Điểm mới Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ ba - 14/01/2025 15:55 711 0

          Ngày 17/11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực 01/01/2025, thay thế Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT. Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời cập nhật đầy đủ các mẫu hồ sơ mời thầu, các biểu mẫu cần thiết và các quy định cụ thể cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình tham dự thầu.

So với Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, Thông tư 22/2024/TT BKHĐT mới ban hành gồm 33 Điều và 42 Mẫu hồ sơ, 10 phụ lục kèm theo, mang đến nhiều điểm mới đáng chú ý, cụ thể:

1. Bổ sung, chuẩn hóa các mẫu hồ sơ mới, gồm:

-  Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển; hồ sơ mời thầu gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.

- Mẫu hồ sơ mời thầu gói thầu mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.

- Mẫu hồ sơ chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường, quy trình rút gọn.

- Mẫu hồ sơ mua sắm trực tuyến.

- Các biểu mẫu để thực hiện việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, gồm:

2.1. Kết nối Hệ thống với Hệ thống thông tin về quản lý ngân sách và kho bạc

 Việc gửi hồ sơ thanh quyết toán đến Kho bạc Nhà nước (Điều 10) có thể thực hiện trên Hệ thống theo Hướng dẫn sử dụng thông qua việc kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý ngân sách và kho bạc. Nhà thầu không phải cung cấp thông tin, tài liệu cho Kho bạc Nhà nước đối với các thông tin, tài liệu được lưu trữ trên Hệ thống, bao gồm cả văn bản điện tử quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này.

2.2. Điều chỉnh về nguồn lực tài chính và nhân sự chủ chốt

- Cho phép chủ đầu tư chọn áp dụng hoặc không áp dụng cam kết cung cấp tín dụng nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong quá trình xác định năng lực tài chính của nhà thầu (điểm b, khoản 1, Điều 26).

- Cho phép chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất gói thầu để xác định yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với chỉ huy trưởng công trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật, an toàn lao động và các vị trí công việc quan trọng khác cho phù hợp với yêu cầu của gói thầu để tránh lạm dụng, tùy tiện đưa ra các yêu cầu quá cao làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu (tại Mục 2.2 Chương III của Mẫu E-HSMT xây lắp).

2.3. Quy định về hợp đồng điện tử

Bắt buộc triển khai hợp đồng điện tử (Điều 31) đối với các gói thầu đấu qua mạng theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 50 của Luật Đấu thầu 2023. Tương lai sẽ thực hiện thanh toán điện tử nhờ vào việc Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia kết nối trực tiếp tới Hệ thống của Kho bạc.

2.4. Sửa đổi quy định về bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng

Nhà thầu chỉ cần cam kết trong đơn dự thầu đối với bảo đảm dự thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng (Thông tư này đã tăng từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng); đối với giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì khi đối chiếu tài liệu hoặc ký hợp đồng, nhà thầu không bắt buộc đính kèm bảo lãnh dự thầu mà có thể thực hiện bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản (Mục 18 Chương I của E-HSMT xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn) giảm chi phí và thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.5. Sửa đổi quy trình nộp E-HSDT

Để bảo đảm tính minh bạch trong việc mở thầu đối với các E-HSDT không được nộp theo E-HSMT sửa đổi. Theo đó, trường hợp nhà thầu không nộp lại E-HSDT sau khi E-HSMT được sửa đổi thì E-HSDT đã nộp trước thời điểm E-HSMT được sửa đổi sẽ không được mở, xem xét, đánh giá (Mục 17 (E-HSMT tư vấn), Mục 20 (Mẫu E-HSMT xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn) Chương I).

2.6. Quy định về nhà thầu phụ

Bổ sung quy định về sử dụng nhà thầu phụ đối với nhà thầu liên danh để cho phép thành viên liên danh được sử dụng nhà thầu phụ tương ứng với tỷ lệ công việc đảm nhận trong liên danh nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình quản lý nhà thầu phụ (Mục 27.3 (E-HSMT xây lắp, EPC, EP, EC, PC), Mục 26.3 (E-HSMT tư vấn), Mục 27.2 (E-HSMT phi tư vấn) Chương I).

2.7. Bổ sung quy định về giấy phép bán hàng

Trường hợp nhà thầu được xét duyệt trúng thầu nhưng không được nhà sản xuất hoặc đại lý cung cấp giấy phép bán hàng mà không có lý do chính đáng, nhà thầu vẫn được ký hợp đồng nếu có đủ khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác cung cấp dịch vụ sau bán hàng; khắc phục tình trạng nhà sản xuất, đại lý cố tình cản trở việc trúng thầu của nhà thầu (E-CDNT 16 Chương II Mẫu E-HSMT hàng hóa).

2.8. Triển khai quy trình bảo lãnh điện tử

Nhà thầu có thể thực hiện bảo lãnh trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

2.9. Tính năng chào giá trực tuyến

Chào giá trực tuyến áp dụng cho các gói thầu hàng hóa và dịch vụ phi tư vấn theo quy trình rút gọn, tăng tính cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu.

Trường hợp không đấu thầu qua mạng thì chủ đầu tư/bên mời thầu chỉnh sửa các Mẫu E-HSMT ban hành kèm theo Thông tư này trên cơ sở bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và phù hợp với cách thức tổ chức lựa chọn nhà thầu không qua mạng.

Tổng quan, Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động đấu thầu tại Việt Nam, cụ thể hóa Luật Đấu thầu, Nghị định 24/2024/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ và cơ sở dữ liệu minh bạch. Song song đó, Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT sử dụng các công cụ số hóa trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là yêu cầu bắt buộc phản ánh chính xác, minh bạch, giảm thiểu thời gian quy trình thực hiện đấu thầu và đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính theo quy định pháp luật hiện hành trong tình hình mới./.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây