Để nghề nuôi chim yến ở Tây Ninh phát triển bền vững

Thứ năm - 10/10/2024 15:35 140 0

Trong vòng 10 năm qua, số lượng nhà nuôi chim yến (nhà yến) ở Tây Ninh ngày càng tăng và hiện chỉ đứng sau tỉnh Bình Phước về số lượng nhà yến trong khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, do phần lớn nhà yến được xây dựng trước năm 2020, khi Luật Chăn nuôi chưa ra đời nên nhiều nhà yến gần khu dân cư ảnh hưởng tiếng ồn, gây bức xúc cho người dân nên tỉnh đang từng bước chấn chỉnh, quy hoạch lại vùng nuôi chim yến cho phù hợp, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu.

Nhà nuôi yến ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh Ảnh: SỸ CÔNG

Nhà nuôi yến ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh Ảnh: SỸ CÔNG

Quy hoạch lại hoạt động nuôi chim yến

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Tây Ninh, năm 2019 toàn tỉnh có 190 nhà yến, đến tháng 8-2024 có 1.023 nhà yến (tăng hơn 5 lần so với năm 2019) của 776 hộ dân, tổ chức. Hiện nay, số lượng nhà yến đang hoạt động nhiều nhất thuộc về huyện Châu Thành với 326 nhà yến, kế đến là huyện Tân Biên với 227 nhà yến. Thực hiện các quy định của pháp luật về chăn nuôi yến, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về nuôi chim yến tại khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư.

Trong năm 2021, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra đột xuất 20 cơ sở nuôi chim yến với kết quả: 100% cơ sở đều không có chủ trương cho xây dựng nhà yến của cấp có thẩm quyền hoặc giấy phép xây dựng; trong đó, 4 cơ sở có giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (giấy phép này không phù hợp); không có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin trong quá trình nuôi chim yến; tất cả cơ sở nuôi chim yến không có kế hoạch bảo vệ môi trường. Có 6 nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m, vi phạm quy định về sử dụng loa phóng, phát âm thanh dẫn dụ chim yến. Đoàn tiến hành quan trắc tiếng ồn tại các cơ sở này và lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 27 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP với tổng số tiền phạt 24 triệu đồng.

Trong 2 năm 2022 và 2023, đoàn đã kiểm tra 49 cơ sở nuôi chim yến với kết quả: 44/49 cơ sở hoạt động từ trước năm 2020 và đều nằm trong khu dân cư hiện hữu; trong đó, có 9 cơ sở tận dụng nhà ở để nuôi chim yến; có 6 cơ sở đang sử dụng loa phóng, phát âm thanh để dẫn dụ chim yến và đã bị xử phạt hành chính, mỗi cơ sở 4 triệu đồng.

Qua thống kê, hiện có 313/1.023 nhà yến (chiếm tỷ lệ 30,6%) nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư và hầu hết những nhà yến này xây dựng trước khi có Luật Chăn nuôi và các quy định về nhà yến có hiệu lực; không ít hộ xây dựng nhà yến nhưng chưa tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi yến, bị tác động bởi các nhà thầu xây dựng nhà yến.

Một tin vui đến với nghề nuôi chim yến ở Tây Ninh là trong tháng 9 đầu năm 2024, Công ty CP Yến sào Huỳnh Yến với hơn 80 nhà yến tại tỉnh đã xuất được lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc và theo lãnh đạo công ty này đánh giá thì triển vọng xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này là rất khả quan, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi chim yến xuất khẩu của tỉnh.

Phát triển nghề yến theo hướng xuất khẩu

Cụ thể hóa nội dung quy định của Luật Chăn nuôi, các Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 của Chính phủ; HĐND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9-12-2021 và UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 20/2024/QĐ-UBND ngày 13-6-2024 về danh mục các khu dân cư thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, việc quản lý xây dựng mới nhà yến đã dần đi vào nền nếp, các hộ có nhu cầu xây mới nhà yến nộp hồ sơ để được Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương thẩm định, xem xét vị trí nhà yến; thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng theo đúng quy định.

Tuy nhiên, do phần lớn nhà yến được xây dựng kiểu phong trào nên hiện chỉ mới có 5 hộ kinh doanh và 3 doanh nghiệp chế biến tổ yến thành phẩm, phần lớn các cơ sở nuôi chim yến mới chỉ dừng ở dạng sơ chế (yến thô) nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao và hiện mới chỉ có 11 cơ sở, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp các địa phương trong tỉnh tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động đối với các nhà yến chưa thực hiện các thủ tục về chăn nuôi, thú y, đất đai, xây dựng, môi trường; nhất là những nhà yến trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực; khuyến cáo các hộ có ý định nuôi yến cần tìm hiểu kỹ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về quản lý hoạt động nuôi chim yến (thay thế Chỉ thị số 06/ CT-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh). Đồng thời, định hướng các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến phải thực hiện đánh giá để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; tăng hàm lượng chế biến tổ yến, đăng ký thương hiệu, thực hiện các thủ tục theo quy định để được cấp mã số định danh nhằm hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành nuôi chim yến.

QUANG PHÚ

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: www.sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây