Xây nhà nuôi chim yến - 'canh bạc' khó lường - Bài 1: Được ăn cả, ngã về không

Thứ năm - 20/07/2023 08:58 2.661 0

BTN - Vài năm trở lại đây, người dân trên địa bàn tỉnh đua nhau xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ để tạo nguồn lợi về kinh tế.

Đây được xem là một nghề mới, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nghề này không phải ai làm cũng đạt. Thực tế, có rất nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhà yến xây xong, chẳng có con chim yến nào vào ở khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Một nhà yến tại khu phố 1, thị trấn Châu Thành

Đây được xem là một nghề mới, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nghề này không phải ai làm cũng đạt. Thực tế, có rất nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhà yến xây xong, chẳng có con chim yến nào vào ở khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Xây nhà tiền tỷ nuôi chim yến

Ông Hà Đức Lưu, ngụ khu phố Hiệp An, phường Hiệp Tân- có 7 nhà nuôi yến tại thị xã Hoà Thành- cho biết, năm 2016, ông bắt tay vào nuôi chim yến tại căn nhà 3 tầng tại khu phố Hiệp An. Trong đó, tầng trệt là nơi kinh doanh thuốc Bắc, tầng 2 được sử dụng làm nơi ở và sinh hoạt của cả gia đình.

Riêng tầng 3, ông thuê người thiết kế và lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến vào ở. Sau một năm, có hàng chục cặp chim yến đến làm tổ và sinh sản, số tổ yến ông thu được có giá bán hàng chục triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng của nghề mới, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm, trung bình mỗi năm ông xây dựng một nhà yến, đến nay ông đã sở hữu 7 nhà nuôi chim yến nằm rải rác tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Là một trong những hộ đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến đầu tiên tại huyện Châu Thành, ông Nguyễn Công Hữu, ngụ khu phố 1, thị trấn Châu Thành cho biết, năm 2017, sau khi tham quan mô hình nhà yến hiệu quả tại Đồng Nai, ông quyết định đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng nhà yến tại thị trấn Châu Thành.

Năm đầu, số yến đến ở không nhiều, nên ông chỉ thu được chưa đầy 0,5kg tổ yến. Từ năm thứ 2 trở đi, chim yến đến ở ngày càng đông, nên lượng tổ yến thu được tăng lên rất nhanh. Hiện, sản lượng trung bình là 12 kg/tháng.

Thành công bước đầu trong việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều người bỏ vốn đầu tư lớn để theo nghề này. Khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành phố liên tục tăng, tuy nhiên, số người nuôi yến thành công chỉ chiếm chưa đến 20%.

Thất thu vì không có yến đến ở

Theo kinh nghiệm của nhiều người đầu tư nhà yến thành, không phải nhà yến nào cũng có chim yến đến ở và sinh sản. Ông Hà Đức Lưu cho biết, trước đây số lượng nhà yến còn ít, mỗi nhà yến được xây dựng đúng cách sẽ nhanh chóng thu hút hàng trăm con chim yến đến ở. Kể từ năm 2019 đến nay, phong trào xây dựng nhà yến trên địa bàn tỉnh phát triển “dữ dội”, năm sau cao gấp ba, bốn lần so năm trước, trong khi số lượng chim yến ngoài tự nhiên tăng không đáng kể, nên có nhiều nhà yến dù đã đi vào hoạt động hơn 2 năm vẫn chỉ có vài cặp chim yến đến làm tổ. Trong số 7 nhà nuôi yến của gia đình ông cũng có một vài nhà ít có chim yến đến ở.

Theo ông Nguyễn Công Hữu, dù có thu nhập khá từ nhà yến đầu tiên, nhưng đến năm 2022, ông mới xây dựng thêm căn nhà thứ hai, bởi việc đầu tư nhà yến đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, người thực hiện phải có hiểu biết về kỹ thuật thiết kế âm thanh dẫn dụ chim yến.

Nhận thấy xung quanh có nhiều người nuôi yến đạt hiệu quả, năm 2021, bà N.T.T ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành đã thuê một số người nuôi chim yến lâu năm ở tỉnh Tiền Giang lên khảo sát.

Sau khi bật loa có tiếng chim yến kêu thì có mấy cặp bay về, bà T cùng gia đình quyết định đầu tư xây dựng căn nhà trị giá hơn 2 tỷ đồng với 3 tầng lầu trên diện tích đất gần 200m2. Sau hơn 2 năm, dù đã phát loa dẫn dụ cả ngày lẫn đêm nhưng đến nay, nhà nuôi chim yến của bà T có khoảng 20 cặp chim yến vào, tổ yến thu về mỗi tháng chỉ vài lạng.

Hiện bà phải “còng lưng” trả gốc và lãi của số nợ cả tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà yến. Bà T hy vọng vài năm tới, sẽ có nhiều chim yến vào làm tổ để có khả năng thu hồi vốn.

Những người có kinh nghiệm nuôi chim yến cho biết, ít nhất phải sau 2 năm từ khi bắt đầu đưa nhà yến vào hoạt động thì người nuôi mới có thu hoạch. Vì thế, trước khi nuôi chim yến cần tính toán kỹ đến vấn đề tài chính. Nếu may mắn, thuận lợi, chim yến về làm tổ nhiều thì hiệu quả kinh tế rất cao. Ngược lại người nuôi lâm vào phá sản, nợ nần.

Cần thận trọng trước khi đầu tư

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù phát triển nở rộ, nhưng rõ ràng đến nay, nghề xây nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Có thể nói, việc đầu tư nhà yến với số tiền không hề nhỏ, nếu nhà yến không thể dẫn dụ chim về làm tổ thì xem như người đầu tư “thua trắng”.

Với tình trạng số lượng nhà yến tăng nhanh như hiện nay, nhà có yến về làm tổ cũng cần ít nhất 5-7 năm mới có nguồn thu hoạch ổn định, 7-10 năm mới có thể đạt năng suất tối đa. Người đầu tư xây nhà yến nên cân nhắc thật kỹ, phải thật tỉnh táo trước khi bỏ số vốn lớn để đầu tư.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, nhìn chung, nghề nuôi chim yến có triển vọng khá lớn ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi chim yếu hiện nay đang phát triển theo một cách tự phát, tiềm ẩn những rủi ro.

Trong khi đó, việc quản lý về xây dựng, hoạt động của các nhà yến trên địa bàn tỉnh còn khó khăn; việc kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng, hoạt động các nhà yến còn nhiều bất cập do chi phối bởi nhiều luật. Trong đó, có Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường./

Nguồn Báo Tây Ninh (MD)

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây