Mãng cầu được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh và Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng Mãng cầu lớn nhất nước 5.520 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm 5.100 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt 72.930 tấn/năm. Sản phẩm Mãng cầu Bà Đen được Cục Sở Hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam tại Quyết định số 1804/QĐ-SHTT ngày 10/8/2011 về việc cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được xếp hạng sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Hình Vườn mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen
Mãng cầu Tây Ninh có thương hiệu nổi tiếng và chiếm hơn 40% thị trường cả nước nhờ vào các lợi thế:
Thứ nhất, điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Mãng cầu Tây Ninh được trồng chủ yếu xung quanh khu vực núi Bà Đen, đất xám nền phù sa cổ, địa hình triền núi đốc thoai thoải, không úng nước kết hợp với khí hậu ôn hòa nên có mùi vị, chất lượng khác biệt so với mãng cầu trồng ở nơi khác: trái to, mắt dày, rãnh sâu rất ưa nhìn, thịt dai, ngọt đậm.
Thứ hai, hiện nay mãng cầu tại Tây Ninh có thể cho trái quanh năm, chủ động theo nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cơ sở trồng mãng cầu áp dụng, giúp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa giúp mãng cầu được nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm
Thứ tư, người nông dân có kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mãng cầu; hầu hết diện tích canh tác mãng cầu tại Tây Ninh đều áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật: sử dụng phân hữu cơ hoai, hữu cơ vi sinh; tưới phun tự động; bao trái; xử lý ra hoa trái vụ (tuốt lá mãng cầu) để cây ra trái theo thời gian mong muốn nên chất lượng mãng cầu tại Tây Ninh luôn được đảm bảo và ngày càng uy tín.
Thứ năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm mãng cầu Tây Ninh ngày càng mở rộng, có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn trong nước như Aeon (Nhật Bản), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Coopmart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hóa Xanh, Winmart, thị trường các tỉnh miền bắc, miền trung và Tây Nguyên, xuất khẩu sang Mỹ, Nga và các nước Trung Đông.
Thứ sáu, các sản phẩm chế biến từ mãng cầu ngày càng đa dạng như Rượu mãng cầu (Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan), nước ép mãng cầu (Công ty TNHH Đông dược Vĩnh Xuân). Các sản phẩm này đều được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, ngành nông nghiệp tập trung vào 05 giải pháp:
1. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hình thành vùng sản xuất mãng cầu ứng dụng CNC tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh (theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án vùng sản xuất NNUDCNC tỉnh Tây Ninh).
2. Triển khai các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và chế biến mãng cầu, các sản phẩm từ mãng cầu thông qua các chính sách: hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ việc áp dụng VietGAP; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
3. Đào tạo, tập huấn, khuyến khích người dân sản xuất mãng cầu sạch theo VietGAP, hữu cơ.
4. Tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu. Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vùng trồng và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
5. Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp bảo quản, đóng gói hiệu quả nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ mãng cầu như: trà, rượu, nước ép, mãng cầu sấy ... đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng
Hình: Các sản phẩm chế biến từ mãng cầu Tây Ninh
Đối với bà con nông dân, để chung tay phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, cần lưu ý:
Thứ nhất, nên chuyển đổi từ trồng mãng cầu truyền thống sang áp dụng các quy trình sản xuất mãng cầu sạch, đảm bảo ATTP, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thứ hai, tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đồng thời được chuyển giao khoa học công nghệ, được bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thứ ba, áp dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hiện đăng ký mã số vùng trồng để phục vụ cho xuất khẩu./.
Hình: Vườn mãng cầu tại HTX Mãng Cầu Thạnh Tân
Tác giả: Thông tin can biet -khtc
Ý kiến bạn đọc