Nước sạch là một trong những nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của con người, vừa mang tính xã hội sâu sắc, vừa gắn liền với cuộc sống của mỗi cộng đồng dân cư. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, trong đó, mục tiêu 6.1: Đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Thời gian qua công tác đảm bảo cấp nước sạch phục vụ cho đời sống, sinh hoạt người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, với nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đầu tư, phát triển các hệ thống cấp nước sạch. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách tỉnh còn khó khăn, nguồn kinh phí phân bổ đầu tư công trình cấp nước và vệ sinh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tỉnh Tây Ninh đã ban hành các chính sách khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, cụ thể: Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 của UBND tỉnh về Danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, theo tính toán đạt 18,91%, trong đó: Tỷ lệ sử dụng nước từ công trình cấp nước nông thôn: 9,80% (khoảng 91.085 người, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, UBND xã quản lý, cung cấp nước); Tỷ lệ sử dụng nước từ Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh cung cấp: 7,58% (khoảng 70.513 người); chính sách hỗ trợ hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh: 1,53% (khoảng 14.242 người).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình cấp nước tập trung, có công suất thiết kế từ 50 m3/ngày.đêm đến trên 500 m3/ngày.đêm, tổng công suất khai thác công trình cấp nước 9.125m3/ngày.đêm, đạt 88,06% công suất thiết kế, phục vụ cung cấp nước 18.642 hộ, đạt 86,25% số hộ thiết kế. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức quản lý vận hành 67/71 công trình, chiếm tỷ lệ 91,78%; UBND các xã quản lý, vận hành 06 công trình, chiếm tỷ lệ 8,22%. Mặc dù số lượng công trình tương đối nhiều, tuy nhiên hầu hết công trình có quy mô nhỏ, phân bổ rộng khắp các địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố.
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 191.648 công trình cấp nước nhỏ lẻ do người dân tự đầu tư và sử dụng, mô hình cấp nước hộ gia đình với các loại hình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán (giếng khoan, giếng đào, thống xử lý nước nước hộ gia đình nông thôn) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt tại khu vực ngoài vùng cấp nước tập trung nông thôn. Việc thực hiện cấp nước quy mô gia đình được UBND tỉnh thực hiện từ các nguồn vốn: Ngân sách tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 24 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện: 12 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn; nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức vay tín dụng tối đa thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mức vay vốn tối đa 10 triệu đồng/hộ/công trình. Trong giai đoạn 2018-2020, đã hỗ trợ có mục tiêu cho Ủy ban nhân dân 08 huyện, thị xã 41,18 tỷ đồng/7.503 hệ thống xử lý nước theo chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh:
Công tác cấp nước sạch đô thị có những bước phát triển nhiều so với vùng nông thôn, công trình có quy mô lớn, hiệu quả sử dụng, tính bền vững và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Hiện nay, cấp nước đô thị do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh quản lý, phân phối. Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh đang quản lý 04 nhà máy nước với công suất từ 6.600 – 28.000 m3/ngày.đêm, tổng công suất thiết kế là 80.600 m3/ngày.đêm, cấp nước cho dân cư thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị trấn Châu Thành, thị trấn Bến Cầu, thị trấn Gò Dầu, thị trấn Trảng Bàng và khu vực xã lân cận.
Mặt khác, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã có những biểu hiện của biến đổi khí hậu rõ rệt: Nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa vào mùa khô giảm đều qua các tháng, mùa mưa thì ngắn lại, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường (nắng nóng, hạn kéo dài…). Đồng thời mưa lớn, ngập úng cũng xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng môi trường, thiên nhiên nói chung và sự phát triển bền vững. Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các hoạt động, các chính sách, chiến lược và các quy hoạch phát triển của địa phương, trong đó, việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Khu vực cấp nước có địa hình tương đối cao, vào mùa khô, mực nước ngầm thường hạ thấp, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân tăng, các trạm cấp nước hoạt động vượt công suất. Một số khu vực điển hình ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, gồm 02 huyện Tân Biên và Tân Châu thuộc vùng khan hiếm nước, hệ thống sông suối ít, nhỏ, nước bị nhiễm phèn, đá vôi khá nặng, việc khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân tương đối khó khăn, nhân dân sử dụng giếng khoan nhỏ lẻ, chất lượng nước sinh hoạt chưa đảm bảo. Khu vực huyện Châu Thành, Bến Cầu, đặc biệt là các xã khu vực biên giới, có nguồn nước mặt của sông Vàm Cỏ Đông, tuy nhiên chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Mặt khác, trữ lượng nguồn nước ngầm ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, nếu khai thác về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Vì vậy, để từng bước giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khắc phục hiện trạng cấp nước sạch nông thôn hiện nay: Công suất thấp, nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao phủ địa bàn các huyện và đáp ứng yêu cầu của nhân dân về đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người, theo đó định hướng đầu tư các công trình cấp nước có quy mô tập trung, liên xã, liên huyện, công suất lớn, công tác quản lý, vận hành phải có nguồn nhân lực đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo cấp nước an toàn để cung cấp nước sạch cho nhân dân. Các công trình cấp nước đặt tại vị trí trung tâm, ngoài việc sử dụng hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu, cần bổ sung, đầu tư hoàn chỉnh tuyến ống cấp nước lan rộng ra khu vực xung quanh. Đồng thời, việc sử dụng nguồn nước mặt, ổn định về chất lượng và trữ lượng, thay thế nguồn nước ngầm là phù hợp với xu hướng trong giai đoạn hiện nay.
UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất nhu cầu vay vốn Ngân hàng Thế giới để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trình nước sạch nông thôn. Ngân hàng Thế giới là tổ chức tài trợ phát triển lớn nhất trên toàn cầu, có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trên toàn cầu trong lĩnh vực nước sạch vệ sinh nông thôn và đồng thời trong các hoạt động chống chọi với khí hậu và các hoạt động liên quan tới đầu tư có sự tham gia của khối tư nhân trong đa lĩnh vực. Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn là chương trình do Ngân hàng Thế giới - Wolrd Bank (WB) hỗ trợ từ năm 2013, thực hiện trên phạm vi 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã đem lại những thành công đáng kể. Chương trình đã góp phần mang nước sạch đến với khoảng 1 triệu người dân và kinh nghiệm triển khai dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực nước sạch. Để người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất WB tiếp tục hỗ trợ Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư của Dự án là 389,5 triệu USD. Ngày 27/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo đề xuất Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc điều hành hoạt động dự án tại Việt Nam.
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh nông thôn cho khoảng 27.000 hộ, tương đương 101.389 người một cách bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực nông thôn, giúp Nhân dân tiếp cận, sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu: tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 72%, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất xây dựng mới 2 hệ thống cấp nước sạch tập trung với công suất cấp nước sạch từ 7.500 đến 11.500 m3/ngày đêm, cụ thể:
Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (06 xã: Mỏ Công, Trà Vong, Tân Phong, Tân Bình, Tân Lập, Thạnh Tây). Công suất dự kiến: từ 8.000 m3/ngày.đêm đến 11.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 13.500 hộ với tổng mức đầu tư: 220 tỷ đồng. Nguồn nước thô lấy trực tiếp từ kênh Tân Hưng thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng.
Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã huyện Châu Thành và Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (10 xã: Ninh Điền, Thành Long, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Long Vĩnh thuộc huyện Châu Thành và xã: Long Phước, Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Công suất dự kiến: từ 7.500 m3/ngày.đêm đến 11.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 13.500 hộ với tổng mức đầu tư: 220 tỷ đồng. Nguồn nước thô lấy trực tiếp từ sông kênh chính của dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Dự kiến, sau khi xây dựng hoàn thành 2 hệ thống cấp nước sạch tập trung, tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ đạt được một số hiệu quả tích cực, cụ thể như giảm gánh nặng về nước sạch đối với các hộ dân khu vực khó khăn về nguồn nước, biên giới, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chi phí sử dụng nước tại những vùng khan hiếm nước sẽ giảm và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế xã hội; làm giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội của người dân nông thôn, góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, hạn chế chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị. Dự án hoàn thành góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt là khắc phục được tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch như quy hoạch hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện và không cụ thể, dân cư thưa thớt, tập trung chủ yếu quanh các tuyến đường giao thông chính, chính vì vậy, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống tuyến ống cấp nước gặp nhiều khó khăn, chi phí cao và vướng mặt bằng nhà dân. Đồng thời, quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống đường giao thông sẽ gây phá hủy hạ tầng ngành nước và tuyến ống hiện có.
Ý kiến bạn đọc