Kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025

Thứ sáu - 22/09/2023 08:01 531 0
BTNO - Phát biểu kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, hôm 19.9.2023.

1. Kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh

Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, ngoài dự báo của Đại hội XI, nổi lên là: đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, gây hậu quả trực tiếp, rất nặng nề tại tỉnh ta; xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược trên thế giới ngày càng gay gắt gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai... gây tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình trong nước và của tỉnh.

Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tỉnh uỷ đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện khá đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của Đảng; đồng thời, cùng với cả nước chung sức, đồng lòng tập trung phòng, chống và từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội đem lại những kết quả quan trọng.

- Tỉnh uỷ đã ban hành và cập nhật bổ sung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI theo hướng cụ thể, sát hợp với mục tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết và điều kiện thực tế địa phương; phân công, chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được 80/97 nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra;

Đồng thời, đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, làm cơ sở triển khai lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn Đảng bộ.

- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hệ thống tổ chức của Đảng, bộ máy chính quyền và các cơ quan mặt trận - đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, củng cố, kiện toàn từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ chính trị ở tất cả các cấp, các ngành, các địa bàn, lĩnh vực; các giải pháp, đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng đã được ban hành, triển khai sớm từ đầu nhiệm kỳ bước đầu phát huy được hiệu quả; các chỉ tiêu về xây dựng Đảng cơ bản đạt kế hoạch, chú trọng hơn về chất lượng.

- Trong điều kiện khó khăn, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh; đến nay nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế nền tảng cơ bản, công nghiệp - xây dựng là khu vực giữ vai trò chủ lực, khu vực thương mại - dịch vụ là điểm sáng với sự bứt phá của lĩnh vực du lịch mà trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Tăng trưởng kinh tế góp phần tiếp tục cải thiện thu nhập - mức sống của người dân; thu, chi ngân sách đảm bảo dự toán, bố trí đủ kinh phí cho các yêu cầu, nhiệm vụ, hoạt động của hệ thống chính trị, nền kinh tế; huy động tổng đầu tư xã hội đạt kế hoạch (trên 36% GRDP).

- Chỉ đạo tập trung công tác lập quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tây Ninh đến năm 2040… nhằm tạo cơ sở định hướng pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển lâu dài.

Tích cực phối hợp, triển khai hợp tác, liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ với trọng tâm là kết nối giao thông (quyết liệt phối hợp, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; triển khai đầu tư đường liên tuyến N8-ĐT.787B-ĐT.789; hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường Đất Sét - Bến Củi kết nối Bình Dương) tạo động lực lan toả phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quan tâm thúc đẩy các hoạt động kết nối trong lĩnh vực thương mại, du lịch nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương và thu hút du khách.

- Hệ thống y tế, giáo dục đã chống chịu và vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, củng cố, khôi phục hoạt động, duy trì cung cấp dịch vụ cơ bản, từng bước ổn định. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quan tâm, chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, nhất là đối với gia đình có công với cách mạng; triển khai các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

- Lãnh đạo các lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp, triển khai tốt nhiệm vụ chính trị, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện có kết quả công tác quân sự - quốc phòng và an ninh tại địa phương. Xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh được quan tâm thường xuyên; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; chủ động nắm chắc, xử lý tình hình, không để xảy ra vụ việc phức tạp trở thành điểm nóng. Hoạt động đối ngoại, trọng tâm là đối ngoại với các tỉnh giáp biên được củng cố, tăng cường nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tin cậy, tạo lập môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Việc xây dựng một số nội dung trong Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết nhiệm kỳ còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể ở các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thật đồng bộ, sâu sát, chưa đem lại kết quả rõ nét.

- Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao, chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, định hướng chính trị tại cơ quan, đơn vị, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên tại cơ sở thiếu chặt chẽ. Các đề án chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng triển khai thiếu quyết liệt, còn tư tưởng ngại khó, thiếu chủ động, sáng tạo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên tại một số địa phương còn gặp khó khăn, nhất là trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Một vài nơi còn thiếu cương quyết trong việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Còn có đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống đến mức phải xử lý kỷ luật; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự nỗ lực, khát khao, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao.

- Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và công tác quản lý nhà nước; kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị có lúc có nơi chưa nghiêm, dẫn đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao; còn xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực nhạy cảm.

- Kinh tế tuy duy trì tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp, dự báo nhiều chỉ tiêu kinh tế cơ bản khó đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra vào cuối nhiệm kỳ. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành, giữa các ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm, chất lượng tăng trưởng thiếu bền vững; các tiềm năng về đất đai, điều kiện tự nhiên chưa được khai thác hiệu quả, đem lại giá trị, động lực tăng trưởng đúng tầm.

- Triển khai các đột phá chiến lược của tỉnh còn chậm, có nội dung còn lúng túng, chưa đem lại kết quả cụ thể và tác động vào tăng trưởng, phát triển chưa rõ nét. Chất lượng thể chế, năng lực, trách nhiệm công vụ và theo đó là hiệu quả điều hành, môi trường sản xuất kinh doanh chậm cải thiện, thậm chí suy giảm; các “điểm nghẽn” phát triển đã được nhận diện nhưng việc tháo gỡ, giải quyết chưa dứt điểm; chất lượng nguồn nhân lực cả khu vực công và tư đều ở mức thấp so với vùng Đông Nam bộ.

Cơ sở hạ tầng có cải thiện nhưng chưa đồng bộ, nhất là giao thông kết nối vùng, hệ thống cảng, bến bãi phục vụ xuất, nhập khẩu cả trong nội địa và cửa khẩu làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh. Việc hỗ trợ, thúc đẩy các dự án trọng điểm còn rất hạn chế nên chưa tạo ra được các động lực và lan toả thúc đẩy tăng trưởng như kỳ vọng.

- Tiềm lực đất đai chưa được huy động, phát huy hiệu quả; thu hút đầu tư trong và ngoài nước có xu hướng tăng chậm lại. Chất lượng, tiến độ triển khai thực hiện 3 CTMTQG có một số vấn đề hạn chế cần phải quan tâm, nhất là CTMTQG xây dựng nông thôn mới…

- Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục đã được nhận diện, chỉ ra nhưng việc đề ra biện pháp giải quyết và tổ chức khắc phục còn khó khăn, chưa có nhiều chuyển biến. Năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, việc thiếu nhân lực, thiếu thuốc bảo hiểm y tế chậm được khắc phục đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh và làm suy giảm niềm tin của người dân với y tế công.

Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non chậm được khắc phục; việc thực hiện mô hình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập còn nhiều khó khăn, việc xã hội hoá, thu hút đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chưa thực hiện được, trong khi hệ thống dạy nghề hiện nay còn yếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng chưa có chuyển biến lớn.

- Giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tuy thấp nhưng sinh kế không ổn định, nguy cơ tái nghèo cao; hệ thống an sinh xã hội độ phủ thấp; hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần người dân chưa phong phú, hấp dẫn; thể thao thành tích cao suy giảm.

- Tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới, trong nội địa có lúc, có nơi diễn biến phức tạp; các loại tội phạm sử dụng môi trường mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi; an ninh trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mất ổn định.

*Nguyên nhân

- Năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế, năng lực cán bộ các cấp về dự báo tình hình, quản trị, xử lý tình huống chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Còn có dấu hiệu hình thức, chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà chưa quan tâm đúng mức đến kết quả thực chất, căn cơ, bền vững trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Chưa thật sự chủ động và thực hiện chưa hiệu quả việc rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đồng hành với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tạo dựng môi trường thông thoáng, cung cấp đầy đủ thông tin thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

3. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Qua kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, có thể thấy việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra là một thử thách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế trong bối cảnh tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, cơ hội và thách thức đan xen.

Do đó, yêu cầu chính trị đặt ra là từng cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, trong đó từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công phụ trách;

Rút kinh nghiệm từ kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ để tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; đưa vào kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực, cá nhân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện của toàn Đảng bộ đã được nêu trong báo cáo sơ kết; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như sau:

(1) Khẩn trương hoàn chỉnh, ban hành các nội dung, nhiệm vụ trễ hạn trong Chương trình hành động 68-CTr/TU; tập trung vào việc cụ thể hoá để tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả”; thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thực thi, lấy kết quả, chất lượng thực hiện công việc để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

(2) Đối với các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI đề ra khó hoàn thành thì cần tập trung rà soát, đề ra giải pháp sát hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện ngay; thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế, trường hợp cần cơ chế, chính sách hoặc chủ trương thì khẩn trương tham mưu Tỉnh uỷ xem xét, chỉ đạo thực hiện.

- Về công tác xây dựng đảng: Kiên trì, nghiêm túc triển khai thực hiện đi vào chiều sâu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; các Đề án số 02-ĐA/TU, 03-ĐA/TU, 05-ĐA/TU và 08-ĐA/TU của Tỉnh uỷ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tập trung vào chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng từ cơ sở trở lên, chất lượng, hiệu quả quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm đảng viên, nhất là người đứng đầu.

- Về kinh tế: tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu) để triển khai các dự án lớn về giao thông (cao tốc, đường liên tuyến, cảng, hạ tầng bến bãi phục vụ xuất nhập khẩu…); theo dõi nắm chắc tiến độ các dự án đầu tư tư nhân đã có quy hoạch, chủ trương đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm của từng ngành, địa phương để tích cực giải quyết thủ tục (nhất là về đất đai, đầu tư) nhằm xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Khẩn trương, quyết liệt huy động, bố trí nguồn lực triển khai giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là CTMTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh. Rà soát, đánh giá và tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và của tỉnh để tăng khả năng tiếp cận, khai thác, thụ hưởng của doanh nghiệp địa phương.

- Về văn hoá, xã hội: tập trung triển khai nhiệm vụ khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhất là về nhân lực; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế công lập, đảm bảo cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân cơ bản, ổn định; đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển hoạt động y tế tư nhân, nhằm đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngành giáo dục tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội hoá, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống dạy nghề trên địa bàn, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp dạy nghề cho lao động. Khẩn trương rà soát thủ tục để mời gọi đầu tư giáo dục đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Quan tâm phát triển đồng bộ, tạo sự gắn kết văn hoá - thể thao và du lịch, tạo động lực cho phát triển bền vững. Tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp vận động người dân tham gia BHXH, BHYT ổn định, lâu dài; chăm lo tốt cho người có công.

- Về quốc phòng - an ninh - đối ngoại: Thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ trên toàn địa bàn tỉnh đảm bảo kế hoạch đề ra; từng bước củng cố, nâng cao tiềm lực quân sự - quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tập trung triển khai chỉ thị của Tỉnh uỷ về mục tiêu "4 giảm"; tất cả hướng đến mục tiêu giữ vững môi trường an ninh, hoà bình, ổn định phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, hợp tác cùng phát triển với các tỉnh giáp biên của Campuchia; đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn, đem lại hiệu quả cao hơn đối với các hoạt động đối ngoại về kinh tế, xã hội.

(3) Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là tinh thần nêu gương của người đứng đầu của từng cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện các chỉ đạo, kết luận của Tỉnh uỷ, mà thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ; thường xuyên kiểm tra, đối soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao để kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc lĩnh vực, cơ quan, địa phương được phân công phụ trách.

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá thực chất kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh uỷ và các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại kỳ báo cáo kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm.

(4) Tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của Đảng bộ trong nửa cuối nhiệm kỳ, vừa bảo đảm nguồn nhân lực đủ sức triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đồng thời tạo nền tảng để tạo sự bứt phá trong các giai đoạn tiếp theo. Từng cấp uỷ, người đứng đầu phải có kế hoạch tập trung đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc trách nhiệm quản lý. Sẵn sàng sắp xếp những cá nhân hạn chế về năng lực, không phù hợp với vị trí công tác hoặc thiếu động lực, quyết tâm hành động sang những vị trí phù hợp hơn. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

(5) Đẩy mạnh hợp tác, kết nối liên kết vùng, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, cụ thể hoá định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7.10.2023 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, tập trung đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết phát triển kinh tế (thu hút đầu tư, thương mại) nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh trong Vùng.

Tập trung đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, đề xuất, áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu “công nghiệp - đô thị - dịch vụ Mộc Bài” phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây