Phóng sinh: Tạo phước hay Tạo nghiệp?

Thứ năm - 16/01/2025 16:48 9 0

Phóng sinh được hiểu là việc giải thoát, cứu mạng các loài vật, trả chúng về với cuộc sống tự nhiên. Nếu làm đúng nghĩa, đúng thực chất thì đây là một hành động đẹp, một nét văn hoá trong đời sống, nhưng điều đáng nói là việc làm này đang bị biến tướng lợi dụng để kinh doanh, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Tích phước đâu chưa thấy, chỉ thấy hậu quả để lại sau những đợt phóng sinh dịp lễ tết là hàng ngàn chú chim phải bỏ mạng do bị sang tay liên tục từ người này sang người khác, cứ hết thả rồi bắt, bắt rồi thả…

Người mua chim phóng sinh vì nguyện ước, người bắt chim, bán chim vì mưu sinh. Tuy nhiên người bán lẫn người mua không nghĩ rằng làm như thế là ảnh hưởng môi trường tự nhiên, là vi phạm pháp luật. Tại sao chúng ta lại kiếm kế sinh nhai bằng công việc bẫy, bắt và bán chim phóng sinh mà không làm một công việc khác bằng chính sức lao động của mình, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Do chưa hiểu đúng mục đích ý nghĩa của việc phóng sinh dẫn đến nhu cầu mua chim để phóng sinh ngày càng nhiều nhất vào các dịp lễ, tết lớn trong năm vô tình tạo ra nhu cầu săn bắt trái phép để bán, mua, để thả, thả xong lại bắt… phần lớn chúng sẽ chết và những con sống được thì dễ bị bắt lại không những không tạo phước mà còn tạo tội, tạo nghiệp, vi phạm pháp luật (về các hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái pháp luật).

Chi cục Kiểm lâm bắt quả tang hành vi vận chuyển mua bán chim hoang dã để phóng sinh

Điển hình một sự việc xảy ra ngày 12/01/2025, cơ quan Kiểm lâm nhận được tin báo về việc có người thực hiện hành vi vận chuyển mua bán nhiều chim hoang dã để phóng sinh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, tổ chức truy tìm, đến ngày 14/01/2025, Đội Kiểm lâm cơ động phối hợp Hạt kiểm lâm liên huyện Châu Thành – Bến Cầu đã xác định bà Phạm Thị Cẩm Nhung, ngụ tại: ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, là người đã thực hiện hành vi vận chuyển mua bán chim hoang dã nói trên. Ngay sau đó, cơ quan Kiểm lâm đã bắt quả tang bà Phạm Thị Cẩm Nhung đang có hành vi mua bán động vật hoang dã trái pháp luật tại miếu Ông Đá, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, tang vật phương tiện vi phạm gồm có 180 cá thể chim hoang dã phóng sinh và 02 lồng sắt để nhốt 180 cá thể chim. Tại cơ quan Kiểm lâm, qua làm việc bà Nhung cho biết nguồn gốc số chim trên mua lại của người đàn ông đi bẫy chim tên Tý ở khu vực Tân Châu với giá 6.000 đồng/con để đem đến các Chùa chiền, cơ sở thờ tự bán lại cho người dân phóng sinh kiếm tiền lời, cơ quan Kiểm lâm đã lập biên bản vi phạm hành chính để tiếp tục mở rộng điều tra, cũng cố hồ sơ xử lý nghiêm vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời lập biên bản thả về môi trường tự nhiên 180 cá thể chim hoang dã trên.

Chi cục Kiểm lâm thả về môi trường tự nhiên 180 cá thể chim hoang dã

 

Hình ảnh: Bà Phạm Thị Cẩm Nhung cùng tang vật vi phạm

 Với hành vi vi phạm của mình, bà Nhung đã bị Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành – Bến Cầu ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ).

Theo quy định hiện nay, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã… Thì tùy theo tính chất mức độ:

Sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 400 triệu đồng hoặc trị giá tang vật thấp nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật... “Theo quy định tại Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Bộ luật Hình sự”.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Công văn số 6461/BNN-TCLN ngày 27/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Thời gian tới, cơ quan Kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các chùa, miếu và các nhà hàng, quán ăn, các khu vực trọng điểm có dấu hiệu quảng cáo, mua bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xảy ra.

          Cơ quan Kiểm lâm khuyến cáo đến tất cả người dân sống trên địa bàn, không thực hiện các hành vi mua bán chim, động vật hoang dã trái phép để phóng sinh hoặc chế biến làm thức ăn, khi phát hiện đối tượng nào có hành vi vi phạm, báo ngay với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, số điện thoại 02763.821.525, để kịp thời ngăn chặn xử lý theo quy định của pháp luật./.

                                                                                                                                                   Chi cục Kiểm lâm 

Tác giả: Lam nghiep -cckl

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây