Nhiều năm qua nông dân trên địa bàn huyện Tân Châu đã tận dụng đất trồng cây cao su còn nhỏ để xen canh hoặc luân canh trên đất trồng mì để sản xuất cây bí đỏ (bí Hồ lô). Tập trung nhiều ở các xã Tân Hòa, Suối Ngô và Tân Hiệp. (Đất của nông trường Tân Hiệp và nông trường Suối Ngô thuộc Công ty cao su Tân Biên).
Cây bí đỏ tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc, chi phí sản xuất không cao, thời gian cho thu hoạch nhanh có thể trồng với diện tích lớn và có thể cho lợi nhuận rất cao, đặc biệt năm 2022 với diện tích trồng bí Hồ lô khoảng 400 hecta, với năng suất bình quân 20 tấn/ha, nông đân thu lãi bình quân 150 triệu đồng/ha. Năm 2023 nhiều nông dân đã tập trung trồng ồ ạt với diện tích hơn 800 ha. Với diện tích như vậy số lượng cung vượt so với nhu cầu tiêu thụ, giá thu mua đầu vụ chỉ từ 4.000-5.000 đồng/kg, đến thời điểm thu hoạch rộ giá chỉ từ 1.500- 3.000d/kg, có nhiều hộ không bán được và lỗ nặng.
Năm 2024 diện tích trồng bí trên địa bàn Tân châu khoảng 340 ha (khoảng 42% so năm 2023). Nguyên nhân diện tích giảm do:
- Cây cao su khép tán: Diện tích có thể trồng xen canh giảm do cây cao su tại các nông trường Tân Hiệp và Suối Ngô đã trưởng thành, không còn đủ không gian cho việc trồng bí đỏ.
- Lo ngại thua lỗ: Sau những thua lỗ nặng nề năm 2023 do cung vượt cầu, nhiều nông dân không mặn mà đầu tư sản xuất.
Dù diện tích giảm và có nhiều khó khăn trong sản xuất bí do thời tiết nắng hạn kéo dài, đặc biệt tại các xã Tân Hòa và Suối Ngô, nơi nhiều diện tích không có nước tưới. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất bí. Nhưng năm 2024 lại mang lại những tín hiệu tích cực nhờ việc xuống giống rải vụ, giúp giá bán ổn định hơn. Hiện nay, giá bí đỏ dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục của năm 2023 (1.500-3.000 đồng/kg). Năng suất bình quân đạt khoảng 15 tấn/ha, mang lại lợi nhuận 75-90 triệu đồng/ha, so với 150 triệu đồng/ha trong năm 2022.
Bài học và định hướng:
Từ bài học về trồng bí đỏ năm 2023 cho thấy tầm quan trọng của việc cân đối diện tích trồng với nhu cầu thị trường, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất bí nói riêng, giúp nông dân hạn chế chạy theo phong trào, giảm tối đa thiệt hại và thua lỗ.
Định hướng vùng chuyên canh, đầu tư vào hạ tầng thủy lợi và xây dựng các giải pháp bền vững, đảm bảo, chủ động nguồn nước tưới cho các vùng trồng trọng điểm.
Phát triển chuỗi giá trị: Liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bí đỏ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý, cây bí đỏ trên địa bàn huyện Tân Châu vẫn có tiềm năng phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong những năm tới.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc