Ngày 17 tháng 9 năm 2019, Giám đốc, cùng các Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị Sơ kết kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 9 tháng đầu năm 2019 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2019 của Ngành nông nghiệp và PTNT,
Thành phần tham dự: Lãnh đạo các Sở, ngành, Công ty, Ban; UBND các huyện, thành phố; phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng kinh tế thành phố; Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Công đoàn ngành; Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh, Thông tấn xã Việt Nam thường trú Tây Ninh, Báo Nhân dân thường trú tại Tây Ninh;.
Sau khi Đại diện phòng Kế hoạch, Tài chính Sở thông qua báo cáo tóm tắt nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 9 tháng đầu năm 2019 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2019 của Ngành nông nghiệp và PTNT; ý kiến phát biểu lãnh đạo: Các sở, ngành, ban; các Phòng Nông nghiệp và PTNT; Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị thuộc Sở và các Phó Giám đốc Sở; Giám đốc Sở phát biểu đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm 2019 và một số nội dung trọng tâm thực hiện 3 tháng cuối năm 2019 như sau:
1. Đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm 2019 của ngành nông nghiệp và PTNT:
- Giao phòng Kế hoạch, Tài chính Sở tiếp thu, rà soát những nhiệm vụ còn tồn động; tồn tại một số vấn đề các sở, ngành, địa phương, đơn vị nêu ra bổ sung vào báo cáo, đề ra biện pháp thực hiện phù hợp khả thi;
- Tình hình dịch bệnh tả lợn (heo) Châu Phi hiện nay đã xảy ra trên 57 xã, 8 huyện, thành phố; số heo chết và thiêu hủy trên 21.000 con (trên 1.300 tấn); Các địa phương tiếp tục tập trung chống bệnh dịch theo các văn bản chỉ đạo;
- Thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng khó khăn: Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc không còn dễ tính, một số quy định: Rào cản an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung….làm sản xuất tiêu thụ nông sản trong tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ; thị trường nông sản 9 tháng đầu năm giảm so năm 2018 các mặt hàng chủ lực của tỉnh và cả nước hầu như xuất khẩu đều giảm giá, giảm sản lượng;
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tuy chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đều triển khai và có kết quả nhất định, xu hướng chuyển dịch sản xuất theo định hướng: Giảm diện tích mía, lúa, cao su, tăng mạnh diện tích rau, cây ăn quả, tái đàn heo từng bước, tiếp tục phát triển gia cầm, bò thịt, bò sữa;
- Lâm nghiệp: Rà soát quy hoạch; kế hoạch trồng rừng; xử lý tồn tại Quyết định 1573/QĐ-UBND và 223/QĐ-UBND của UBND tỉnh;
- Xây dựng nông thôn mới: Đối với việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, cần quan tâm tập trung giải pháp nâng cao thu nhập của người dân nông thôn;
- Quản lý vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất: Xuất hiện những vấn đề chất lượng phân bón, qua lấy mẫu kiểm tra 130 mẫu, kết quả gần 40% mẫu không đạt chất lượng; thuốc bảo vệ thực vật qua kiểm tra mẫu không đạt chiếm tỷ lệ 20%; an toàn thực phẩm gần 7% không đạt chất lượng. Điều đó cho thấy chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được tăng cường và xử lý mạnh hơn;
- Trung tâm khuyến nông: Việc xác định mô hình, công tác triển khai, nội dung chuyển giao kỹ thuật, trình diễn giống mới, giống tốt, kỹ thuật tiên tiến cho dân còn chậm, chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất;
- Thực hiện chính sách của ngành nông nghiệp: Mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (tại Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND, ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh); hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (tại Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND, 28/6/2019 của UBND tỉnh); Các địa phương thiếu chủ động đến tháng 9 chưa đăng ký dự án năm 2019 và xây dựng kế hoạch năm 2020 để ngành tổng hợp đăng ký bố trí vốn; thực hiện nhiệm vụ kế hoạch số 1331/KH-UBND về thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2020 đến nay chỉ thực hiện 2/11 hợp đồng tuyển dụng quá chậm so tiến độ đề ra;
- Chương trình MTQG giảm nghèo: Đến nay còn 3 huyện chưa lập dự án hỗ trợ sản xuất, dự án đa dạng sinh kế giảm nghèo bền vững; 01 huyện tự giải ngân kinh phí, chưa có ý kiến thẩm định cơ quan chuyên môn; các địa phương khi lập dự án chưa đánh giá sát thực trạng hộ nghèo, nhu cầu sản xuất từng hộ, viết dự án sơ sài, dự án chưa lồng ghép (vốn, kết hợp các mô hình….), đưa mô hình chưa sát;
2. Những vấn đề đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung triển khai, phối hợp thực hiện trong 3 tháng cuối năm:
Ngoài những nội dung đã nêu trên trong báo cáo cần quan tâm một số nhiệm vụ sau:
- Tái cơ cấu nông nghiệp: Rà soát đầu tư công (kế hoạch vốn năm 2020 và giai đoạn 2021-2025); tình hình sản xuất; những vấn đề khó khăn vướng mắc trong dân để có giải pháp kịp thời;
- Chương trình hỗ trợ sản xuất: Đề án (lúa, heo, bò thịt….); hỗ trợ sản phẩm sạch; phần mềm truy suất nguồn gốc cây trồng (KIPUS); đưa giống mì sạch bệnh về huyện/xã/ấp đề nghị các đơn vị phối hợp với các địa phương, sở, ngành tập trung triển khai trong 3 tháng cuối năm;
- Phòng chống dịch bệnh tả Châu Phi, khảm mì cần quyết liệt, nắm bắt tình hình, biện pháp phòng chống theo chỉ đạo;
- Hỗ trợ phát triển các chính sách: Tập trung triển khai các chính sách (hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn…) của ngành, các địa phương tiếp tục chấn chỉnh sớm triển khai chính sách đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp hoàn thành trong năm 2019;
- Chương trình giảm nghèo: các địa phương, đơn vị có liên quan cần khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn và văn bản quy định;
- Lâm nghiệp: Khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng; Đề án rừng sản xuất; quyết định 1573/QĐ-UBND và quyết định 223/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đảm bảo diện tích trồng rừng theo kế hoạch; rà soát ranh rừng phòng hộ Dầu Tiếng giáp với hồ nước Dầu Tiếng;
- Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật: Trung tâm Khuyến nông bàn với các phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, phòng Kinh tế thành phố triển khai ngay theo kết luận của Giám đốc Sở trong tháng qua;
- Đào tạo nghề nông thôn: Các địa phương quan tâm đảm bảo theo quy định;
- Tình hình chăn nuôi heo: Chủ trương của ngành cho tái đàn heo, nhưng phải đảm bảo an toàn từng bước;
- Về thu quỹ phòng chống thiên tai, xử lý lấn chiếm lưu không kênh đề nghị các địa phương, các huyện giúp triển khai sớm hoàn thành theo kế hoạch UBND tỉnh ban hành;
Các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ còn lại trong 3 tháng cuối năm 2019, hỗ trợ ngành nông nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Ý kiến bạn đọc