Sáng ngày 03/7/2024, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và sơ kết phong trào thi đua “Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”.
Ông Lê Anh Tâm – Phó Giám đốc Sở Nông ngiệp và PTNT báo cáo tại Hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào ổn định đời sống cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, giá trị sản phẩm nông nghiệp 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành đạt 9.687 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của Ngành đạt 3,74%, đóng góp 16,96% vào tổng GRDP của tỉnh.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xuống giống 169.709 ha cây trồng ngắn ngày, đạt 66% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ; cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo định hướng khi tiếp tục chuyển đổi cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao với diện tích chuyển đổi đạt 119,5 ha, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 110 triệu đồng/ha/năm, dịch bệnh trên cây trồng giảm so với cùng kỳ, chủ yếu nhiễm nhẹ. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, tổng số lượng đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển mạnh mẽ, số lượng đàn vật nuôi đạt 504.300 con gia súc và 9,9 triệu gia cầm, tăng 10% so cùng kỳ, hoàn thành xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn tại huyện Tân Châu.
Công tác thủy lợi được tập trung thực hiện, phục vụ tưới cho 91.279 ha, đạt 60,7% kế hoạch và tăng 34,4% so cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 69%; công tác trồng, chăm sóc rừng được thực hiện tốt, tỷ lệ che phủ rừng duy trì 16,3%, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích 16,1 ha, tuy nhiên ngành đã kịp thời xử lý, hạn chế được thiệt hại gây ra.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai rộng khắp, thực chất. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 65/71 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 91,5%; 25/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 33,8%; có 03/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 4,2%; 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (công nhận thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đã gửi hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị xét công nhận Thành phố Tây Ninh, Thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện, đến nay đã có 95 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Các đơn vị tham gia ý kiến tại Hội nghị
Công tác thu hút đầu tư được triển khai thực hiện rộng rãi, đã tổ chức thẩm định 31 dự án xin xây dựng với 54 nhà yến, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2024, đã có 02 doanh nghiệp tiếp cận, xin chủ trương đầu tư; khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh quy mô 39,5 ha, công bố 07 dự án trọng điểm tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh do Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư. Một số công tác khác như cải cách hành chính và chuyển đổi số, khuyến nông, xúc tiến thương mại... được ngành đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết nắng nóng kéo dài, giá vật tư nông nghiệp đầu vào, công lao động tăng mạnh dẫn đến chi phí sản xuất nông sản tăng cao; thị trường tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá cả sản phẩm nông nghiệp thay đổi liên tục phụ thuộc vào thương lái; vi phạm lâm nghiệp về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ, mua, bán, sử dụng lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra do địa bàn quản lý rộng, lực lượng quản lý còn mỏng, các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi; việc thu hút, mời gọi đầu tư, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn khó khăn trong huy động nguồn vốn, thủ tục đất đai, hồ sơ pháp lý; việc giải ngân vốn ngân sách trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp (28,2%); một số nội dung quản lý của ngành nằm trong chương trình công tác của UBND tỉnh qua rà soát còn thiếu cơ sở pháp lý, còn chồng chéo các quy định nên sẽ phải xin chủ trương tạm dừng thực hiện.
Qua 3 năm triển khai phong trào thi đua thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh phát động, phong trào thi đua đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân về cơ cấu lại nông nghiệp; quan điểm, định hướng cơ cấu lại nông nghiệp được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở, từ đó thu hút được sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp; nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành và cơ quan quản lý chuyên ngành tại các địa phương cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, kiến nghị những vấn đề liên quan. Các ý kiến góp ý của đại biểu đều được Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị bám sát, rà soát lại tất cả các chỉ tiêu của ngành, có giải pháp, lộ trình hoàn thành nhiệm vụ được giao; rà soát, có giải pháp khắc phục tình trạng thả rông động vật nuôi nơi công cộng, tình trạng khỉ quấy phá nhà người dân tại khu thị xã Hòa Thành, có báo cáo riêng về tình hình xảy ra bệnh Dại từ đầu năm, trong đó nêu rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các ca tử vong do bệnh Dại; thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt trên lĩnh vực chăn nuôi thú y, thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó chú trọng về giống, công nghệ, phát triển công nghệ chế biến, đẩy mạnh sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch, thực hiện chặt chẽ công tác cấp, xây dựng mã vùng trồng, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, dự báo sản lượng, dự báo thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phân tích khách quan hiệu quả kinh tế, rủi ro khi nhân rộng, mở rộng quy mô để đưa ra khuyến cáo, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền phổ biến các mô hình có hiệu quả kinh tế cao (sầu riêng, mì,…); công tác tập huấn, tuyên truyền phải rõ ràng, hiệu quả, phù hợp, đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao Bằng khen của Chủ tịch UBND cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua
Dịp này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023.
Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT./.
Tác giả: Admin_Sonn
Ý kiến bạn đọc