Sắn (khoai mì) là cây trồng chủ lực của Tây Ninh với diện tích toàn tỉnh đạt khoảng 60.000ha. Từ thực tiễn sản xuất, người trồng sắn Tây Ninh đã không ngừng mày mò nghiên cứu những trang thiết bị, máy móc có tính ứng dụng cao. Máy trồng sắn “4 trong 1” do anh Lê Thành Phương ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên sáng chế là một trong những máy tiên tiến nhất hiện nay phục vụ canh tác sắn.
Từ trung tâm tỉnh Tây Ninh đến cơ sở của anh Phương khoảng 15 km, bước xuống xe nhìn vào bên trong xưởng, thấy người nông dân mặc quần đùi ngắn và chiếc áo sơ mi ngắn tay ngả màu. Qua những câu chào hỏi xã giao thì anh tự giới thiệu tên là Phương, tôi được anh vui vẻ dẫn tôi đi một vòng, giới thiệu các loại máy phục vụ sản xuất; điều bất ngờ là trong xưởng có đủ các loại máy phục vụ cho việc sản xuất máy nông nghiệp; máy cắt CIC, máy tiện, máy hàn các loại... Anh Phương chia sẻ “em tự mày mò, nghiên cứu rồi tự làm, phải mất một thời gian nhuần nhuyễn sản xuất ra được sản phẩm rồi chỉ lại cho công nhân...Anh nói " em chỉ mới học hết lớp 6" nhưng vì yêu thích nghề nên mày mò làm cho được”.
Trước giờ người dân canh tác trồng cây sắn quen với cách trồng trọt thủ công truyền thống; sau khi cầy đất và lên luống, chặt hom, cuốc hố và đặt hom. Nhưng đó là cách trồng trọt nhỏ lẻ, với những hộ dân có diện tích đất nhỏ vài ha,…Vấn đề đặt ra cho những người trồng sắn với diện tích lớn từ vài chục ha đến vài trăm ha thì việc trồng trọt thủ công không còn phù hợp nữa, vì sẽ tốn rất nhiều nhân công lao động, mà việc trồng sắn và thu hoạch sắn mang tính thời vụ; lúc vào thời điểm trồng và thu hoạch cần rất nhiều nhân công, nên việc áp dụng máy móc trong sản xuất ngành sắn là rất cần thiết…
Anh dẫn tôi đến xem những cái máy anh sản xuất; máy tuốt lạc, máy trồng sắn 1 hàng, máy trồng sắn 2 hàng...với quy mô xưởng gần 1500 mét vuông, trên 10 người thợ; hàng năm anh cho ra đời trên 200 máy các loại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, máy của anh cung cấp trong tỉnh Tây Ninh, vùng miền Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, năm 2024 bắt đầu có những đơn hàng giao ra các tỉnh phía Bắc...
Cách đây 3 tuần tôi có sang tỉnh Mukdahan của Thái Lan, vào cửa hàng bán các loại máy phục vụ nông nghiệp; tôi cũng có hỏi kỹ về máy trồng sắn, nhưng máy ở Mukdahan Thái Lan chỉ là loại máy đơn (trồng 1 hàng 1 luống), khi lần đầu tiên tiếp xúc với máy trồng sắn, tôi cũng đã thán phục người sáng chế ra cái máy này, làm giảm sức lao động, tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí trồng trọt.
Về Tây Ninh đúng là "thủ phủ" của các nhà máy sắn (cả tỉnh có trên 65 nhà máy sắn), diện tích trồng sắn của Tây Ninh đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Gia Lai, nhưng sản lượng thu hoạch thì lại đứng đầu Việt Nam...Có lẽ do người dân trồng sắn ở Tây Ninh đã sớm đưa công nghiệp hoá vào trồng trọt làm cho năng suất cao hơn cách trồng thủ công trước đây.
Đi quanh một vòng nhà xưởng, câu chuyện về máy trồng sắn trở nên vui vẻ, tự nhiên,… anh Phương niềm nở đi lấy ghế và nước uống mời chúng tôi. Vừa ngồi uống nước, vừa ngắm giàn máy trồng sắn mới ra lò, anh Phương như vui vẻ khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt như sáng lên niềm hạnh phúc.
Ngắm kỹ từng chi tiết của giàn máy, tôi liên tưởng lại giàn máy trước đây tôi xem ở Thái Lan, máy của Thái Lan sản xuất đơn giản hơn, thô sơ hơn, công dụng thì chỉ trồng được 1 hàng. Máy sản xuất ở Tây Ninh " Bởi người nông dân " thì chức năng nhiều hơn, trồng được 2 hàng, cũng kèm theo chức năng bón phân, phun thuốc...tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Đúng là trong những sáng tạo được phát minh ra từ thực tiễn sản xuất, trong quá trình lao động thì hiệu quả của phát minh sáng tạo rất thực tế...Anh Phương trước đây cũng là người nông dân trồng sắn, cũng phải chăn trở với năng suất, hiệu quả của 1 ha sắn đem lại...Trong sản xuất, anh nhận thấy nhân công lao động ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của bà con nông dân trồng sắn, phụ thuộc vào người lao động đã làm cho anh nảy sinh ra ý tưởng sản xuất máy trồng sắn...
Có thể trong suy nghĩ của anh lúc đầu là sản xuất ra máy trồng sắn để phục vụ cho bản thân gia đình anh, nhưng sau nhiều lần thử nghiệm, anh cũng gặp phải nhiều trở ngại, nhiều thất bại...nhưng nhờ sự nhiệt huyết, quyết tâm, anh cố gắng tìm kiếm kiến thức, tìm kiếm những chi tiết linh kiện của máy để rồi giàn máy trồng sắn hoàn thiện cũng hình thành, giàn máy trồng sắn của anh Phương sản xuất được anh thiết kế 4 trong 1: Lên luống, phun thuốc, bón phân, trồng sắn.
Trong câu chuyện tôi có nhắc đến bản quyền, anh cười tươi “em sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho bất cứ ai muốn sản xuất máy như em, em không sợ bị mất mẫu mã...vì em sản xuất bằng chính bản thân em, kỹ thuật do em, xưởng của nhà em... Nếu ai sản xuất thủ công thì giá thành sẽ rất cao sẽ không lại máy của em sản xuất’’
Nói về giá của một giàn máy anh vui vẻ khẳng định “tất cả những người mua máy của em về làm chỉ trong 10 ngày sử dụng là lấy lại vốn”. So với giá của những giàn máy cùng loại mua của Thái Lan thì bằng nửa chưa tính phí vận chuyển về Việt Nam.
Người nông dân sáng chế ra giàn máy trồng sắn, đã giúp người nông dân làm quen với máy móc trong sản xuất, cắt giảm chi phí rất nhiều so với sản xuất thủ công truyền thống trước đây, trồng bằng máy làm cho đất tơi xốp lên luống, cây cách cây hàng cách hàng dễ dàng cho việc chăm sóc; bón phân, phun thuốc và cả khi thu hoạch.
Nhìn những cánh đồng sắn đang xanh mướt như tràn đầy sức sống, cây bắt đầu cho củ, tôi xin người dân cho nhổ một bụi sắn trong vườn sắn trồng bằng máy theo kỹ thuật trồng hom đứng, tuy mới được gần 3 tháng nhưng củ đã hình thành bủa vây quanh hom sắn...
Kết thúc buổi nói chuyện với anh Phương “ Người nông dân sáng chế sản xuất máy trồng sắn’’ thì trời cũng bắt đầu tối, đèn đường bắt đầu bật sáng. Trên suốt đoạn đường dài trở về Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất vui và thán phục tính chịu thương chịu khó của anh, chăm chỉ tìm tòi nghiên cứu kiến thức để cho ra đời những loại máy móc hoàn thiện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hồng Kỳ - Đỗ Ân
Tác giả: So Nong Nghiep
Ý kiến bạn đọc