Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ hai - 25/09/2023 14:01 1.251 0
Qua nửa nhiệm kỳ, việc cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tiếp tục được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến lâm nghiệp, thủy sản. Là tỉnh nông nghiệp với nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông cùng tài nguyên đất rộng lớn, Tây Ninh đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm đạt được các chỉ tiêu nông nghiệp mà Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đặt ra.

Giai đoạn từ 2020 đến tháng 6/2023, Tây Ninh đã chuyển đổi 7.640 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng lũy kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm (tăng chín triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô đàn trên 10 triệu con gia súc, gia cầm, tăng 6,1% so với năm 2020; tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học.

image 6

Vùng trồng dứa áp dụng kỹ thuật công nghệ cao ở Tây Ninh.

Tỉnh hiện có 627 trại chăn nuôi gia súc, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2020. Hằng năm ngành nông nghiệp và người dân trồng mới 210 ha rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 16,3%. Về thủy sản, tỉnh duy trì diện tích vùng nuôi 570 ha, sản lượng đạt 14.180 tấn thủy sản/năm.

Qua nửa nhiệm kỳ, Tây Ninh triển khai thực hiện 39 mô hình khuyến nông với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông tỉnh đã thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học, công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích 805 ha (lũy kế từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ tổng diện tích 1.718,8 ha cây ăn quả, cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Cụ thể, sản xuất lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 2,5% khâu gieo, cấy, 65-70% khâu chăm sóc, 95-100% khâu thu hoạch vận chuyển), cây mía (100% khâu làm đất, 50-70% khâu chăm sóc, 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển), cây mì (100% khâu làm đất, 15-30% khâu chăm sóc, 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển).

Ðịa phương chú trọng việc phát triển sản xuất luôn gắn liền với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như là hạ tầng thủy lợi, nước sạch nông thôn thường xuyên được duy tu, sửa chữa, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Trong giai đoạn vừa qua, Tây Ninh đã thực hiện 48 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với tổng vốn 559 tỷ đồng, nổi bật là dự án trọng điểm tưới tiêu phía tây sông Vàm Cỏ cơ bản thi công hoàn thành giai đoạn 1, phục vụ sản xuất cho 17.000 ha đất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 68%, tăng 6% so với năm 2020.

Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 11, các chỉ tiêu phát triển của ngành nông nghiệp được giao đã cơ bản đạt tiến độ theo lộ trình định hướng. Tổng giá trị GRDP ngành nông, lâm, thủy sản (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 20.869 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8.900 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn giữa nhiệm kỳ đạt 2,75%/năm; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu được trên một héc-ta đất trồng trọt hiện đạt 109 triệu đồng/năm (Nghị quyết đến năm 2025: 115 triệu đồng/năm); tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 16,3% (Nghị quyết đến năm 2025: 16,4%); tỷ lệ xã nông thôn mới hiện đạt 85,9% (Nghị quyết đến năm 2025: 100%)…

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn những khó khăn, thách thức: Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn khá ít; việc tiếp cận các chính sách nông nghiệp còn khó khăn do các yêu cầu và quy trình thủ tục phức tạp dẫn tới chưa thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại luôn cần đòi hỏi nguồn vốn lớn; việc thực hiện các phương án sử dụng đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương còn chậm, không tạo được động lực thu hút nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn; lao động nông nghiệp qua đào tạo, lao động nông nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vẫn còn yếu và thiếu…

Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Tây Ninh cần tập trung triển khai sử dụng quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương để thu hút đầu tư; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất; rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất, định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường; phát triển hạ tầng nông nghiệp qua việc đầu tư xây dựng thủy lợi, giao thông, hệ thống lưới điện; hình thành các vùng sản xuất tập trung (vùng nhãn Truông Mít, vùng sầu riêng Bàu Ðồn, vùng cây ăn trái Suối Dây...); tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (lãi vay thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất-tiêu thụ, áp dụng VietGAP...); đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.

Đ/c Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT./.

Tác giả: So Nong Nghiep

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây