Quản lý bệnh thán thư hại cây mít ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 08/11/2024 14:27 239 0
Cây mít là loại cây có khả năng thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là khả năng chống chịu hạn tương đối tốt có thể thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, phù hợp với các vùng hạn chế về nước tưới. Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Biên xuất hiện nhiều mưa, ẩm độ tương đối cao. Đây là điều kiện thời tiết thích hợp cho một số đối tượng gây bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng. Bệnh thán thư hại cây mít là một trong những đối tượng phát sinh và gây hại ở một số diện tích trồng mít trên địa bàn huyện.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã phấn đấu thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng trên vùng đất sản xuất của mình để phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất, với mục tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình mình.

Cây mít đã được nhiều hộ sản xuất trên địa bàn huyện Tân Biên lựa chọn.  Đây là loại cây có khả năng thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là khả năng chống chịu hạn tương đối tốt có thể thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, phù hợp với các vùng hạn chế về nước tưới. Hiện, diện tích cây mít trên địa bàn huyện Tân Biên là 173 ha.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Biên xuất hiện nhiều mưa, ẩm độ tương đối cao. Đây là điều kiện thời tiết thích hợp cho một số đối tượng gây bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng. Bệnh thán thư hại cây mít là một trong những đối tượng phát sinh và gây hại ở một số diện tích trồng mít trên địa bàn huyện.

Bệnh thán thư hại cây mít do nấm Colletotrichum gloeosporiodes gây ra.  Bệnh gây hại trên cả lá, chồi non và quả mít với các triệu chứng bệnh trên quả như sau: Vết bệnh đặc trưng là những đốm màu nâu tối, gần tròn, mềm trên vỏ quả. Bên dưới vết bệnh, thịt quả bị thối, màu nâu đen. Vết bệnh lan rộng nhanh và ăn sâu vào trong khi gặp điều kiện thuận lợi gây thối trái và giảm chất lượng trái.

          Bệnh gây hại trực tiếp đến quả, có khả năng gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên và lây lan nhanh ở những vườn mít có mật độ dày, cành nhánh rậm rạp, thoát nước kém. Trên quả bệnh có thể lây nhiễm qua các vết thương do trầy xướt hoặc do côn trùng như sâu đục quả, ruồi đục quả,… gây ra tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm. Nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời sẽ gây thất thoát quả nghiêm trọng trong giai đoạn trước thu hoạch và cả ở giai đoạn sau thu hoạch.

z6000942032455 f46aa760f72bd007cde43c9baaebec09
Hình. Bệnh thán thư gây hại trên quả mít

Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả mít khi thu hoạch, người sản xuất cần áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trị sau:

        - Biện pháp canh tác:

            + Trồng mít với mật độ hợp lý: Đối với giống mít nghệ, khoảng cách thích hợp trồng mít là 7 x 7 m hay 6 x 7 m hoặc 6 x 6 m; đối với các giống nhập nội như giống mít Thái siêu sớm có tán cây nhỏ, cho trái sớm nên có thể trồng ở mật độ dày hơn 3 - 4 x 3 - 4m.

          + Quản lý tốt độ ẩm trong đất, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước cho vườn mít để tránh tình trạng ngập úng cho vườn cây.

              + Tỉa cành tạo tán giúp cho cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.

         + Quản lý cỏ dại, vệ sinh vườn để hạn chế nơi trú ẩn của các đối tượng sâu bệnh hại

        + Thường xuyên kiểm tra diệt các loài sâu hại, côn trùng gây ra các vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm. Đối với quả nên áp dụng biện pháp bao trái mít, vừa ngăn chặn côn trùng hại quả, vừa giảm bệnh thán thư.

           + Bón phân cân đối hợp lý giữa đạm, lân và kali; tăng cường bón phân hữu cơ, phân chuồng, phân xanh đã ủ hoai mục.

           + Định kỳ vào đầu mùa mưa bón vôi cho đất để diệt mầm bệnh trong đất và kiểm soát pH đất thích hợp cho cây mít từ 5 - 7,5.

             + Dụng cụ thu hoạch phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh để quả tiếp xúc với đất hoặc nơi có nguồn bệnh, nên thu hoạch lúc trái khô ráo.

          - Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học như nấm đối kháng Trichoderma bón cùng với các đợt bón phân cho cây để hạn chế mầm bệnh trong đất phát triển.

        - Biện pháp cơ giới: Tỉa và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh nặng để giảm nguồn bệnh trên cây, tỉa bỏ những cành, lá và trái mọc thấp gần mặt đất, tỉa bớt quả mọc thành chùm. Thu gom và đem ra ngoài tiêu hủy.

        - Biện pháp hóa học: Khi bệnh mới xuất hiện hoặc khi thời tiết thuận lợi cho bệnh thán thư phát triển như sau những đợt mưa kéo dài có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất thuốc như Difenoconazole, Propineb,…

        Một số lưu ý khi sử dụng thuốc BVTV:

- Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phải có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

- Trong thời tiết có nhiều mưa, ẩm độ cao, có thể sử dụng thuốc bảo vệ  thực vật phun 2 - 3 lần để phòng trị, mỗi lần cách nhau 07 ngày.

- Khi phun thuốc cần đảm bảo mặc đầy đủ đồ bảo hộ, không phun thuốc khi trời nắng gắt hay thời tiết chuẩn bị có mưa.

          Anh nông dân Nguyễn Thanh Cường đang sản xuất mít Thái tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên với diện tích sản xuất ban đầu là khoảng 5 ha được anh trồng từ năm 2018. Đến năm 2022, anh đã tiếp tục mở rộng diện tích mít Thái thêm 12 ha. Trong những năm đầu sản xuất, việc thu hoạch mít của anh không ít khó khăn do bệnh thán thư, sâu đục trái, ruồi đục quả gây ra làm thất thoát, cũng như giảm giá thành sản phẩm.

img20230717094613
Hình. Vườn mít Thái của anh Nguyễn Thanh Cường đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý bệnh thán thư hại quả mít

          Đến năm 2022, trên cơ sở các bịên pháp được hướng dẫn cùng với tinh thần ham học hỏi và niềm đam mê với nông nghiệp, anh Cường đã áp dụng đồng bộ các biện pháp trong việc quản lý bệnh thán thư trên mít. Trong đó, việc sử dụng biện pháp bao trái được anh rất chú trọng thực hiện trên 100% diện tích sản xuất thời điểm đó là 5 ha.

    Anh Cường cho biết: “Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý đối với bệnh thán thư hại quả mít như tỉa cành tạo tán, vệ sinh vườn, bón phân hữu cơ vi sinh và bao trái,… thì vườn mít của tôi trong năm 2022-2023 đã giảm được từ 20-25% tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch do bệnh thán thư, sâu đục trái gây ra so với những năm trước. Ngoài ra, việc bao trái còn giúp tôi giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong việc trừ bệnh thán thư, sâu đục trái và ruồi đục quả. Năm 2024, tôi đã thanh lý 5 ha diện tích mít già nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp quản lý này cho 12 ha mít trồng mới. Sản lượng của năm đầu tiên tôi thu được cho 12 ha mít trồng mới là 60 tấn/năm với giá bán trung bình là 20.000 đồng/kg. Dự kiến những năm tiếp theo vườn mít sẽ cho năng suất trung bình từ 15-20 tấn/ha.”

TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT HUYỆN TÂN BIÊN

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây