Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh triển khai Trồng thử nghiệm cây Đinh Lăng lá nhỏ dưới tán rừng trồng

Thứ tư - 28/11/2018 22:00 171 0

Cây Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms, cùng họ với cây nhân sâm (sâm Triều Tiên) nổi tiếng (họ Araliaceae). Đinh lăng là một loại cây nhỏ, sống nhiều năm, cao từ 0,8-1,5m, thân nhẵn không có gai và phân nhánh nhiều. Lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40cm. Phiến lá kép có thùy sâu và mép có răng cưa không đều. Vò ra lá có mùi thơm. Cụm hoa là một khối hình chùy ngắn, gồm nhiều tán đơn hợp lại. Mỗi tán mang nhiều hoa nhỏ có cuống ngắn. Hoa 5 cánh trắng hình trứng, dài 2mm có 5 nhị với chỉ nhị ngắn và mảnh, bầu dưới có 2 ô có rìa trắng nhạt. Quả dẹt màu trắng bạc dài 3-4mm, dày 1mm, mang vòi tồn tại.

Noname.jpg


Kinh nghiệm từ thực tiễn trong nhân dân, cây đinh lăng được trồng trong vườn nhà ở nông thôn, có thể phát triển ở điều kiện ánh sáng quang hợp 50%, có thể chất lượng không bằng ở điều kiện quang hợp cao hơn, song có thể thử nghiệm để khẳng định chính xác kết quả.

Đề tài nghiên cứu Trồng thử nghiệm cây Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa (L.) Harms) dưới tán rừng trồng tại Ban quản lý Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc  là đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp cơ sở, tập trung đánh giá hiệu quả thực hiện mục tiêu Tăng thảm thực vật, giá trị đa dạng sinh học, tăng màu mỡ cho đất và tạo việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập cho hộ nhận khoán trồng rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng.

Căn cứ Quyết định số 233/QĐ-SNN, ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

Thời gian thực hiện đề án là 36 tháng với tổng kinh phí được phân khai thực hiện: 252.400.000 đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học theo hình thức khoán từng phần.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã khẩn trương phối hợp với Ban quản lý Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc thực hiện công tác xử lý đất, thiết kế hệ thống tưới và chuẩn bị cây giống để thực hiện đề án, tháng 10/2018 các thành viên của đề án đã hoàn thành việc thưc hiện trồng khoảng 10.000 cây Đinh lăng dưới tán rừng tại Ban quản lý Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc.

4.jpg

Hiện tại các thành viên đề án đang tập trung triển khai giai đoạn chăm sóc và thực hiện các nội dung khác theo đề án để đảm bảo hiệu quả đúng theo đề án đã đề ra. Sau khi triển khai trồng cây Đinh lăng dưới tán rừng tại Ban quản lý Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc đạt hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình trồng đến các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh./.

Phòng Hành chính - Tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây