Những điểm mới nổi bật của Luật Thanh tra năm 2022

Thứ năm - 09/03/2023 08:18 953 0

Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH12.

Luật Thanh tra năm 2022 có 08 Chương và 118 điều luật, trong đó, có một số nội dung mới, quan trọng cần lưu ý, như:

I. VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA

1. Luật Thanh tra năm 2022 không còn dùng cụm từ “cơ quan thanh tra nhà nước” như Luật Thanh tra năm 2010. Theo Điều 9 của Luật Thanh tra năm 2022, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, cơ quan thanh tra gồm:

- Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra cấp tỉnh; Thanh tra cấp huyện; Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

- Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm: Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở.

- Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

- Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 36 của Luật Thanh tra năm 2022 như sau:

“Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:

1. Theo quy định của luật;

2. Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Chính phủ giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực có liên quan.”

2. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra, đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022.

Theo Điều 18 của Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

3. Khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra năm 2022 quy định Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:

- Theo quy định của luật;

- Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

- Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Còn đối với quy định hiện hành, thì Thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

II. VỀ THANH TRA VIÊN

Hiện nay, tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên được thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7, 8, 15 của Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.

Các quy định này đã được luật hóa và quy định tại các Điều 39, 40, 41, 42 của Luật Thanh tra năm 2022.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã bỏ quy định về cộng tác viên thanh tra (được quy định tại Điều 35 của Luật Thanh tra năm 2010).

Nhìn chung, các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên không có sự thay đổi về yêu cầu trình độ và thâm niên công tác, còn các trường hợp miễn nhiệm thanh tra viên thì được bổ sung thêm một số trường hợp như:

- Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022;

- Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;

- Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch.

III. BỎ QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA NHÂN DÂN

Tại Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Theo đó, thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân, được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng đến Luật Thanh tra năm 2022, các quy định của thanh tra nhân dân đã không còn trong luật. Chế định thanh tra nhân dân sẽ được căn cứ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

IV. VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA

1. Về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra

Khoản 1 Điều 59 của Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra”.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 43 và khoản 1 Điều 51 của Luật Thanh tra năm 2010 quy định: "Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra" và  "Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra".

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022 thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng, Giám đốc sở không còn ra quyết định thanh tra.

2. Luật hóa một số quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ  quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, như: Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra; Tham khảo ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra; Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; Ban hành kết luận thanh tra; Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

3. Bổ sung quy định về: Tạm dừng cuộc thanh tra; Đình chỉ cuộc thanh tra.

4. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Điều 78 của Luật Thanh tra năm 2022. Việc quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra sẽ khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần loại bỏ tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây