Lợi ích lớn từ việc giảm phát thải khí metan trên ruộng lúa

Thứ ba - 01/10/2024 15:48 212 0

Ngày 30.9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo khảo sát, lấy ý kiến đối với các biện pháp canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm phát thải CO2 trên đất trồng lúa.

Đại biểu dự hội thảo.

Tham dự có TS. Mai Văn Trịnh- Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp; đại diện Công ty Thanks Carbon INC Hàn Quốc; công ty Cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; hợp tác xã, nông dân trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, các huyện Bến Cầu, Gò Dầu và Châu Thành.

Cây lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác tại Tây Ninh. Vùng sản xuất lúa tập trung chủ yếu ở 5 huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng.

Tổng diện tích sản xuất lúa năm 2023 của tỉnh đạt trên 148.000 ha, năng suất đạt khoảng 55 tạ/ha, sản lượng thu hoạch gần 821.000 tấn. Dự kiến diện tích sản xuất năm 2024 khoảng 146.700 ha, năng suất ước đạt 56 tạ/ha, sản lượng trên 821.000 tấn. Bộ giống chủ lực nông dân sử dụng là giống xác nhận, chất lượng tốt được thị trường chấp nhận. Các giống lúa được trồng chủ yếu gồm: OM18, OM5451, OM1352, Đài thơm 8, ST24, ST25, nếp IR4625...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa lớn, tập trung và có hợp đồng liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp như Công ty CP sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời, Công ty cổ phần Thành Thành Công, Công ty TNHH Vật tư Nông Nghiệp Khánh Ngọc, Công ty CP giống cây trồng Miền Nam, Nhà máy chế biến hạt giống Lộc Trời...

Ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội thảo.

Đại diện Công ty Thanks Carbon INC Hàn Quốc cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, một lượng lớn khí metan (CH4)- một loại khí nhà kính cực mạnh- được thải ra từ các cánh đồng lúa. Việc ngập nước trên các cánh đồng tạo ra một môi trường kiệm khí, thiếu oxy và dẫn đến việc phát thải lượng metan dư thừa.

Trong nhiều nghiên cứu về quá trình hình thành khí metan, nước ngập lâu dài trong đất được đề xuất là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự hình thành metan. Để giải quyết vấn đề này, việc áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về phân bón và thuốc BVTV, tận dụng rơm rạ và xây dựng thương hiệu cho gạo chất lượng cao, phát thải thấp có thể giúp chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.

Công ty đề xuất thực hiện dự án “Ứng dụng tưới ướt khô xen kẽ (AWD) trong sản xuất lúa phát thải thấp hướng tới nông nghiệp bền vững tại tỉnh Tây Ninh” trong thời gian 20 vụ (mùa khô) từ năm 2024-2034, trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Diện tích thực hiện dự kiến khoảng 42.000 ha, lượng giảm phát thải COdự kiến 2,9 triệu tấn/10 năm (theo tiêu chuẩn vàng, lượng giảm phát thải CO2 là 6,97 tấn/ha).

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về hiện trạng trồng lúa trên địa bàn tỉnh, các biện pháp canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm phát thải CO2 trên đất trồng lúa. 

Theo Sở NN&PTNT, áp dụng quy trình tưới ướt khô xen kẽ giúp tăng năng suất lúa, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm nước. Ngoài ra, lúa làm theo cách này còn có thể được dán chứng nhận lúa phát thải thấp và bán được giá cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nông dân xã An Hoà, thị xã Trảng Bàng thu hoạch lúa.

Dự án mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân thông qua việc giảm chi phí đầu vào, giúp nông dân tăng thu nhập từ việc bán gạo chứng nhận chất lượng cao và tín chỉ carbon. Qua đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch và cải thiện chất lượng đất.

Tuy nhiên, dự án cũng mang lại thách thức, nhiều nông dân có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống và áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dự án này có tiềm năng lớn trong việc cải thiện sản xuất lúa gạo bền vững tại Tây Ninh, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân và địa phương. Tuy nhiên, để bảo đảm thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương pháp canh tác và bảo đảm tính khả thi của các công nghệ áp dụng.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tới phát triển nền nông nghiệp bền vững vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần giải quyết các vấn đề chung về môi trường, đặc biệt là giảm thiểu phát thải CO2, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” mà Việt Nam và gần 150 quốc gia đã cam kết tại Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. 

Trúc Ly

 

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây