I. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Thủy lợi có vai trò và vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng một chiến lược phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020, theo đó các thành tựu khoa học công nghệ sẽ đóng góp từ 40-50% GDP nông nghiệp, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. Theo Đề án "Phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", tổng diện tích cây trồng cạn chủ lực, có thị trường (cà phê, chè, hồ tiêu, điều, mía, cây ăn quả, rau, hoa) đến năm 2020 là 2.705.000 ha. Một trong những mục tiêu của Đề án "Tái cơ cấu ngành thủy lợi" là phát triển một nền nông nghiệp chủ động về nguồn nước tưới, tiêu theo hướng hiện đại, triển khai trên diện rộng, đẩy mạnh các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực: Cà phê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, hoa, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
II. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY TRỒNG CẠN TẠI TÂY NINH
Công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trên thế giới và được áp dụng tại Tây Ninh từ hơn 10 năm qua. Với phương thức sử dụng công nghệ, kỹ thuật tưới này đã chứng tỏ tính ưu việt so với phương thức tưới truyền thống về nhiều mặt như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, tăng năng suất, cải thiện thu nhập người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực trên địa bàn tỉnh như: cây Mãng Cầu, cây Mía, cây Mì đã cho thấy rằng, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10% - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20% - 50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20% - 40%. Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với hình thức tưới truyền thống, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn khó khăn và hạn chế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 34.971,17 ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, trong đó: Cây Mãng Cầu: 3.544 ha, cây Mía: 3.883,27 ha, cây Mì: 22.712,40 ha, cây ăn quả: 366,20 ha, rau màu: 4.309,10 ha, hoa: 44,40 ha, cây khác: 111,80 ha.
Hình ảnh tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng trên địa bàn tỉnh
Nguyên nhân áp dụng, phát triển mô hình tưới tiết kiệm còn hạn chế chủ yếu là do chi phí đầu tư (nhất là đầu tư ban đầu về thiết bị, vật tư, con người...), đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người dân và đòi hỏi có kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng, trong khi động lực của người sản xuất chưa đủ lớn (chưa thấy hết được lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế của việc áp dụng công nghệ này so với phương pháp tưới truyền thống) nên chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Ngoài ra, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân, tổ chức kinh tế, xã hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây trồng chủ lực còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa tạo động lực cho việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.
III. GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát triển mô hình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng xuất sản có địa hình cao, thiếu nguồn nước sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng của hạn, biến đổi khí hậu nhằm tăng chuỗi giá trị nông sản về chất lượng, năng suất, cải thiện đời sống người dân. Tiềm năng phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở Tây Ninh còn rất lớn cả về phạm vi và quy mô. Để phát triển mô hình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cận tập trung:
Một là, phát triển ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện rộng cần nghiên cứu các giải pháp thích hợp, hoàn thiện công nghệ, thiết bị nhằm giảm giá thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hai là, giải pháp về công nghệ cũng cần cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, như chính sách khuyến khích đầu tư công – tư trong xây dựng, quản lý khai thác công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực có thị trường, chính sách liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp, nông dân.
Ba là, tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm, lồng ghép vào các dự án quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp,...phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn: Chi cục Thủy lợi
Ý kiến bạn đọc