Một số giải pháp cần thực hiện trong sản xuất vụ Hè Thu 2023

Thứ hai - 22/05/2023 15:34 615 0
Vụ Hè Thu năm 2023, dự kiến trên địa bàn tỉnh có hơn 70.000 ha canh tác các loại cây hàng năm như: cây lúa (45.000 ha), cây khoai mì (13.000 ha), cây rau các loại (6.500 ha), cây công nghiệp ngắn ngày (1.700 ha), cây bắp (1.250 ha), đậu các loại (800 ha) và nhóm cây hàng năm khác (hơn 2.000 ha).Để góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng cuối vụ, bà con nông dân cần lưu ý, thực hiện một số giải pháp phòng trừ.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG SẢN XUẤT VỤ HÈ THU 2023

Vụ Hè Thu năm 2023, dự kiến trên địa bàn tỉnh có hơn 70.000 ha canh tác các loại cây hàng năm như: cây lúa (45.000 ha), cây khoai mì (13.000 ha), cây rau các loại (6.500 ha), cây công nghiệp ngắn ngày (1.700 ha), cây bắp (1.250 ha), đậu các loại (800 ha) và nhóm cây hàng năm khác (hơn 2.000 ha).

Mặt khác, theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Tây Ninh, trong tháng 5/2023, nhìn chung nhiệt độ trong tháng giảm nhiều so tháng 4/2023, khả năng mùa mưa sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 - 20/5 và mưa xuất hiện chủ yếu vào buổi trưa, chiều tối; đề phòng dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá, mưa lớn trên diện rộng. Đây là điều kiện thuận lợi Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gây hại: nhóm côn trùng chích hút phát sinh trong giai đoạn nắng nóng đầu vụ Hè Thu; nhóm bệnh hại có tác nhân là nấm, vi khuẩn trong điều kiện thời tiết có mưa, nhất là có dông, lốc xoáy và gió giật mạnh trong cơn mưa.

        Để góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng cuối vụ, bà con nông dân cần lưu ý, thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
         1. Cây lúa
         - Thời gian xuống giống: căn cứ tình hình thuỷ văn tại địa phương và lịch xuống giống né rầy được ngành Nông nghiệp khuyến cáo trên địa bàn tỉnh để chọn thời điểm xuống giống thích hợp. Trong đó, lịch xuống giống né rầy trên địa bàn tỉnh được khuyến cáo như sau:
         + Đợt 1: 26/4/2023 – 02/5/2023  (07/3/2023 – 13/3/2023 âm lịch)
         + Đợt 2: 11/5/2023 – 17/5/2023 (22/3/2023 – 28/3/2023 âm lịch)
         + Các diện tích xuống giống muộn phải kết thúc trước ngày 15/6/2023 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ lúa tiếp theo.
         - Giống lúa được khuyến cáo xuống giống:
         + Các giống chất lượng cao, hạt dài, màu trắng trong: OM5451, OM18, OM4900.
         + Các giống lúa thơm: ST24, ST25, Đài Thơm 8.
         + Các giống có chất lượng trung bình như: OM 576, IR 50404.
         - Một số kỹ thuật canh tác lúa cần lưu ý:
       + Xử lý rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Trong trường hợp cày vùi rơm rạ tươi vào đất: bà con nông dân nên xuống giống sau khi phơi ruộng ít nhất 03 – 04 tuần để rơm rạ có đủ thời gian để phân hủy. Đồng thời, kết hợp phun thêm nấm Trichoderma để đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ. 
        + Làm đất bằng phẳng, có hệ thống rãnh thoát nước tốt trước khi gieo sạ để quản lý cỏ dại và hạn chế đọng nước ở giai đoạn đầu vụ vì có thể gây chết mầm lúa trong điều kiện nắng nóng.
        + Sử dụng lượng lúa giống  từ 80 – 100 kg/ha; tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy.
        + Bón phân cân đối, sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng phân đạm hợp lý.
      + Quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo Sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính của Tổng cục Thủy lợi.
        - Một số đối tượng gây hại chính cần quan tâm phòng trừ:
       + Rầy nâu: thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát tình hình rầy nâu di trú và trên đồng ruộng, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh cháy rầy. Khi thấy rầy nâu xuất hiện với mật số cao (> 03 con/tép), có thể xử lý như sau:
      •   Đối với rầy nâu ở giai đoạn nhỏ (tuổi 2-3): sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất Buprofezin hoặc hỗn hợp hoạt chất Buprofezin + Imidacloprid để phòng trừ.
       •   Đối với rầy nâu ở giai đoạn trưởng thành hoặc gối lứa: sử dụng thuốc BVTV có một trong các hoạt chất: Thiamethoxam, Fenobucarb, Isoprocarb, Buprofezin + Fenobucarb, Acetamiprid + Imidacloprid, Acetamiprid + Thiamethoxam, … để phòng trừ.

 

ray nau gay hai tren lua

Hình 1: Rầy nâu gây hại trên lúa
Nguồn: sưu tầm
 

       + Bọ trĩ: phát sinh gây hại trong giai đoạn mạ – đẻ nhánh, cần chủ động nước tưới để hạn chế sự phát sinh gây hại của bọ trĩ.
     + Ốc bươu vàng: xuất hiện gây hại trong suốt vụ lúa, cần quản lý ngay trước khi gieo sạ như: đánh rãnh quanh ruộng, cắm cọc ven bờ khoảng cách 03 – 04 m/cây nơi có nước chảy và chổ rãnh sâu, diệt trứng ốc, bắt ốc, …
      + Chuột: xuất hiện gây hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây lúa, gây thiệt hại nặng trong giai đoạn làm đòng – trổ chín. Vì vậy, cần diệt chuột thường xuyên và thực hiện ngay từ đầu vụ bằng nhiều biện pháp mang tính cộng đồng.
      + Bệnh đạo ôn: do nấm Pirycularia oryzae gây ra, xuất hiện gây hại trên các bộ phận của cây lúa (lá, cổ lá, đốt thân, cổ bông, cổ gié và cuống hạt, trong đó biểu hiện rõ nhất trên lá và trên cổ bông) vào giai đoạn phát triển sung yếu (đẻ nhánh – đòng – trổ), nhất là trên những ruộng lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Vì vậy, cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và phòng trừ đạt hiệu quả khi bệnh mới xuất hiện. Trong trường hợp bệnh đang phát triển, bà con nông dân tuyệt đối không để ruộng khô, thiếu nước; ngưng ngay việc bón phân đạm và không phun phân bón qua lá có hàm lượng đạm.

benh dao on gay haoij tren la co bong lua

                      Hình 2: bệnh đạo ôn gây hại trên lá của cây lúa     Hình 3: bệnh đạo ôn gây hại trên cổ bông của cây lúa

Nguồn: sưu tầm

        + Bệnh cháy bìa lá: do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. Oryzae gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá và phát triển rất nhanh từ giai đoạn lúa trổ - chín; phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm, mưa gió nhiều hoặc ruộng nước ngập, tù đọng. Bệnh cháy bìa lá rất khó trị vì vi khuẩn nằm trong mạch nhựa của lá lúa. Hầu hết các thuốc trị vi khuẩn chỉ diệt vi khuẩn trên mặt lá và giúp ngăn sự lây lan của vi khuẩn sang lá lúa lân cận. Do đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phun thuốc kịp thời giúp hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra. Khi phát hiện bệnh, cần ngưng bón phân đạm, bón kali, thay nước ruộng và phun thuốc đặc trị vi khuẩn với một trong các hoạt chất như: Oxolinic acid, Kasugamycin, Ningnanmycin, Copper Oxychloride + Kasugamycin, Copper Oxychloride + Streptomycin, …

benh chay bia la tren lua

Hình 4: Bệnh cháy bìa lá trên cây lúa
Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh

         + Ngoài ra, cần lưu ý sự xuất hiện gây hại của các đối tượng khác: nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn (muỗi hành).  
         2. Cây ăn quả
         Áp dụng một số biện pháp kỹ thuật canh tác:
        - Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chế bệnh vàng lá thối rễ.
        - Giai đoạn đầu vụ gặp nắng nóng, khô hạn: cần áp dụng các biện pháp như tưới nước tiết kiệm; tủ gốc; tỉa bớt cành nhánh; bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng qua lá để nâng cao khả năng chống chịu cho cây.
       - Vào mùa mưa, đất dễ rơi vào tình trạng yếm khí nên làm rễ cây ăn trái thường trở nên yếu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại. Do đó, bà con nông dân cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, tiêu thoát nước tốt và không để vườn cây bị ngập kéo dài.
       - Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa vì vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, giúp chất lượng trái ngon hơn. Vào đầu mùa mưa, dùng nước vôi quét vào gốc cây để hạn chế các loài xén tóc đục thân, cành đẻ trứng và nấm Phytopthora sp. phát sinh.
         - Dự báo tình hình sâu bệnh hại: 
        + Trong điều kiện thời tiết còn tiếp tục nắng nóng đến nữa đầu tháng 5/2023, lưu ý các đối tượng gây hại thuộc nhóm côn trùng chích hút: bọ trĩ, nhện đỏ, rệp sáp, rệp vẩy, sâu vẽ bùa/cây có múi, … và bệnh chổi rồng/nhãn. 
        + Ngay sau khi có các cơn mưa giao mùa, chú ý phòng trừ kịp thời các loài xén tóc đục thân, cành. 
        + Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, lưu ý bệnh vàng lá thối rễ, đốm lá, thán thư, bệnh do vi khuẩn gây ra.
        3. Cây trồng khác
       Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng có khả năng trừ các dòng nấm gây hại trong đất. Đồng thời quan tâm thực hiện một số nội dung đối với mỗi loại cây trồng như sau:
        - Đối với rau màu các loại:
       + Trên đất chuyên màu: thực hiện luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý và bón phân cân đối NPK.
       + Trên đất chuyển đổi cây lúa sang trồng rau màu: củng cố hệ thống tưới, tiêu nội đồng và bón phân cân đối NPK, không bón thừa đạm (tùy theo thành phần cơ giới đất và độ màu mỡ của đất).
      + Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chế bệnh vàng lá chết cây phát sinh gây hại vào đầu mùa mưa.
       + Lưu ý các đối tượng như: sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy, dòi đục lá, ...  gây hại trên nhóm rau cải; rầy xanh, bọ phấn, sâu xanh, ruồi đục quả, đốm lá, đốm vàng, sương mai, thán thư, phấn trắng, ... gây hại các cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm, ruồi đục quả, bệnh thán thư gây hại cây ớt; dòi đục lá, sâu xanh da láng, thán thư gây hại trên hành lá, …
     - Đối với cây bắp:
     + Tăng cường kiểm tra đồng ruộng ngay từ đầu vụ để quản lý tốt sâu keo mùa thu nhằm tránh gây thiệt hại cuối vụ. 
     + Lưu ý sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu. Khi mật số sâu cao, cần luân phiên sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất: Bacillus thuringiensis, Indoxacard, Spinetoram, Lufenuron, Emamectin benzoate.
     - Đối với cây mì:
     + Chủ động nguồn nước tưới, nhất là trong giai đoạn thời tiết nắng nóng.
     + Lưu ý phát sinh gây hại của bệnh khảm lá và nhóm côn trùng chích hút như nhện đỏ, bọ phấn, rệp sáp bột hồng, … 
    + Để góp phần quản lý tốt các đối tượng trên, bà con nông dân nên sử dụng hệ thống tưới phun bằng béc cố định hoặc bằng dây phun; thường xuyên thăm đồng; tuân thủ theo hướng dẫn phòng chống dịch khảm lá của ngành như: xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực; sử dụng các giống kháng bệnh khảm lá như HN5, HN1, HN 97, HN80 hoặc các giống KM 94, KM 140, KM 505, … sạch bệnh để trồng; phun thuốc BVTV trừ bọ phấn trắng trong giai đoạn mọc mầm – 03 tháng sau khi trồng; tiêu hủy cây khoai mì bị bệnh và tàn dư sau thu hoạch.

 

ruong mi tuoi phun bang bec co dinh

Hình 5: Ruộng khoai mì áp dụng tưới phun bằng béc cố định
Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh

         -   Đối với các cây trồng ngắn ngày khác:
Tùy thuộc vào điều kiện đất đai, hệ thống tưới tiêu, loại cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý mới có hiệu quả kinh tế cao, trong đó cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:
         + Sử dụng giống mới, có năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu.
       + Thâm canh để tăng năng suất và chất lượng cây trồng; tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước; tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh vàng lá chết cây phát sinh gây hại vào đầu mùa mưa.
        + Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất các loại cây trồng.
       + Thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
        - Đối với cây công nghiệp dài ngày:
        + Tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại, …
       + Chủ động, thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ thích hợp; tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô, cành bị sâu bệnh, giữ vườn cây luôn thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh gây hại.


                                                                                                                                   PHÒNG TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
                                                                                                             CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH TÂY NINH



 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây