Mô hình nhỏ, lợi ích lớn

Thứ năm - 20/07/2023 09:27 500 0
Xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đồng kết hợp lúa

Tại tỉnh Tây Ninh, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Công tác triển khai thực hiện các mô hình, dự án đạt hiệu quả cả về kỹ thuật và chất lượng, được chuyển giao cho nông dân, mang lại nhiều lợi ích.

Nuôi cá trong ruộng lúa ở xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng).

Nuôi cá trong ruộng lúa ở xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng).

Xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đồng kết hợp lúa tại hộ anh Lâm Thanh Hồng (ấp Phước Long) với quy mô 0,35ha, sử dụng giống cá rô đồng với số lượng con giống 52.500 con. Cá rô nuôi trong mô hình này sinh trưởng phát triển tốt, kích cỡ đều nhau, sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao (đạt 96%), ít bệnh. Với sản lượng thu được đạt gần 7,1 tấn cá sau 3,5 tháng thả nuôi, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận mang lại đạt khoảng 33 triệu đồng/0,35ha.

Anh Hồng cho biết, mô hình nuôi kết hợp cá-lúa có rất nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại cho nên lúa ít bị sâu bệnh; chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá cho nên tiết kiệm được chi phí thức ăn.

Ngoài ra, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác. Cá rô đồng và lúa có thời gian sinh trưởng tương đồng nhau cho nên rất thuận tiện trong quá trình chăm sóc và thu hoạch. Để nhân rộng các mô hình phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ mở thêm các lớp tập huấn, hội thảo để người nuôi nắm bắt được các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản nói chung và cá rô nói riêng.

Sáu tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã và đang xây dựng nhiều mô hình theo chuỗi giá trị, chuyển giao về giống, các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trên địa bàn chín huyện, thị xã, thành phố, theo mục tiêu của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đang thực hiện ba mô hình gồm: Nuôi cá rô đồng, cá sặc rằn, cá lóc kết hợp lúa (quy mô 4,9ha); nuôi cá chạch lấu trong bể (quy mô 0,05ha); nuôi ốc lác (quy mô 0,05ha). Còn trên lĩnh vực chăn nuôi, có thể kể đến các mô hình có thể nhân rộng như nuôi heo thịt (heo nội) theo hướng hữu cơ (quy mô 30 con); chăn nuôi gà thịt (gà nội) theo hướng hữu cơ (quy mô 1.000 con); chăn nuôi dê sinh sản (quy mô 60 con). Ghi nhận tại trại dê Thành Công (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho thấy, từ khi Trung tâm Khuyến nông giới thiệu một số giống dê, hướng dẫn cách chọn giống, chăm sóc và phòng trị bệnh cho dê phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật ủ thức ăn, cách chữa trị, chăm sóc và phòng trừ một số loại bệnh thường gặp trong quá trình chăn nuôi dê…

Ông Phạm Thành Công, chủ trại dê Thành Công chia sẻ: “Dê là vật nuôi ăn tạp, ít tốn công chăm sóc, khả năng kháng bệnh tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, khi bán dê cũng dễ tiêu thụ và đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết thêm, còn với lĩnh vực trồng trọt, đã thực hiện 7 mô hình gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao (quy mô 30ha); sản xuất rau gia vị (quy mô 0,3ha); sản xuất rau ăn quả, bí đỏ, bí xanh (quy mô 10ha); thâm canh mãng cầu, (quy mô 10ha); trồng thâm canh khoai mì (quy mô 5ha);...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, với thổ nhưỡng, địa lý của Tây Ninh, cây mì (sắn) hiện vẫn được nhiều nông dân chọn trồng. Vì vậy, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) thực hiện khảo nghiệm 78 dòng mì mới có tính kháng bệnh khảm lá (diện tích 0,5ha, xuống giống ngày 9/2/2023), hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, thực hiện khảo nghiệm trên 220 dòng mì mới có tính kháng bệnh (diện tích 0,6ha, xuống giống ngày 9/3/2023), hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt; phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện khảo nghiệm dòng mì mới có tính kháng bệnh (diện tích 0,5ha, xuống giống ngày 5/4/2023), tỷ lệ nảy mầm đạt hơn 90%, hiện cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt; triển khai dự án nhân giống sắn mới kháng bệnh gắn với nhà máy tiêu thụ tại Tây Ninh (nguồn vốn từ Khuyến nông Quốc gia).

“Công tác triển khai thực hiện các mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản... bảo đảm đạt hiệu quả kỹ thuật và chất lượng; các mô hình triển khai theo đúng mục tiêu của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đề án chuỗi giá trị của tỉnh. Thông qua mô hình sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân nói.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây