Ngày 04/6/2021, tại Văn phòng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; tại điểm cầu Trung ương, với sự tham gia của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Phó Trưởng ban thường trực; ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai; đại diện các ban, cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các Bộ, ngành Trung ương là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ trì.
Tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; nhận định, báo cáo tham luận về công tác phòng, chống thiên tai của các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện Liên hiệp Quốc tại Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội,….
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự tích cực, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 đã góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Bên cạch đó, theo nhận định của ngành Khí tượng Thủy văn, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, có 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; Lũ, lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị, Phó Thủ tướng Chính phủ yếu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 như sau:
- Cảnh báo dự báo thiên tai kịp thời, chính xác; sẵn sàng lực lượng phương tiện, trang thiết bị để cứu hô, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
- Địa phương có vai trò quyết định trong công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục phát huy thực hiện phương châm "bốn tại chỗ"; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tinh gọn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
- Hợp tác quốc tế, bố trí nguồn lực, huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương; theo dõi chặc chẽ, kịp thời và khắc phục khẩn trương thiệt hại do thiên tai gây ra, theo đó lấy sự an toàn tính mạng của người dân làm hiệu quả, thước đo kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm; phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập; kế hoạch di dời dân cư bị ảnh hưởng sạt lở đất, ngập lụt để đảm bảo an toàn./.
Chi cục Thủy lợi
Ý kiến bạn đọc