Quy định hạn chế khai thác nước dưới đất

Thứ hai - 01/04/2019 17:00 498 0

Ngày 26/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP về việc quy định hạn chế khai thác nước dưới đất. Nghị định bao gồm 3 Chương, 17 Điều, quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10/02/2018.

Theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP có 05 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (vùng hạn chế 1, vùng hạn chế 2, vùng hạn chế 3, vùng hạn chế 4, vùng hạn chế hỗn hợp). Trong đó, nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất như sau:

- Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) trong trường hợp bị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật;

- Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế khai thác được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định này. Không áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất khác với các biện pháp quy định tại Nghị định này;

- Ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai;

- Thực hiện theo phương án, lộ trình phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước.

Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành và khai thác 70 công trình cấp nước (Trong đó, 69/70 công trình cấp nước khai thác nguồn nước dưới đất, 01/70 công trình cấp nước khai thác nguồn nước mặt) với công suất 8.728/9.662 m3/ngày.đêm, đạt 90% công suất thiết kế, cấp nước cho 18.385/21.315 hộ sử dụng, đạt 86,25% số hộ thiết kế. Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định về cấp phép khai thác nước và các quy định khác về tài nguyên nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã thực hiện thủ tục và được cấp phép khai thác nước dưới đất theo đúng quy định.

Theo Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 do Liên đoàn Điều tra, quy hoạch tài nguyên nước Miền Nam lập, nguồn nước dưới đất tỉnh Tây Ninh có 8 tầng chứa nước (Trong đó, có 5 tầng chứa nước lỗ hổng: qp2-3, qp1, n22, n21 và n13 có khả năng khai thác với quy mô lớn; Tầng chứa nước lỗ hổng qp3 và quanh vùng lộ của các tầng chứa nước khe nứt qp2 và ps-ms có khả năng khai thác nhỏ lẻ đến qui mô vừa) với tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của tỉnh là 5.099.887m3/ngày (Trong đó: trữ lượng tĩnh là 3.453.597 m3/ngày, trữ lượng động là 1.646.290 m3/ngày).

Mặt khác, tại một số vị trí quan trắc mực nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc Gia, (Bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất tháng 11/2018 vùng Đông Nam Bộ) theo dõi, quan trắc, thì các tầng chứa nước qp3, qp2-3, qp1, n22, n21 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có xu thế mực nước dưới đất hạ vào tháng 01/2019.

Hình ảnh: Sơ đồ mực nước dưới đất tháng 11 tầng qp3 của tỉnh Tây Ninh.

(Dự báo: mực nước dưới đất có xu thế hạ)

Với trữ lượng khai thác nước dưới đất dồi dào nhưng công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định khai thác, cấp phép khai thác nước dưới đất còn hạn chế, sẽ dẫn đến sự suy giảm mực nước (mực nước hạ) và biến đổi chất lượng nước dưới đất.

Do đó, việc quản lý khai thác, cấp phép khai thác và hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là vấn đề, yêu cầu cấp thiết và còn nhiều khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước./.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây