công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên: tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phấn đấu hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trọng điểm của tỉnh: Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2; dự án sửa chữa hồ Tha La, huyện Tân Châu; dự án trạm bơm Tân Long, huyện Châu Thành. Tiếp tục theo dõi, xúc tiến dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (vay vốn ADB) và thực hiện các bước tiếp theo sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy PTDS, PCTT và TKCN các cấp; ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai tại cộng đồng, giảm thiệt hại về người, tài sản, sản xuất do thiên tai gây ra. Phấn đấu tăng tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 72%.

4. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chiến lược phát triển Ngành: kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực trạng và xu hướng phát triển nông nghiệp của địa phương; tiếp tục tuyên truyền, triển khai đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng thêm 02 chính sách.

5. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và khuyến nông: triển khai thực hiện 11 mô hình khuyến nông. Phối hợp tốt với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc... trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất giống khoai mì có tính kháng bệnh tốt.

6. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân: đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; thành lập thêm 03 hợp tác xã; duy trì hoạt động có hiệu quả và hỗ trợ thành lập mới các Hội quán phát triển sản xuất. Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo hướng giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh.

7. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kết nối vùng: đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết phát triển vùng, chương trình hợp tác trong phát triển nông nghiệp với Viện, Trường, Trung tâm và các tỉnh Bình Phước, Long An, TP.HCM...; dự kiến tham gia 14 hội chợ và sự kiện xúc tiến thương mại.

8. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2025; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin phản ánh của người dân, cơ quan chức năng toàn diện trên các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT và xử lý nghiêm đúng quy định các trường hợp vi phạm.

9. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: xây dựng và triển khai thực hiện: Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2025; Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2025. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND và chính sách thu hút lao động trẻ về làm việc tại các Hợp tác xã nông nghiệp theo Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023; xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC trong Ngành năm 2025, xem xét, cử CCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch năm 2025.

10. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Ngành: hoàn chỉnh đề án hợp nhất Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, tham mưu UBND tỉnh/Giám đốc Sở ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở. Tăng cường công tác CCHC, đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến. Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2023-2025; Đề án mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh./.

 (Toàn văn Quyết định số 47/QĐ-SNN ngày 05/02/2025 xem file đính kèm)./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây