Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng được quy định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Những năm trước đây, ngành lâm nghiệp đã tổ chức thực hiện một số đợt kiểm kê rừng toàn quốc công bố vào các năm 2006, 2012 và 2016. Nhằm từng bước đưa công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp vào nề nếp, công bố hàng năm, đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và phục vụ công tác điều hành. Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này còn nhiều bất cập khi địa bàn và đối tượng kiểm kê, theo dõi quá lớn, vì vậy còn tồn tại tình trạng cập nhật chậm, thiếu chính xác, khiến nhiều số liệu về rừng và đất lâm nghiệp không có nhiều giá trị.
Để khắc phục tình trạng này, thông qua dự án FORMIS (Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện triển khai và ứng dụng một bộ công cụ mới phục vụ công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp dựa trên công nghệ GIS mã nguồn mở hiện đại.
Dự án do Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Sau giai đoạn triển khai thí điểm từ năm 2009 đến năm 2013, hiện nay FORMIS đang triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu hỗ trợ ngành lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tại Việt Nam xây dựng hệ thống nền công nghệ thông tin liên lạc thống nhất, tích hợp các dữ liệu thông tin thường xuyên, nhanh, chính xác nhằm hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý rừng bền vững.
Với phần mềm này, các dữ liệu và thông tin cập nhật sẽ giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí lập kế hoạch đầu tư, giúp cho việc theo dõi và lập báo cáo lâm nghiệp nhanh chóng, chính xác. Góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý rừng bền vững, nắm bắt thông tin và dữ liệu về tài nguyên rừng nhanh và hiệu quả nhất, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, ra quyết định, giám sát và báo cáo trong quản lý ngành lâm nghiệp được một cách thuận lợi, đồng thời phục vụ việc nghiên cứu và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và chủ rừng…
Hiện nay đang triển khai tại Tây Ninh, sau khi được cập nhật, ngành Lâm nghiệp sẽ có bộ dữ liệu chuẩn, đồng nhất, tin cậy về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp bao phủ 60/60 tỉnh có rừng, với 7,2 triệu lô rừng và 1.118.000 chủ rừng trên cả nước.
Hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp sẽ là một công cụ kỹ thuật hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Lâm nghiệp ít nhất 10 – 15 năm để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thường xuyên cho việc cập nhật theo dõi diến biến tài nguyên rừng hàng năm, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng đạt hiệu quả cao trên toàn quốc./.
Nguyễn Phú Quốc - Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu
Ý kiến bạn đọc