Hội thảo An toàn sinh học và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm

Thứ tư - 29/05/2024 15:11 183 0

Ngày 27/5/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh tổ chức Hội thảo “An toàn sinh học và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” tại Hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh. Giúp người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thêm thông tin về an toàn sinh học cũng như định hướng và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong giai đoạn hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng. Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi là hết sức cần thiết và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, chăn nuôi hữu cơ tuy đã được biết đến từ lâu nhưng vẫn còn nhiều người chăn nuôi chưa nắm bắt được nhiều thông tin, nội dung, quy trình sản xuất. Do đó, nhằm giúp nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có thêm thông tin về quy định, quy trình thực hiện an toàn sinh học cũng như định hướng và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi. Ngày 27/5/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức Hội thảo “An toàn sinh học và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” tại Hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh.

 

Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh; Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Hồ Minh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh; ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh và 68 cán bộ, nông dân chăn nuôi trên địa bàn các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Thị xã Hoà Thành, Thành phố Tây Ninh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ, những năm qua ngành chăn nuôi đã và đang đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh, nhờ việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để Hội thảo đạt hiệu quả, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn và lợi ích của chăn nuôi hữu cơ; các giải pháp an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải.

 

Ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đang phát biểu tại Hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, báo cáo viên của Hội thảo đã chia sẻ về các nguyên tắc an toàn sinh học như việc cách ly, kiểm soát ra – vào tại cơ sở chăn nuôi; nguyên tắc vệ sinh, khử trùng khi chăn nuôi. Bên cạnh đó, Tiến sĩ cũng trình bày các nội dung như quy trình chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ; quản lý, kiểm soát con giống, thức ăn, nước uống; các biện pháp phòng, trị bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi hữu cơ,….

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ đang báo cáo tại Hội thảo

Bên cạnh những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc; đại diện nông dân tham dự Hội thảo cũng đưa ra một số ý kiến của mình và được Tiến sĩ Bắc giải đáp. Trong đó, nông dân huyện Châu Thành đã có phát biểu như sau: “Sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu mùi hôi từ chất thải tuy rất hữu ích, nhưng theo chia sẻ của thầy thì nó cũng có nhược điểm rất lớn như sinh ra nhiệt độ cao. Bên cạnh đó thì nhiệt độ của Tây Ninh vào những ngày nắng cao điểm có thể lên khoảng 40 độ. Liệu rằng phương pháp xử lý này có thực sự khả thi để ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh hay không?”. Trả lời cho câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc chia sẻ “Tây Ninh vẫn có khả năng ứng dụng phương pháp này vào trong chăn nuôi, tuy nhiên cần có nhiều yếu tố, điều kiện đi kèm để phát huy lợi ích tốt nhất. Đệm lót sinh học sẽ phát huy tối đa công dụng khi được ứng dụng vào các trang trại kín. Mặc dù vậy, bà con nông dân vẫn có thể khắc phục, hạn chế nhược điểm này bằng cách chia nền chuồng làm hai phần, trong đó một phần phủ đệm lót để xử lý phân, phần còn lại không phủ đệm lót để cho vật nuôi sinh hoạt, tránh nóng khi nhiệt độ đệm lót tăng cao. Hoặc mọi người có thể giảm độ dày của đệm lót, thường xuyên đảo trấu, lắp thêm hệ thống quạt giúp hạ nhiệt. Các biện pháp này sẽ giúp khắc phục phần nào nhược điểm của đệm lót sinh học”.

Thông qua Hội thảo, cán bộ Khuyến nông và nông dân đã hiểu thêm về các biện pháp, nguyên tắc khi thực hiện an toàn sinh học cũng như định hướng và phát triển sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi. Từ đó có thêm kiến thức để ứng dụng vào thực tiễn. Góp phần phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ tỉnh nhà nói riêng.

Tác giả: Khuyen nong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây