Thủy lợi mang lại no ấm cho nông dân Tây Ninh

Thứ hai - 21/10/2024 11:58 171 0

Đó là nhận định của không ít người đặt chân đến vùng đất Tây Ninh hôm nay khi chứng kiến những đổi thay ở trên vùng biên giới này. Nhờ có con sông Vàm Cỏ Đông cùng hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng chở nước tưới mát ruộng vườn bao năm qua, đã góp phần mang lại no ấm, sung túc cho người dân.

Đưa nước vượt sông lên vùng biên

Tây Ninh trong ký ức của một số người, đó là vùng đầy nắng, hạn gay gắt. Nhưng ngày nay, dù là mùa mưa hay nắng, khi đến đây khắp nơi đều thấy ngan ngát một màu cây cối xanh tươi, với những vườn khoai mì, mãng cầu, mía và đồng cỏ voi nuôi bò tốt tươi mơn mởn. Điều đặc biệt ở Tây Ninh là hầu như nhà nông không để đất trống mà họ trồng cây quanh năm. Thu hoạch xong vụ này thì xuống giống ngay vụ mới.

Đường ống dẫn nước tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về vùng biên giới Châu Thành, Bến Cầu.jpg

Đường ống dẫn nước tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về vùng biên giới Châu Thành, Bến Cầu

Để giữ được màu xanh trù phú ngay cả trong mùa nắng hạn, nhờ có con sông Vàm Cỏ Đông cùng hệ thống kênh mương thủy lợi dày đặc và rộng khắp tỉnh, đặc biệt là hồ Dầu Tiếng. Hồ Dầu tiếng là công trình chứa nước nhân tạo lớn nhất cả nước xây dựng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, được khởi công ngày 29-04-1981 và hoàn thành vào ngày 10-01-1985. Hồ có diện tích mặt nước 27km2, diện tích lưu vực 270km2, dung tích chứa đạt đến 1,58 tỷ m³ nước.

Nhờ có nước tưới nên ns8ng suất cây mì ở Tây Ninh ngày càng ổn định.JPG

Nhờ có nước tưới nên năng suất cây mì ở Tây Ninh ngày càng ổn định

Tháng 10, chúng tôi về huyện Châu Thành, một huyện biên giới giáp ranh Campuchia. Trước đây, vùng đất này tuy có dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua, nhưng để bơm nước từ lên những vùng đất cao và nằm cách xa con sông rất tốn kém, mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho người dân. Nhiều xã giáp biên nơi đây khô cằn và thiếu nước ngọt.

Năm 2018, Tây Ninh khởi công dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về để tưới tiêu cho gần 17.000ha phục vụ sản xuất ở hai huyện Châu Thành, Bến Cầu. Công trình này hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào sử dụng năm 2022, với kinh phí 1.246 tỷ đồng, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng cách 50km lên vùng biên giới. Năm 2023, dự án thực hiện giai đoạn 2 nhằm bê tông kiên cố hóa kênh chính, xây dựng các tuyến kênh thứ cấp 1, 2, 3 để hình thành mạng lưới dẫn nước đến với nhà nông.

Anh Nguyễn Thanh Hiền (ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) sống chủ yếu dựa vào trồng mít và trồng cỏ để nuôi bò. Anh cho hay: Trước đây, khi chưa nhà nước chưa xây dựng hệ thống tưới tiêu, vào mùa khô, anh phải khoan giếng mà vẫn không đủ nước tưới. Từ khi có hệ thống tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, anh chỉ cần dùng đường ống dẫn nước từ kênh cho chảy tự động vào vườn mà không cần bơm nên tiết kiệm chi phí tiền điện, nhờ đó thu nhập tăng lên.

Nhờ hệ thống thủy lợi, nông dân đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò.jpg

Nhờ hệ thống thủy lợi, nông dân đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò

Đến Tây Ninh, là đến với địa phương có truyền thống làm nghề trồng cỏ nuôi bò. Thịt bò Tây Ninh từ lâu đã khẳng định chất lượng, và cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Không chỉ nuôi bò thịt, nông dân Tây Ninh còn nuôi bò sữa nhờ nguồn thức ăn dồi dào, bổ dưỡng do chính tay họ trồng.

Từ khi có hệ thống tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, một vùng đất giáp biên của huyện Bến Cầu từ chỗ khô cằn đã phủ màu xanh những vườn cỏ và bắp để nuôi bò. Nhận thấy tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa, Công ty Vinamilk đến Bến Cầu đầu tư trang trại nuôi hàng ngàn con bò sữa theo tiêu chuẩn châu Âu, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Cây trái quanh năm nhờ thủy lợi

Ngoài khoai mì và mía được trồng nhiều, Tây Ninh còn nổi tiếng với trái mãng cầu ta. Đi dọc tuyến đường ĐT 785 từ thành phố Tây Ninh lên huyện Tân Biên giáp biên giới, những vườn mãng cầu hai bên đường hầu hết đều được gắn hệ thống phun nước tưới bán tự động.

Anh Trần Minh Quốc (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho hay, do có sẵn nguồn nước thuỷ lợi nên từ nhiều năm nay anh và hầu hết người trồng mãng cầu, khoai mì đều lắp đặt hệ thống phun tưới nước bán tự động, tiết kiệm công sức mà đạt hiệu quả cao.

Anh Dương Thanh Phương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Châu chia sẻ, do có hệ thống thủy lợi nên vào mùa khô hạn gay gắt nhất như năm nay, nhà nông luôn có đủ nước tưới, do đó mãng cầu Tây Ninh cho trái quanh năm.

Những năm qua, cùng với nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, ở Tây Ninh, nhà nước đã đầu tư lớn vào hệ thống thủy lợi. Ngoài hồ Dầu Tiếng (nằm trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh nhưng diện tích chủ yếu thuộc Tây Ninh), với sức chứa 1,58 tỷ m³ nước, còn có hồ Tha La (Tân Châu) dung tích 27,4 triệu m³ và một số hồ thủy lợi nhỏ khác.

Cùng với đó, Tây Ninh cũng xây dựng nhiều kênh thủy lợi để vận chuyển nước, với 1.744 tuyến kênh. Tổng chiều dài các con kênh gộp lại lên đến 1.693,149km. Kênh đào không chỉ vận chuyển nước để sản xuất công, nông nghiệp mà còn tạo nên nét đẹp riêng, thanh bình cho các làng quê.

Ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản Tây Ninh được tie67ut hụ trong hệ thống siêu thị hiện đại.jpg

Ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản Tây Ninh được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hiện đại

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định phát triển thương mại - du lịch song song với công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, doanh nghiệp có nhiều dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao khẳng định: Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đất đai bằng phẳng và nguồn nước dồi dào. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi, những yếu tố đó chính là tiền đề Tập đoàn Hùng Nhơn lựa chọn đầu tư tại địa phương.

Những năm gần đây, Tây Ninh là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh này là 9,21%, dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,12%, cao hơn bình quân chung cả nước, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 59.235 tỷ đồng.

Trong đó, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 19,5%; công nghiệp - xây dựng 44,8%; dịch vụ 31,%. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng gần 20% do các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: www.sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây